Đừng trở thành nạn nhân của “việc nhẹ, lương cao”!

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2022 | 7:41:33 AM

YênBái - Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện 154 vụ/173 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Campuchia, Myanma.

Cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh hướng dẫn anh Lưu Đình Chiến (người vừa được giải cứu từ Campuchia) hoàn thành thủ tục nhập cảnh.
Cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh hướng dẫn anh Lưu Đình Chiến (người vừa được giải cứu từ Campuchia) hoàn thành thủ tục nhập cảnh.

Nhận điện từ Đồn Công an Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh; hướng dẫn công dân vừa được giải cứu di chuyển về địa phương bằng xe khách, Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng phòng Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh chia sẻ với phóng viên: "Chúng tôi vừa phối hợp với các đơn vị bạn giải cứu thành công một nam công dân trú tại xã Lang Thíp, huyện Văn Yên bị lừa sang Campuchia làm việc, vì nhẹ dạ, tin và nghe theo lời kẻ xấu nên ra tới nước ngoài, bị đánh đập, bị cưỡng bức lao động. Để giải cứu thành công người Việt ở nước ngoài thật không dễ, chúng tôi mong muốn thông qua các phương tiện truyền thông, đồng bào đừng xuất cảnh trái phép, cảnh giác trước mọi lời đường mật của những kẻ buôn người!”.  

Trước tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép, Bộ Công an đã liên tục phát đi cảnh báo, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép. Chúng còn lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó, bán cho những người bệnh với giá cao. 

Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam và nhu cầu lao động ở nước ngoài, các đối tượng mua bán người đã tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Một số địa phương xuất hiện các đường dây môi giới, lập tài khoản trên mạng với tên giả; dùng tiền làm "mồi nhử”, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó, bán để cưỡng bức lao động. 

Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sử dụng hình ảnh, tên, địa chỉ giả để kết bạn làm quen với những phụ nữ, trẻ em gái, tán tỉnh, yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, sau đó hứa hẹn rồi dẫn họ tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi chúng ép bán làm vợ hoặc bán vào các ổ mại dâm, các sòng bài tại Campuchia, Myanmar. Ngoài ra, các đối tượng lập các trang mạng trên Facebook, Zalo để tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó, dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán.

Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người dân tộc), đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.

Tuy đã được cảnh báo nhưng không ít người dân vẫn nhẹ dạ, cả tin, nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, không ít trong số họ bị ngược đãi, bị đánh đập, muốn trở về thì người thân phải nộp một số tiền rất lớn so với điều kiện kinh tế của gia đình. 

Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện 154 vụ/173 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Campuchia, Myanma. Tuy số vụ, số người xuất cảnh trái phép có giảm so với trước (năm 2018, phát hiện 162 vụ/233 người; năm 2019, phát hiện 138 vụ/185 người) nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội; đặc biệt, từ khi Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero Covid" (nói không với Covid), đã xây dựng hàng rào thép gai dọc tuyến biên giới, tổ chức tuần tra, kiểm soát rất gắt gao, số vụ, số người xuất cảnh trái phép như vậy vẫn là vấn đề gây nhức nhối xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an ninh.

Ngày 12/9/2022, anh Lưu Đình Hiếu, sinh năm 1989, thường trú tại thôn Nghĩa Giang, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên đến Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh trình báo vụ việc em trai ruột của mình là Lưu Đình Chiến, sinh năm 2005 bị lừa bán sang Campuchia lao động từ ngày 6/9/2022. Từ Campuchia, Chiến gọi điện về cho biết, tại nơi làm việc, Chiến bị đánh đập, yêu cầu nộp tiền chuộc mới thả về Việt Nam. 

Thời điểm gọi điện về cầu cứu, Chiến đang trốn tại một gia đình người Campuchia gần với công ty, có nguy cơ bị truy lùng, bị bắt lại và bị đánh đập rất cao, gia đình người cho ở nhờ cũng rất sợ bị liên lụy, chỉ cho ở đến hết ngày 12/9. Tiếp nhận đơn đề nghị giúp đỡ và trình báo từ người nhà nạn nhân, Phòng An ninh đối ngoại đã hướng dẫn công dân nộp đơn đến UBND tỉnh đề nghị giải cứu theo công tác bảo hộ lãnh sự công dân. 

Mặt khác, đứng trước tình thế nạn nhân có thể gặp nguy hiểm (bị bắt lại, mất liên lạc…), sau khi có được định vị cụ thể nơi nạn nhân đang trốn tại 35H9, Bavet, Campuchia, cách cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh khoảng 20 km, Phòng An ninh đối ngoại đã nhanh chóng liên hệ với Đồn công an Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh thông báo nội dung vụ việc và đề nghị hỗ trợ, giải cứu. 

Được sự giúp đỡ của đơn vị bạn, đến 3 giờ ngày 13/9/2022, lực lượng Công an Campuchia đã giải cứu thành công Lưu Đình Chiến. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Chiến đã được phía Campuchia bàn giao cho Công an Việt Nam làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định. Đến 13 giờ 30 phút, ngày 13/9/2022, Lưu Đình Chiến đã được Công an cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh mua vé xe khách và hướng dẫn trở về địa phương. Cuộc giải cứu diễn ra nhanh chóng và thành công, mang lại niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến đối với bản thân anh Lưu Đình Chiến và những người thân. Đó cũng là kết quả của tinh thần trách nhiệm "vì dân phục vụ” cũng như sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của lực lượng an ninh Công an tỉnh Yên Bái và cán bộ, chiến sĩ Đồn công an Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. 


Cán bộ Bộ phận quản lý xuất nhập cảnh, Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh hướng dẫn công dân cấp, đổi hộ chiếu. 

Đại tá Đinh Xuân Thiệp - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Nhằm chủ động công tác nắm tình hình, phát hiện, giải quyết các vụ việc và đảm bảo quyền lợi cho công dân địa phương ở nước ngoài, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thị, thành phố chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tốt công tác tuyên truyền trên mọi phương tiện, đặc biệt là thông qua các buổi họp dân để cảnh báo cho nhân dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm "hứa hẹn việc nhẹ, lương cao” để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động; tổ chức xuất nhập cảnh trái phép; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, cương quyết xử lý các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp tại nước ngoài”.

Tinh thần, trách nhiệm của lực lượng công an là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên tình trạng xuất cảnh trái phép vẫn có nguy cơ cao do sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác và thiếu hiểu biết của người dân, bên cạnh đó vẫn có một số đối tượng thanh niên sống buông thả, dễ sa ngã, vô tình vướng vào các đường dây mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép. Hàng trăm trường hợp còn mắc kẹt ở nước ngoài đang bị cưỡng bức lao động, cơ quan chức năng và người thân không có thông tin để giải cứu, hàng trăm trường hợp khác, gia đình, người thân mất rất nhiều tiền chuộc mới trở về được với gia đình và không ít trường hợp phải bỏ mạng nơi xứ người là những bài học cảnh tỉnh cho bất kỳ ai nghe và tin theo những lời mật ngọt "việc nhẹ, lương cao”.

 "Công an tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và chính quyền cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền đề người dân đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm bắt tình hình nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng mua bán người và tổ chức xuất cảnh trái phép” - Thượng tá Hoàng Kim Thanh - Phó Trưởng phòng Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh đã nói với chúng tôi như vậy.
Lê Phiên

Tags xuất cảnh trái phép lừa đảo bị lừa Phòng An ninh đối ngoại nhẹ dạ cả tin mất cảnh giác

Các tin khác
Đại tá Đặng Xuân Quỳnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh (thứ ba, bên trái) trao đổi nghiệp vụ với cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.

"Yên Bái thật sự bình yên, đó là kết quả của những nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong cả một quá trình, trong đó có cái "uy” của anh em hình sự!”, Đại tá Đặng Xuân Quỳnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh tâm sự.

Lãnh đạo Đảng bộ xã Yên Hợp và Chi bộ thôn Yên Thành chia sẻ kinh nghiệm vận động quần chúng với đảng viên trẻ Nguyễn Thị Diệu Phương.

Trong tổng số 221 đảng viên của Đảng bộ xã Yên Hợp có tới 95 đồng chí là người có đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ xã thì chiếm 7/15 đồng chí... Đó chính là việc đặc biệt coi trọng công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào Công giáo của Đảng bộ huyện Văn Yên những năm qua.

Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đỗ Quang Minh (bên phải) thăm dây chuyền sản xuất chè của Hợp tác xã Kiến Thuận - mô hình Hợp tác xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

Ban đầu, chẳng riêng Giám đốc Đỗ Văn Lừng mà các thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (viết tắt là HTX Kiến Thuận), xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn và người lao động nhà máy đều không đồng tình với những ý tưởng “trên trời” của Đỗ Tuấn Lương khi cậu thuyết phục mọi người thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh bằng công nghệ 4.0. Một số còn bảo: “Đúng là trẻ con, có mà kinh nghiệm chơi chứ làm ăn gì…”.

Giám đốc Đỗ Văn Lừng (bên trái) giới thiệu về Nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu của HTX.

Nhờ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công nghệ, đến nay, với tấm thẻ thông hành mang đầy đủ tiêu chuẩn của: Rainforest Alliance; ISO 22000: 2018; FDA; HACCP…, sản phẩm chè của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (viết tắt là HTX Kiến Thuận), xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã có mặt và chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Ả rập Xê út, Uzbekistan, Unilever, Nga, Ukraine, Indonesia, Belarus, Pakistan…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục