Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy - Bài 1: “Đột nhập” cơ sở cai nghiện không phép

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/6/2023 | 11:13:30 AM

YênBái - Khi đạt đến tận cùng nỗi đau, trong sâu thẳm lòng mình, người nghiện muốn thoát khỏi sự cám dỗ bởi ma túy - thứ mà đã khiến người ta thân tàn ma dại, từ bỏ mọi thứ trên đời chỉ để thỏa mãn cơn nghiện. Rồi thông tin về một người phụ nữ tên Trần Thị Bích ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ có thể giúp họ thoát khỏi bể khổ chỉ với… “một liệu trình” đã thúc đẩy họ tìm đủ mọi cách để có tiền rồi tìm đến bà Bích với kỳ vọng mình hết nghiện. Bà Bích là ai, có đủ khả năng và thực sự cai nghiện ma túy được không?

Bà Trần Thị Bích đang giới thiệu về liệu trình cai nghiện.
Bà Trần Thị Bích đang giới thiệu về liệu trình cai nghiện.

Từ nhiều nguồn thông tin, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người nghiện và người thân của họ ở thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Văn Yên để tìm hiểu. Anh Hữu Toản - một người nghiện nhiều năm ở Văn Yên cho biết: "Tôi cũng đang định vào đó để cai nghiện đây. Nhiều người nói bà Bích cai được”.

Anh Minh Tuấn cũng đã mắc nghiện gần 30 năm. Mấy chục năm đó, anh đi cai cả tự nguyện lẫn bắt buộc tại nhiều cơ sở cai nghiện của nhà nước nhưng không thành công. Anh đã lựa chọn mỗi sớm đi đến cơ sở y tế để uống Methadone - thứ thuốc giúp anh không còn lệ thuộc vào hêrôin, nhưng khổ nỗi, nhà anh cách xa cơ sở cung cấp thuốc gần 40 km, người nghiện lại mắc HIV như anh phải nỗ lực, phải nhận được sự hỗ trợ của nhiều người thì mới đủ xăng, đủ tiền duy trì việc uống thuốc. Khi nghe thấy có "bà lang cao tay” như thế, anh đã tìm đến với mong muốn hết nghiện.

Viễn cảnh để duy trì được cuộc sống tạm gọi là bình thường mà không phải vật lộn với cơn thèm khát ma túy đã ngay gần trước mặt. Anh đã bán lợn gà và cả mấy bao thóc mới gặt của mẹ già để đủ tiền  bắt xe vào Nghĩa Lộ gặp bà Bích. 

Một cán bộ địa phương đề nghị không nêu tên nói với chúng tôi: "Anh giúp tôi và mọi người hiểu rõ vụ việc. Con tôi mắc nghiện đã quá khổ rồi. Nếu đúng như lời đồn thì tôi sẽ đưa cháu đi. Tôi sẽ mang ơn bà ấy nếu con tôi chấm dứt hoàn toàn với ma tuý”. Những lời khẩn khoản từ người nghiện cũng như người thân của họ đã thúc giục chúng tôi lên đường.

Thị xã Nghĩa Lộ mỗi ngày mỗi khác, phát triển là điều dễ nhận thấy. Giống như nhiều địa phương khác, mặt trái của sự phát triển kinh tế là tệ nạn xã hội, trong đó ma túy là tiêu biểu nhất. Ma túy với bao hệ luỵ, đang trực tiếp hủy hoại giống nòi với bao câu chuyện tang thương từ ma túy. Các nhà tội phạm học đã kết luận: "Tội phạm ma túy là tội phạm của nhiều loại hình tội phạm”. 

Xuôi dốc Thái Lão, cánh đồng Mường Lò đã vàng rực khi lúa xuân chín rộ, nhiều thửa cấy xuân sớm đã gặt xong, đổ ải chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Một khoảng trời Tây Bắc đẹp trong nắng và gió. Nghĩa Lộ - nhịp sống đô thị đã hình thành, giàu có và đô hội. 

Trong vai một người cha có con trai mắc nghiện có nhu cầu cai nghiện, tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Bích trong một con ngõ, thuộc tổ 2, phường Trung Tâm. Người phụ nữ tên Bích đón tôi khá cởi mở, phong cách giản dị và khá hoạt ngôn. Khi nghe tôi giới thiệu muốn tìm hiểu việc cai nghiện của bà để đưa con trai đến cai, bà càng xởi lởi hơn. 

"Nghỉ rồi, nghỉ rồi, bị cấm không cho làm nữa! Rõ khổ, làm việc tốt, để cứu người, cứu bao nhà chứ có gì đâu mà cấm đoán, cản trở” - bà Bích nói rồi đưa tôi vào gian trong. Căn phòng chưa đầy 20 m2 khá oi bức, chiếc quạt hơi nước chạy vù vù cũng không xua đi được cái nóng đầu tháng 6. Ban thờ Chúa khá uy nghiêm. Sát tường là chiếc tủ gỗ khá to, trên cánh có đề tên và số tài khoản ngân hàng. Đây là số tài khoản mà thân nhân của những người mắc nghiện đã chuyển tiền "lệ phí cai nghiện”.
 
- Anh muốn tìm hiểu về cai nghiện, để tôi nói - bà Bích bắt đầu giới thiệu về con đường giúp bà có được nguồn thuốc quý, tính hiệu quả và cả cách thức chi dùng số tiền được bà gọi là "để ra được” khi hành nghề này. 

"Gia đình tôi khốn khổ về ma túy rồi, chồng và hai thằng con trai đều nghiện. Nhà có người nghiện thì anh biết như thế nào rồi đấy, có đồng nào là sạch bách, tiền nong cứ hở ra là mất luôn. Cai ngược, cai xuôi, bắt bớ đủ kiểu mà vẫn nghiện. Thế mà, tôi cũng đã chữa được khỏi hết đấy. Tôi cũng đã cai cho rất nhiều người từ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội. Đội trưởng Đội Ma túy Công an Sìn Hồ, Lai Châu và nhiều công an ma túy (cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - PV), công an xã mắc nghiện mà Giám đốc công tỉnh tuyên bố, không cai được thì ra khỏi ngành! Rồi họ tìm đến tôi, hết nghiện luôn. Đợt trước, có anh bác sĩ trưởng khoa mổ Bệnh viện Lai Châu về đây. Tôi cũng cai cho… nói chung là nhiều lắm” - Bà Bích nói!. 

Tôi tỏ vẻ tán dương rồi hỏi thêm: 

- Vậy bà lấy thuốc ở đâu, thuốc Tây hay thuốc Nam, việc cai diễn ra như thế nào? 

Bà Bích tiếp lời: 

- Mường Lò này có một cậu nhà giàu lắm! Tiền có nhiều tỷ, trang trại quế hàng trăm héc-ta, rồi cũng hết sạch. Nghiện mà! Rồi cậu ta không biết bằng cách nào đã vào Nha Trang mua được loại thuốc, uống vào là hết vật luôn. Nó thương tôi, nó mách tôi, nhờ thế tôi cai được cho mấy bố con, rồi tôi giúp đỡ mọi người” . 

- Vậy chồng và các con chị giờ đã khỏe mạnh và hết nghiện rồi chứ? - tôi hỏi thêm.

- Khỏi, khỏi hết. Riêng chồng tôi thì chết rồi, nghiện lâu năm quá, lại chơi bời nên dính bệnh - bà Bích trả lời. 

- Thuốc cai có 3 loại: cắt cơn, chống ù và thuốc tái, cứ uống vào là khỏi, người nghiện không vật vã nữa. Đây là loại thuốc mà 12 nhà khoa học nổi tiếng thế giới nghĩ ra. Một liệu trình 15 ngày, tôi thu 6 triệu đồng cả tiền thuốc và tiền ăn. Chi phí cũng vừa hết, mỗi người chỉ để ra khoảng triệu đồng, tôi dùng tiền đó đi hỗ trợ dân vùng cao. Chúng nó nghèo khổ lắm! - bà Bích mô tả.


Căn phòng nghỉ cho người đến cai nghiện tại nhà bà Bích. 

Ngó sang bên hông nhà, thấy những buồng, phòng được thiết kế rào sắt làm vách ngăn. Những cánh cửa cũng bằng sắt cực kỳ chắc chắn… Bà Bích đứng lên giới thiệu, phòng nghỉ cho người đến cai đây, có lần phòng nhỏ này mà hơn 30 người đến ở đấy. 

- Tôi cai được hơn 7 năm rồi. Rất nhiều người mà chưa xảy ra cái gì đâu nhé! 

- Việc của bà tốt thế mà sao vẫn bị cấm - tôi hỏi lại bà Bích. 

Rất nhanh chóng, bà trả lời: 

- Họ cấm là đúng mà. Tôi làm gì có phép. Tới đây, tôi sẽ xin, mà cái giấy phép này lằng nhằng lắm, xin cả năm không xong đâu. Tôi vẫn sẽ tiếp tục xin, cháu tôi là dược sĩ, anh tôi là Giám đốc Bệnh viện Nghĩa Lộ mới về hưu, như thế là đủ điều kiện, còn mỗi cái gì đó ở ngành lao động - thương binh và xã hội nữa là xong. Giờ chưa có phép, Công an cứ kiểm tra suốt, tôi không nhận cai cho con anh nữa đâu, để khi có phép nhé! 

Tôi xin phép ra về trước khi camera giấu kín đã ghi lại một số hình ảnh trong cái gọi là "Cơ sở cai nghiện tự phát này”.

Lê Xuân Trường
(Bài 2: Ý kiến của những người trong cuộc)

Tags Ma tuy cơ sở cai nghiện Methadone Nghĩa Lộ Mường Lò

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục