Xuân sớm đã về Tà Đằng!

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/1/2022 | 7:36:20 AM

YênBái - Tà Đằng hôm nay, không còn là một vùng quê với ký ức là ngôi trường tạm và những ngôi nhà dân xiêu vẹo; là một trong những nơi chịu nhiều hệ lụy của tập quán, phong tục lạc hậu, trong đó nặng nề nhất là tệ nạn ma túy... Hôm nay, Tà Đằng đã khác lắm rồi.

Cuộc sống mới trên đỉnh Tà Đằng.
Cuộc sống mới trên đỉnh Tà Đằng.

Những ngày cuối năm, khi cúc quỳ trải vàng rực triền đồi này sang triền núi khác trong cái rét cắt da cắt thịt của vùng cao, chúng tôi theo con đường bê tông ngược lên đỉnh núi, vắt qua những khúc cua tay áo để lên Tà Đằng, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Tà Đằng hôm nay, không còn là một vùng quê với ký ức là ngôi trường tạm và những ngôi nhà dân xiêu vẹo; là một trong những nơi chịu nhiều hệ lụy của tập quán, phong tục lạc hậu, trong đó nặng nề nhất là tệ nạn ma túy... Hôm nay, Tà Đằng đã khác lắm rồi. Tà Đằng dần hiện ra với những ngôi nhà lợp tôn đỏ nằm bình yên bên tuyến đường bê tông căng tràn sức trẻ vượt lên đỉnh núi - một kỳ tích của sức mạnh đoàn kết, kết tinh của "Ý Đảng, lòng dân”. 

Ông Sùng A Khay - Bí thư Chi bộ thôn Tà Đằng cho biết, rằng những "số phận hẩm hiu” nay đã yên bề gia thất; những người lầm lỗi thi hành án xong (như ông Giàng A Tu) đã trở về cộng đồng, trở thành những công dân tốt, tham gia tuyên truyền vận động con cháu không trồng, không buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy. Những đứa trẻ một thời thiếu cả cha lẫn mẹ vì ma túy như: Giàng A Cớ, Giàng A Vềnh, Giàng Thị Say, Giàng Thị Là… được sự yêu thương chia sẻ của người thân và cộng đồng nay đã trưởng thành. 

Trong đó, A Cớ đã trở thành chàng trai 20 tuổi vạm vỡ đúng chất "trai rừng", bằng sức lao động của mình đã biết kiếm tiền chính đáng để nuôi bố ốm đau và đứa em đang đi học trung học cơ sở. Tiếp đó, là các cháu: Là, Say, Vềnh - từ những cô, cậu lấm lem tro bếp, mếu máo vì nhớ mẹ nay đã là những thiếu niên chăm ngoan đang hàng ngày miệt mài "rèn chữ, luyện người” dưới mái trường bán trú. 

Tà Đằng hôm nay đổi mới, chính là nhờ công sức của những đảng viên gương mẫu như ông Sùng A Tồng. Trải qua thời niên thiếu cơ cực, chứng kiến những hệ lụy đau lòng của ma túy với quê hương, ông đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động con cháu trồng những loại cây có hiệu quả kinh tế như: nếp cẩm, gạo tẻ đỏ, nuôi gà đen… 

Đến nay, gia đình ông đã trở thành gia đình đảng viên tiêu biểu. Hai bố con cùng tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Tà Đằng, cũng là triệu phú của thôn với một phần gia sản là 7 con trâu, bò và đàn gia cầm không đếm xuể. 

Ông Sùng A Tồng chia sẻ: "Tà Đằng xưa nghèo cả về vật chất và tinh thần, người dân chỉ mong có miếng ăn cho qua bữa, làm sao nghĩ đến làm giàu, thay đổi cuộc sống. Nay, đất nước đổi mới, tôi đã cho con cháu đi học đầy đủ, có kiến thức rồi thì chúng tự biết đúng - sai, biết làm chủ cuộc sống của mình”. 

Nghĩ là làm, không chỉ vận động con cháu làm kinh tế và đi học đầy đủ, ông Sùng A Tồng còn vận động dân bản thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tích cực tham gia Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 

Đồng thời, cùng cấp ủy Chi bộ vận động người dân trong thôn đăng ký thực hiện không trồng cây thuốc phiện, không buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, thực hiện an toàn giao thông khu dân cư…

Đặc biệt hơn, có những ngày mà thông tin chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền còn theo ông Tồng lên nương để những hộ dân vì mùa vụ mà không kịp về họp thôn còn biết để ký cam kết thực hiện. Theo đó, 100% số các hộ gia đình trong thôn đã ký thực hiện các phong trào thi đua do các cấp phát động. Năm 2021, thôn Tà Đằng đã có 20/53 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 12/53 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 3 năm liền. 

"Phải làm cho người dân hiểu là mọi chính sách của Đảng, Nhà nước mục đích cuối cùng vẫn là để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thì công tác tuyên truyền vận động mới đạt kết quả cao” - ông Sùng A Tồng chia sẻ thêm. 

Tà Đằng hôm nay đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Xà Hồ. Chỉ với 13 ha lúa vụ đông xuân, 23 ha vụ ngô xuân, 9,5 ha lúa vụ mùa và 11 ha ngô vụ hè thu, nhờ biết đổi mới cách làm ăn, mỗi năm tổng sản lượng lương thực có hạt của Tà Đằng đạt trên 204 tấn. 

Lương thực ổn định, xã chú trọng đến các mặt công tác khác: ra mắt 1 mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự; nếp sống văn hóa mới được thực hiện (người chết được đưa vào quan tài và chôn trước 48 tiếng; giảm tình trạng tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống; 90% hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại nuôi nhốt gia súc; 100% hộ gia đình được dùng nước hợp vệ sinh)... 

Bí thư Chi bộ Tà Đằng - đồng chí Sùng A Khay phấn khởi: "Người dân Tà Đằng hôm nay đã định canh, định cư, phát triển kinh tế. Vừa rồi, Tà Đằng là thôn tiên phong hoàn thành đường giao thông nông thôn của xã. Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân đóng góp công sức, giờ đường về bản đẹp lắm!”. Còn đồng chí Hờ A Vư - Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ khen ngợi: "Đảng viên ở Tà Đằng gương mẫu, người dân đoàn kết cần cù, luôn là điểm sáng trong các phong trào thi đua của địa phương”.

Cúc quỳ nở vàng rực. Ngày mới ở Tà Đằng rồi sẽ tiếp nối những ngày mới phấn khởi hơn. Ngày nay, hoặc mai thôi, Tà Đằng không chỉ có ánh vàng của cúc quỳ mà ánh sáng của điện lưới quốc gia sẽ thắp sáng rực lên những ngôi nhà còn lại trong bản. Xuân sớm đã về với Tà Đằng!

Trần Ngọc

Tags Trạm Tấu tập quán phong tục đoàn kết "Ý Đảng lòng dân” giao thông nông thôn xuân sớm Tà Đằng

Các tin khác
Giờ học của thầy và trò lớp 2A2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Hồ Bốn.

Cuộc sống nhiều lúc cho đi không nhất thiết phải nhận lại những thứ có giá trị tương đương mà để nhận lại thứ còn quý giá hơn vật chất thông thường, đó là nụ cười, là niềm hạnh phúc, niềm tin… Quan điểm ấy được biết bao nhiêu thế hệ thầy cô giáo thực hiện tại các trường học vùng cao của Yên Bái, để mỗi ngôi trường ấy trở thành nơi yêu thương đong đầy và hạnh phúc nở hoa.

Nhà máy sắn Văn Yên đang đứng trước nghịch cảnh thiếu nguyên liệu chế biến (ảnh to) nhưng sản phẩm ùn ứ nghiêm trọng chưa tiêu thụ được (ảnh nhỏ).

Nhà máy Sắn Văn Yên thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái mỗi năm tiêu thụ trên 100.000 tấn sắn tươi. Trong đó, khoảng 60.000 tấn nằm trong 8 xã quy hoạch vùng nguyên liệu của huyện Văn Yên. Tuy nhiên, đến 30/12/2021, Nhà máy mới mua được 58.000 tấn, trong đó có 19.000 tấn mua nội tỉnh và riêng huyện Văn Yên khoảng 12.000 tấn. Đặc biệt, cùng thời điểm này hàng năm, lượng sắn của Văn Yên đều thu hoạch đạt khoảng 50% sản lượng.

Vụ mới trên bản Lùng Cúng.

Như đã hẹn, đầu tháng 12, chúng tôi lên bản Lùng Cúng - một trong số 11 bản khó khăn và xa nhất của xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - nơi được nhiều du khách miền xuôi lên ví là Sa Pa thứ 2 của Việt Nam, bởi khí hậu quanh năm mát mẻ.

Để có sản phẩm ngon, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng thôn Ngòi Đong thường xuyên thay phiên nhau kiểm tra tránh để “già nắng” miến sẽ bị giòn, khó cắt.

Những ngày cuối năm, thời tiết như chiều lòng dân làm miến đao. Đêm lạnh, ngày nắng hanh, không mưa là điều kiện thuận lợi để hơn 50 hộ dân ở làng nghề miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái) tập trung nhân lực, vật lực sản xuất miến phục vụ tiêu dùng trong dịp cuối năm khi Tết Nguyên đán đang đến gần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục