Nỗi đau xuất cảnh trái phép

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/5/2021 | 7:49:09 AM

YênBái - Cứ A Say cùng hai người con là Cứ A Tu và Cứ A Khua xuất cảnh trái phép đi làm thuê tại khu vực biên giới Việt - Trung (Lào Cai). Đi được khoảng 10 ngày, cả ba người đã bị giam giữ, riêng Cứ A Say đã chết sau đó mà không rõ nguyên nhân. Do xuất cảnh trái phép nên gia đình phải mất 6 tháng làm các thủ tục mới nhận được thi thể về an táng. Thời điểm bị giam giữ, con Cứ A Khua ở nhà ốm nặng, không có tiền chữa bệnh nên cũng đã qua đời...

Lực lượng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh làm thủ tục xuất cảnh cho người dân trên địa bàn.
Lực lượng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh làm thủ tục xuất cảnh cho người dân trên địa bàn.


Mong muốn có một công việc ổn định, thu nhập cao là ước mơ chính đáng của tất cả mọi người, đặc biệt là đồng bào miền núi vốn cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thay vì nỗ lực làm giàu ngay tại quê hương mình thì nhiều người lại tìm đường vượt biên ra nước ngoài tìm việc làm với giấc mơ đổi đời nhanh chóng. Nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt bằng cả tính mạng của mình…

Nước mắt người ở lại

Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi của gia đình chị Giàng Thị Sùng ở Bản Háng Bla Ha A, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải bớt lạnh lẽo hơn khi có khách đến thăm. Rót bát nước nóng mời chúng tôi, chị Sùng buồn bã kể lại: do không có công việc ổn định, lại nôn nóng muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình nên đầu tháng 12/2019, chồng chị là Cứ A Say cùng hai người con là Cứ A Tu và Cứ A Khua đã xuất cảnh trái phép đi làm thuê tại khu vực biên giới Việt - Trung (Lào Cai). 

Tuy nhiên, đi được khoảng 10 ngày, có thông tin cả ba người đã bị giam giữ, riêng chồng chị - Cứ A Say đã chết sau đó mà không rõ nguyên nhân. Do xuất cảnh trái phép nên gia đình phải mất 6 tháng làm các thủ tục mới nhận được thi thể về an táng. 

Nhắc lại chuyện cũ, Cứ A Khua vẫn chưa hết sợ hãi: "Khi đang trên xe ô tô cùng khoảng gần 50 người Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ. Họ giam mỗi người một nơi nên không biết những người đi cùng đang ở đâu. Cùng thời điểm bị giam giữ, con mình ở nhà ốm nặng, không có tiền chữa bệnh nên đã qua đời, cùng lúc mất đi hai người thân, giờ ân hận lắm". 

Được tuyên truyền vận động, anh Khua sau đó đã cùng gia đình ký cam kết không xuất cảnh trái phép (XCTP) đi làm thuê nữa.

Trong quá trình tiếp xúc với những gia đình có người thân XCTP, lao động "chui” ở Trung Quốc, chúng tôi đã chứng kiến không ít cảnh "đầu bạc tiễn đầu xanh” đẫm nước mắt. Gia đình chị Mai Thị Hoàng, trú tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên là một trường hợp như vậy. 

Vào tháng 7/2019, con trai chị là Lò Văn Chiến, sinh năm 1997 nghe bạn rủ rê đã trốn sang Trung Quốc để làm thuê, nhưng vừa sang bên kia biên giới chưa được một tuần thì Chiến cùng với Mai Văn Tới, sinh năm 1997 và Lò Văn Niên, sinh năm 1998, đều trú tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên bị tai nạn giao thông. Riêng Lò Văn Chiến do nhập cảnh trái phép nên không được chữa chạy kịp thời đã tử vong. 

Việc đưa thi thể Chiến về quê nhà để an táng cũng rất khó khăn và phức tạp. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ để gia đình hoàn thiện thủ tục pháp lý đưa về quê an táng.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong hai năm 2019 và 2020, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện 226 vụ, 343 trường hợp XCTP đi nước ngoài, trong đó có 121 trường hợp bị bắt và trao trả về Việt Nam. Có những người còn phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Nhiều người đã để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội và gây mất an ninh, trật tự tại địa phương khi trở về. Đây chính là hồi chuông cảnh báo cho những người đang có ý định XCTP đi làm thuê, ôm giấc mộng đổi đời nơi xứ người.

Trách nhiệm không của riêng ai

Xuất cảnh lao động trái phép đã và vẫn đang diễn ra ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái do cuộc sống bà con còn gặp khó khăn, phần lớn không có bằng cấp, trình độ chuyên môn, tay nghề nên không có việc làm ổn định, hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp. 

Một bộ phận người dân, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về trình độ, nhận thức, mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin nên thường tự đi khỏi địa phương hoặc bị các đối tượng môi giới rủ rê, lôi kéo đưa sang nước khác làm thuê trái phép.  

Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất cảnh, du lịch và xuất khẩu lao động, một số tổ chức, cá nhân đã lừa gạt, tổ chức người vượt biên trái phép hoặc làm dịch vụ du lịch trá hình đưa người ra nước ngoài để trục lợi. 

Cùng với đó, Việt Nam có chung đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia với nhiều đường mòn, lối mở, sông, suối cạn…, nên việc xuất cảnh trái phép khá dễ dàng. Đặc biệt là vào thời điểm hiện nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, số người xuất cảnh trái phép trở về địa phương là một trong những nguồn có khả năng cao lây bệnh tiềm ẩn trong xã hội do không được kiểm tra, sàng lọc y tế trong quá trình xuất nhập cảnh.

Đề cập đến thực trạng nhiều người dân ở miền núi vượt biên trái phép tìm kiếm việc làm, lãnh đạo một số địa phương đều nhận định, đây thực sự là vấn đề nan giải. 

Ông Lò Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên chia sẻ, mặc dù chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về những nguy hiểm, rủi ro khi xuất cảnh trái phép đi làm thuê, nhưng một bộ phận người dân vẫn hi vọng có một cuộc sống an nhàn bên kia biên giới nên đã vay mượn tiền để đi; nhiều người khi trở về lại mang thêm khoản nợ lớn. Để tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng XCTP trên địa bàn, Công an tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. 

Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo lực lượng chức năng, cùng chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, địa bàn không để các đối tượng lạ mặt, nghi vấn đến rủ rê, lôi kéo người dân XCTP. 

Xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân, từng thôn bản - coi đây là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Khuyến khích người dân nếu có nhu cầu nên đi bằng con đường công khai, hợp pháp. 

Trên thực tế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng XCTP trên địa bàn, trọng tâm là giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Theo ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, với định hướng tập trung tư vấn đào tạo nguồn nhân lực trọng tâm ở những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như chế biến chè, quế và chế biến lâm sản…, năm 2021, Trung tâm đặt mục tiêu phấn đấu cung ứng, giới thiệu việc làm cho trên 27 nghìn lao động tại địa phương.

Từ nguyên nhân chủ yếu tình trạng người dân XCTP lao động "chui” là do nhu cầu cần việc làm để tăng thu nhập, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức cho người khác xuất cảnh ra nước ngoài lao động "chui”. 

Mặt khác, các địa phương cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Điều cần hơn, chính là mỗi người dân cần khơi dậy ý chí, khát vọng nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay tại quê hương mình, để không tự biến mình thành nạn nhân.  

Văn Cường
(Bài dự thi "Vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”)

Tags Yên Bái Mù Cang Chải xuất cảnh trái phép dân tộc Mông

Các tin khác
Nông dân xã Nghĩa Lộ thu hoạch chè. (Ảnh: Hoài Văn)

Nhắc đến nông trường Nghĩa Lộ, nay mang tên hành chính mới là xã Nghĩa Lộ thuộc thị xã Nghĩa Lộ, người ta nghĩ ngay đến một vùng nguyên liệu chè lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Còn tôi, trở lại nơi đây giữa những ngày tháng 5 lịch sử gắn với kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 131 năm ngày sinh Bác kính yêu đã gợi lên trong tôi niềm tự hào xen lẫn cảm xúc bồi hồi, xao xuyến…

Sơn tra trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao.

Ngày nay, thứ quả dại ở rừng có vị chua chát nhưng lại có cái tên mỹ miều "sơn tra" không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải mà còn trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, có gắn kết sản xuất và chế biến.

Nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do bắt nguồn từ rượu.

Đuổi bạn nhậu về không được, đốt luôn nhà mình khiến nạn nhân tử vong; vì rượu mà lưỡi dao oan nghiệt tước mạng sống của bạn; vì rượu mà đập chết bố... “Đau xót lắm anh ạ! Có những người hiền lành, thật thà nhưng rượu vào là vung dao chém người. Càng đau hơn khi nạn nhân là cha mẹ, người thân” - Trung tá Quách Minh Điệp - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết.

Rượu không thể thiếu trong các cuộc vui.

Báo Yên Bái đã từng đăng tải phóng sự điều tra với nhan đề "Ma tà hay ma men?” khi rộ thông tin có tà ma chuyên hại những người đàn ông thuộc một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình. Sau khi phóng viên "mục sở thị”, nhất là khi chứng kiến những bữa nhậu uống bằng ca, bằng bát mới thấy, chẳng có tà ma nào hết, cả chục người bị đồn thổi là bị bỏ ma thì cả chục người đều… nghiện rượu kinh niên!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục