Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Yên Bái (1/10/1991 - 1/10/2021)

Thời gian hát lên ngô vàng và nếp trắng

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/9/2021 | 7:45:45 AM

YênBái - Tôi thích những nhà văn viết về thời gian, triết lý thâm thúy về thời gian bởi trong những ngày này là thời khắc người ta nhớ đến ngày Yên Bái tách ra Hoàng Liên Sơn và trở về Yên Bái. Biết bao suy nghĩ về thời gian, 30 năm ấy là dài hay là ngắn, nó đã đủ để hát lên thành ngô vàng và nếp trắng như nhà thơ đã viết.

Hệ thống giao thông Yên Bái được kết nối đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Thanh Miền)
Hệ thống giao thông Yên Bái được kết nối đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Thanh Miền)

30 năm xây dựng và phát triển đối với một địa phương, một miền đất quả thật không phải là dài, nhưng cũng không còn là ngắn. Thời gian ấy cũng đã đủ để chúng ta thể hiện tài năng và trí tuệ, thời gian ấy cũng đủ để mỗi chúng ta đem tinh thần và nghị lực để thực hiện một ước mơ và khát vọng.

Nhà văn Đỗ Chu trong một tùy bút ông viết: Người ta đến một lúc nào đó tự dưng thấy không gồng gánh gì mà hai vai nặng trĩu. Cầm lên tay cái cuốc, cái cày, cái kìm, cái búa, cầm lên khẩu súng, cái bút, cành hoa hết thảy đều khó khăn, hết thảy đều nặng trĩu. Người ta nói rằng, ấy là sức nặng của thời gian, tuổi già đang đến.

Nhưng ngay những lúc như thế, ông lại lõ mõ đọc mấy câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên cũng nói về thời gian, bằng những hình tượng và triết lý vô cùng thâm thúy: "Như con sông dệt phù sa trong rừng vắng/Những ngày qua nào có mất đi đâu/Ngày mai, ngày mai phù sa hát lên ngô vàng và nếp trắng”.

Tôi thích những nhà văn viết về thời gian, triết lý thâm thúy về thời gian bởi trong những ngày này là thời khắc người ta nhớ đến ngày Yên Bái tách ra Hoàng Liên Sơn và trở về Yên Bái. Biết bao suy nghĩ về thời gian, 30 năm ấy là dài hay là ngắn, nó đã đủ để hát lên thành ngô vàng và nếp trắng như nhà thơ đã viết.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng non sông thống nhất như khát vọng bao năm, một Hoàng Liên Sơn ra đời trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Nghĩa Lộ. Quy mô diện tích một tỉnh bao la, quy mô dân số tăng cao, quy mô tiềm năng, thế mạnh sừng sững như đỉnh Phan-Xi-Păng của dãy Hoàng Liên Sơn. 

Thế và lực ấy Hoàng Liên Sơn sẽ cùng cả nước mau chóng khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Có thể nói, những bước phát triển của Hoàng Liên Sơn rất đáng ghi nhận, có những thành tựu đáng trân trọng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội bước đầu được xây dựng, kinh tế phát triển, những khó khăn từng bước được khắc phục. 

Thế và lực mới của Hoàng Liên Sơn tuy mới chỉ là khởi đầu nhưng đó là một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Năm 1991 lại có một cuộc di chuyển lịch sử tiếp theo, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia tách thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ngày 1/10/1991 các cơ quan hành chính, tổ chức Đảng, đoàn thể chính thức đi vào hoạt động. Có cuộc chia ly nào hay chia tách nào lại không có nước mắt và xúc động. 

Thực ra cuộc chia tách không phải đợi đến tháng 10 mà nó diễn ra cách đó hàng tháng. Chia tách tỉnh cho phù hợp với thực tiễn, chia tách tỉnh để phát huy sức năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế lúc bấy giờ.

Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo diễn ra tròn 4 năm, đất nước đang từng bước ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất, nên các tỉnh, nhất là có tỉnh miền núi như Hoàng Liên Sơn vẫn khó khăn nhiều mặt, hàng hóa khan hiếm, cán bộ công nhân viên và lực lượng vũ trang vẫn phải sản xuất tự túc một phần lương thực, vẫn phải tự mình cứu lấy mình trước khi trời cứu (ý của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). 

Tôi không muốn dùng từ chia tách - chia người - chia của - chia ranh giới... mà phải dùng từ san sẻ cho nhau lúc khó khăn. Cha ông ta vẫn thường bảo để một thì giàu, chia đôi thì nghèo là vậy. 

Cơ quan nọ có duy nhất một chiếc xe ô tô con đít vuông Ru-ma-ni (loại xe ô tô đã cũ người ta thường nói đùa là vừa đi vừa đẩy) cũng nhường cho nhau: Anh đi Lào Cai khó khăn hơn chúng tôi người ở lại, đem đi mà dùng, ọc ạch đấy nhưng mà có còn hơn không. 

Mấy anh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chụm đầu lại bàn về vấn đề cán bộ. Lên đấy cơ sở chưa có gì nên đưa những anh em trẻ, sung sức và có năng lực - thiếu cán bộ ta tìm sau để có thể bắt tay ngay vào công việc...

Chia tách trong hoàn cảnh khó khăn là vậy. Lào Cai trở lại Lào Cai trong đổ nát của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Yên Bái trở về Yên Bái ngày xửa ngày xưa cũng trong hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới và trong muôn vàn cơ cực của cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng. 

Nói chuyện với một chị viết văn ở Hội Văn học nghệ thuật cũng với chủ đề là thời gian. Tôi bảo chị đã có dịp đọc tùy bút nổi tiếng của nhà văn Nga I-li-a n Ê-ren-bua dưới tựa đề "Thời gian ủng hộ chúng ta" ông viết về cái đêm đầu tiên nghe còi báo động ở Mát-xcơ-va mở đầu cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ Tổ quốc. Ông tin rằng, thời gian sẽ ủng hộ chúng ta và quả nhiên nhân dân Liên Xô, Hồng quân Liên Xô vĩ đại đã chiến thắng. 

Và rồi chị hỏi lại 30 năm Yên Bái trở về Yên Bái thời gian có ủng hộ chúng ta không? 30 năm xây dựng và phát triển đối với một địa phương, một miền đất quả thật không phải là dài, nhưng cũng không còn là ngắn. Thời gian ấy cũng đã đủ để chúng ta thể hiện tài năng và trí tuệ, thời gian ấy cũng đủ để mỗi chúng ta đem tinh thần và nghị lực để thực hiện một ước mơ và khát vọng. 



Hệ thống giao thông Yên Bái được kết nối đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Thanh Miền) 

Chúng ta hãy nhìn vào diện mạo của Yên Bái, điện lưới quốc gia thắp sáng đến tận chân cầu thang của từng nhà từ vùng thấp đến vùng cao. Hơn một nửa trong số 160 xã của tỉnh đã trở thành xã nông thôn mới, điều đó cũng có nghĩa là hơn một nửa số xã, số thôn người dân đã được thụ hưởng một cuộc sống có đường, có trường, có trạm y tế, có thiết chế hưởng thụ văn hóa qua ngôi nhà xây dựng khang trang có nơi gọi là nhà văn hóa, có nơi gọi là nơi sinh hoạt cộng đồng - ở đấy dân hội họp - ở đấy dân biểu diễn văn nghệ - dân thi ca, hát xướng. 

Xã nông thôn mới, thôn kiểu mẫu của xã nông thôn mới là ở đó người dân có thu nhập cao, thu nhập khá - ở đó không có hộ nghèo đói hoặc tỷ lệ hộ nghèo còn rất thấp. Hai đơn vị hành chính cấp huyện có huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái được công nhận là hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên trong các tỉnh vùng Tây Bắc được công nhận là huyện nông thôn mới.

Những con số ấy nói lên rất nhiều điều nếu chúng ta biết được Yên Bái là một tỉnh nghèo. Hơn một nửa của 160 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn; hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm các huyện nghèo nhất nước. 

30 năm phấn đấu không mệt mỏi, bằng nguồn lực nội sinh, sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức khác, số hộ nghèo giảm bền vững chiếm tỷ lệ đáng kể, chỉ còn 7,04% (từ 32,21%). Thu nhập bình quân đầu người tăng 5 lần, từ 35 đến 40 triệu đồng một năm. 

Hãy xem mức thu nhập bình quân của người nông dân năm 2020 tăng gấp 2 lần năm 2015, 5 năm mà mức thu nhập tăng gấp 2 lần là điều hiếm có. Trong cuộc hành trình xóa đói, giảm nghèo bền vững "không có ai bị bỏ quên", "không ai bị bỏ lại ở phía sau". Quyết tâm và khẩu hiệu hành động ở một tỉnh miền núi như Yên Bái mang tính văn minh và nhân hậu vô cùng sâu sắc. 

Vâng! Thời gian ủng hộ chúng ta. Thời gian đủ để bộc lộ bản sắc một dân tộc, để bộc lộ một năng lực giàu trí tuệ và trọng trách của lớp lớp cán bộ, đảng viên.

Đến Yên Bái vào thời khắc này, một câu hỏi đang được đặt ra. 30 năm ấy, Yên Bái làm được những gì kể từ ngày Yên Bái trở về Yên Bái. Có đúng là Yên Bái khai thác được tiềm năng và thế mạnh tốt hơn, làm nên một diện mạo mới, tạo được thế mới và lực mới? 

Ta hãy nhìn lên bầu trời trong xanh và khoáng đạt, ta hãy nhìn vào mặt đất nâu bao dung nơi ta đang ở! Một thành phố đẹp bên sông, những thị xã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, những thị trấn và cả làng mạc hiện ra tươi mới. 

Những diện mạo ấy mấy chục năm về trước chưa ai hình dung ra hoặc mới chỉ là thai nghén trong ý tưởng; những khu công nghiệp lớn, nhỏ ra đời. Trước mắt chúng ta là những con đường đẹp đến nao lòng rộng 40 - 50 mét, dài đến hơn 13 km xuyên qua một vùng núi, vùng đồi. Có thể cam đoan rằng, đây là những đường đôi đẹp vào loại nhất nhì của vùng núi. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, kết nối với những con đường đô thị và đường tỉnh, đường khu vực như một dòng chảy vô tận của giao thông.

Yên Bái khôn ngoan và sáng tạo. Mấy mươi năm kiên quyết và mạnh bạo thực hiện ba đột phá chiến lược, ấy là đầu tư xây dựng cho bằng được kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội; ấy là huy động tối đa, khai thác tối đa các nguồn lực, trước hết là nguồn lực nội sinh đến nguồn lực trong nước và quốc tế bằng những sách lược khôn khéo; ấy là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lực có chất lượng cao. Trong ba đột phá chiến lược, Yên Bái chúng ta chú trọng đến đột phá chiến lược đầu tiên là xây dựng kết cấu hạ tầng. 

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên số một là xây dựng giao thông. Không phải nhìn đâu xa, cứ nhìn vào thành phố Yên Bái ta sẽ hiểu ra một điều kỳ thú. Năm 1991 xây dựng cầu sắt Yên Bái, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng - một con sông lớn nhất nước, đoạn chảy qua Yên Bái dài hơn 115 km, tiếp đến là cầu Văn Phú rồi đến cầu Trái Hút, cầu Mậu A, cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, mới đây là cầu Cổ Phúc. 

Có người lần lại lịch sử mà so sánh, 85 năm đô hộ Việt Nam thực dân Pháp mới xây dựng được một cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội mang tên viên Toàn quyền Đông dương sau này gọi là cầu Long Biên. Thế mà trong một thời gian rất ngắn, Yên Bái xây dựng tới 7 cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng. 

Tôi chưa thể đếm hết được những đường đôi hoành tráng hay là đường có dải phân cách ở giữa của thành phố mà người ta vẫn cứ gọi là đại lộ, chỉ biết rằng đại lộ đầu tiên ở thành phố thanh xuân này là đại lộ mang tên nhà chí sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học; đại lộ thứ hai hướng ra cửa ô phía Đông là đại lộ mang tên Nguyễn Tất Thành; đại lộ thứ ba là đường mang tên Âu Cơ hướng ra cửa ô phía Tây Nam hoành tráng nhất của thành phố với chiều rộng khoảng 50 mét dài tới 13 km. 

Những con đường đẹp lại mang những quá khứ đẹp chứa đầy ý nghĩa. Đường hướng ra cửa Đông mang tên Nguyễn Tất Thành là con đường đón hừng đông, đón bình minh ngày mới. Đường Âu Cơ là con đường mẹ sinh ra con cháu rồng tiên mãi mãi trường tồn. 

Là người của thành phố mà đã không ít lần lạc giữa những con đường mới mở, nào đường nối quốc lộ 32 C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối từ nút giao IC12 đến đầu cầu Yên Bái phía Âu Lâu nơi vừa ngày nào còn mang tên dốc Bò Đái, rồi đường từ đầu cầu Tuần Quán nối với đường Âu Cơ... 

Từ chỗ sống chủ yếu trông chờ vào ngân sách Trung ương và trợ giúp lương thực của Nhà nước mỗi khi gặp thiên tai, bão lũ, nay đời sống mọi mặt về vật chất lẫn tinh thần của người dân Yên Bái được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, nhờ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,4%, thu ngân sách từ vài chục tỷ đồng nay vươn lên trên 3.500 tỷ đồng một năm.

Thế và lực cho phép Yên Bái nghĩ đến cái đích cao hơn, đẹp hơn và toàn diện hơn mà Đảng bộ Yên Bái đã xác định là xây dựng Yên Bái thành một tỉnh phát triển hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Đưa chỉ số hạnh phúc vào mục tiêu phát triển của một tỉnh miền núi nhiều xã đặc biệt khó khăn là một hoài bão và khát vọng lớn của con người Yên Bái. 

Vâng! 30 năm, thời gian ủng hộ chúng ta. Thời gian nâng bước ta đi. Thời gian hát lên ngô vàng và nếp trắng.

Bội Đông

Tags 30 năm Ngày tái lập tỉnh Yên Bái Trái Hút Mậu A Tuần Quán khai thác tiềm năng khát vọng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục