Gặp người "có mắt ở... chân"
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/6/2007 | 12:00:00 AM
Trong chuyến công tác tại huyện Tiên Yên-huyện miền núi nghèo Quảng Ninh, tôi được Lý Văn Quan người làm nghề xe ôm mặc cả; nếu thuê xe, anh ta sẽ đưa tới gặp một kỳ nhân mà nghe nói có đôi mắt mọc ở chân…
Vợ chồng ông Sày đang làm cỏ nương.
|
Không để tôi hỏi thêm, Quan cười bí hiểm rồi quả quyết, cứ đi, nói sai sẽ không lấy tiền xe ôm.
Đúng hẹn, sáng sớm Quan đến đưa tôi tới thôn Cao Lâm, xã Phong Dụ (Tiên Yên) cách trung tâm huyện Tiên Yên khoảng 15 km, thuộc xã nghèo nhất huyện nghèo.
Quan tiết lộ, tại đấy có một cặp vợ chồng người Dao bị mù từ nhỏ nhưng có thể làm được rất nhiều công việc giống như người sáng mắt. Ở cái vùng đất nghèo, lạc hậu và toàn người dân tộc này thì chuyện có 2 người mù đi khắp núi rừng, lao động, sinh hoạt như người bình thường và giàu có hơn khối những người sáng mắt… không lẽ không đáng để kể?
Vừa lái xe, Quan vừa cho biết ông bà này không dễ tìm và nếu như không biết tiếng dân tộc thì có gặp cũng khó mà hỏi chuyện. Quan vỗ ngực, tớ nói được 7 ngôn ngữ của 7 dân tộc khác nhau, và sở dĩ Quan muốn đưa tôi tới không phải vì một cuốc xe ôm đường dài hiếm hoi mà bởi từ lâu đã nghe chuyện về cặp vợ chồng này.
Mặc dù cũng là người dân tộc Dao, sống gần thôn Cao Lâm nhưng bận đi làm ăn xa nên chưa có dịp diện kiến. Nhân dịp này đi mục sở thị luôn và sẵn sàng làm phiên dịch miễn phí cho tôi...
Đôi bàn chân…có mắt
Trong mịt mù rừng núi, trong cái yên ắng đến rợn người, tôi thấy hai con người đang làm cỏ cho một nương quế mới trồng…
Hàng quế mọc thẳng đều tăm tắp cứ 50 cm một cây đúng kỹ thuật. Cậu bé dẫn đường cho biết tự tay ông bà mù trồng.
Tôi như bị thôi miên bởi chiếc móc sắt tựa chiếc dao quắm trên tay hai người mù lia nhanh, một tay lia móc một tay nhặt cỏ. Chỉ một lát cả một khoảng cỏ rậm biến mất lộ ra lớp đất nâu mới.
Nhưng kỳ lạ là tuyệt nhiên không một cây quế, cây rau, cây dưa nào bị nhổ nhầm dù chỉ mới nhu nhú mọc… Trước mặt tôi ông bà kỳ nhân gầy, đen, khó đoán tuổi. Chúng tôi không ai bảo ai lặng nhìn 2 người mù làm nương. Biết có người, ông Sày ngẩng đầu lắng tai nghe.
Không biết cậu bé dẫn đường và Quan nói gì với ông, chỉ thấy ông bà ngửng đầu cười… Cậu bé dẫn đường cho biết, ngày nào ông bà mù cũng vượt đường rừng lên nương trồng cây, nhổ cỏ dại…
Tôi hỏi làm thế nào ông bà lên được tới đây bởi trên rừng rất nhiều con đường dẫn đi các hướng khác nhau. Ông Sày cười: “Được chứ, đi đâu chẳng được”.
Ông Sày nói được tiếng Kinh nhưng bập bõm, bà cụ nghe được tiếng Kinh nhưng không nói được… cậu bé dẫn đường cho biết.
Vừa nói chuyện với chúng tôi trong khi ông bà vẫn làm cỏ. Rất nhiều thắc mắc như mù thì làm nương thế nào, làm thế nào có vợ, có con; Mù có buồn không, có đủ ăn…
Mù thì làm sao biết đường đi rẫy, làm cỏ, trồng cây... được giải đáp ngắn gọn: “Sờ sờ rồi thấy a”. Có cảm tưởng đôi bàn tay ông bà Gì Sày mọc thêm mắt…
Cậu bé người Dao dẫn đường bảo, ông bà mù tự làm mọi thứ, tuy mù nhưng là một trong những hộ khá nhất thôn… Quá trưa, cơn mưa bất chợt buộc ông bà phải quay về căn nhà lá trong rừng.
Ông bà Sày có nhiều nương rẫy và đều được quây rào cẩn thận phòng mất cắp và đánh dấu riêng. Chúng tôi đi theo ông bà về lán nhưng chỉ để ý bước đi của đôi vợ chồng mù. Hàng rào chắn ngang chúng tôi nhưng ông bà mù đã đi qua hàng rào tự lúc nào.
Do sợ dẫm vào cây quế non, chúng tôi không được biết ông bà mù đi ra bằng lối nào vì hàng rào trước mặt khá cao tôi không tin ông bà mù nhảy qua được. Hóa ra ông bà mù chui qua một lỗ nhỏ của hàng rào được cố ý làm rộng hơn những khe rào khác.
Thoăn thoắt bước lên bậc nhà lá mà không chệch một nửa bàn chân trong khi chúng tôi bước cả ra ngoài cỏ. Rất nhanh nhẹn, ông Sày dọn giường cho khách ngồi.
Căn nhà lá khá tươm tất được lợp tranh, vách được đan bằng tre tất cả đều do ông bà mù làm. Thậm chí việc trèo lên mái nhà lợp mái cũng 100% do 2 ông bà tự thi công. Trong căn nhà lá giữa rừng một câu chuyện cổ tích bắt đầu...
Giàu 2 con mắt, có từ đôi bàn tay…
Cả ông bà Sày đều mù từ nhỏ. Ông Sày kể khi còn nhỏ ông bị mắc bệnh phong đậu rồi ăn thịt gà nên mắt mù. Cuộc đời tăm tối từ đấy nhưng những người lớn lên cùng ông cho hay, ông vẫn rất linh hoạt… Đời rất công bằng, lấy của vợ chồng ông đôi mắt nhưng lại cho ông một nghị lực kỳ lạ…
Ông Diềng Gì Sày năm nay 58 tuổi, bà Sày lớn hơn ông 5 tuổi. Ông Sày được bố mẹ hỏi vợ khi đã ở tuổi 32. Ở đất này thanh niên khỏe mạnh cũng khó lấy vợ bởi thủ tục cực kỳ khắt khe, tốn kém.
Một người mù thì thường không thể có vợ. “May mắn” cho Gì Sày là bản bên cũng có một cô gái mù… Cơ duyên khiến 2 ông bà thành vợ chồng. Tuy nhiên, một người mù, sống lay lắt bữa đói bữa no giữa núi rừng lấy vợ cũng mù khiến cho người ta như mù thêm lần nữa…
Mù từ nhỏ nhưng không bao giờ Sày chịu ngồi yên, tự làm mọi việc, chăn trâu, cắt cỏ, đào củ… Tôi hỏi, đi chăn trâu, nhỡ trâu đi lạc thì làm thế nào? Trâu đeo mõ, nghe tiếng mõ kêu là biết trâu nhà mình.
Những năm niên thiếu cuộc sống khó khăn, cháo không đủ ăn phải đi đào củ mài. Không rõ nghị lực nào khiến một người mù sống rồi vượt qua được ở nơi xó rừng này.
Nhưng, chỉ riêng chuyện ông thông thuộc những con đường trong thôn, trong rừng rồi cả đường ra xã, ra huyện khiến nhiều người vô cùng thán phục.
Ông Sày bảo, bị mù không thấy đường, ngày bé không biết buồn nhưng lớn ông buồn nhiều vì không giúp bố mẹ làm ra cái ăn. Phải đi được thì mới kiếm được cái ăn… đi mãi thì quen.
Cưới được vợ ông nghĩ sao? Chẳng nghĩ gì cả - Vui không? - Vui chứ, có vợ sao không vui… Ông bà nói gì với nhau khi thành vợ chồng? Tôi nhờ anh xe ôm phiên dịch bằng tiếng Dao vì ông Sày không hiểu… Có chứ, lấy nhau, thương nhau để làm ăn…
Thế thôi, nhưng ông bà Sày cũng có tới 4 mặt con, 2 trai, 2 gái. Mù nuôi con thế nào? - Bố mẹ giúp (khi ấy bố mẹ Gì Sày vẫn còn sống)… Hiện, 3 người con lần lượt được ông bà dựng vợ gả chồng và ra ở riêng, chỉ còn cô con út ở nhà chăn trâu, giúp việc vặt cho bố mẹ già đi nương…
Mù, sinh nhiều con nên cái đói càng hoành hành dữ dội. Tôi nhớ lúc nghỉ tại một nhà hàng xóm của Sày, bà chủ nhà kể rằng, nhìn chúng nó chăm con mà thương. Sờ sờ đút cho con miếng cháo. 3 miếng đổ 2.
May đứa con cả là gái. Chị lớn dần trong sự bao bọc của ông bà nội. Khi ông bà nội mất thì cô con gái của Sày đã đủ khôn lớn để đỡ đần bố mẹ, chăm em… Tuy thế, cái nghèo, đói bám riết cái tổ ấm mù. Không đủ rau, cháo nuôi con, ông Sày đã lê lết khắp thôn để xin cái ăn cho con…
Tôi đùa, có bao giờ ông bà buồn không? “Có, nhưng làm ăn không có thì giờ để buồn”. Ông Sày kể, những ngày mới ra nương chồng sờ, vợ lần đưa được nhau ra nương trời đã chiều. Những bước chân dẫm lên nhau, những nhát cuốc bổ vào chân nhau diễn ra như cơm bữa…
Những trận ốm triền miên của những con người vốn đã không lành lặn càng làm cho cuộc sống thêm tăm tối. Người trong bản kể, không dưới 10 lần bà mù ốm, ông mù ốm phải nằm viện. Các con, làng xóm, cán bộ đưa đi bệnh viện chữa trị. Vợ ốm, chồng chăm...
Ông kể, để tìm đường thoát cảnh đói nhiều đêm không ngủ. Các con dù đã “to” nhưng ruộng ít lại lo lấy vợ cho chúng khá tốn kém. Các con có vợ thì lại càng nghèo hơn vì chúng phải sinh con, nuôi con… Phải làm cái gì đấy nhưng không vốn, không sáng mắt…
Rất may, năm 1999, Nhà nước cho vay tiền. Có tiền tôi mua trâu, mua giống rồi cùng các con lao vào làm rẫy, nuôi trâu… Cũng từ đấy, người trong thôn quanh năm chỉ thấy ông bà làm việc. Đặt tổ ong, chăn trâu, trồng sắn, trồng ngô, cấy lúa tự tay ông bà làm cỏ, làm đất.
Đến nay nhà Sày là một trong những hộ nhiều trâu nhất thôn với 3 trâu đẻ. Thi thoảng bán 1 nghé, ông bà mù có đồng ra đồng vào, giúp vốn cho các con làm ăn… và có tiền trả đủ ngân hàng.
Đoạn kết có hậu
Nghị lực phi thường cùng những khả năng kỳ lạ của vợ chồng mù khiến cả làng đều thán phục. Chăm chỉ như một bản năng, làm việc như một thói quen thiên định.
Thật khó tin khi nhìn thấy cơ ngơi của ông bà Sày. Hơn 5 ha rừng quế, keo gần 10 tuổi, nhiều nương ngô, nương sắn. Hơn 500 m2 ruộng lúa.
Ông Sày dẫn chúng tôi ra ruộng lúa do tự tay ông bà mù cấy thẳng hàng, đều và ruộng lúa không có cỏ mọc và tự hào khoe, tự tay làm hết, các con chỉ giúp một phần thôi…
Diềng Gì Sày bảo cuộc sống đỡ khó khăn từ hơn 3 năm nay. Không còn đói vì trong nhà nhiều trâu nhiều lúa… Trong kho luôn có cả trăm chai mật ong rừng. Giá mỗi chai là 60.000 đồng thi thoảng bảo các con mang ra chợ huyện.
Vay vốn xóa đói giảm nghèo trả đủ cả vốn cho Nhà nước nên được bằng khen của TƯ Hội người mù Việt Nam về làm kinh tế giỏi. Mới rồi thu hoạch một phần rừng quế, rừng keo được gần chục triệu.
Đang nhờ con trai đi mua máy xát gạo. Ông Sày bảo, phải có máy xát thì gạo mới ngon, các con đỡ vất vả, máy chạy dầu thôi vì không có điện…
Hỏi có bao giờ ông nản lòng trước cuộc sống khó khăn? Câu hỏi này ông không hiểu và phải dùng tiếng Dao. Anh Quan dịch lại hiểu nôm na rằng - “Không bao giờ để mất niềm tin vì mất thì không lấy lại được”… Hỏi mong muốn nhất điều gì ông bảo mong khỏe mạnh để đi nương…
Chia tay ông bà chúng tôi trở lại thôn. Trưởng thôn Cao Lâm, Phùn Sán Sày cho biết, cả thôn có 59 nóc nhà với 323 khẩu thì có hơn 1 nửa là hộ nghèo.
Nhưng hộ ông bà Sày thì không nghèo bởi ông bà có những cách làm và có nhiều sáng kiến không làm theo thói quen của người dân tộc mình. Điều này lý giải vì sao ông bà bị mù, bị bệnh lại có thể giàu hơn nhiều người khỏe mạnh sáng mắt trong thôn…
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Hơn một tuần nay, kho chứa hàng của Trạm Vật tư nông nghiệp huyện Trấn Yên ở khu 4, thị trấn Cổ Phúc nhập kho 9,8 tấn thuốc trừ sâu đã quá hạn sử dụng đến hàng chục năm. Điều kinh khủng là một lượng lớn thuốc trừ sâu đã thoát chảy ra ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân…
YBĐT - Trong một vài tháng trở lại đây, nhiều hộ dân thuộc các xã vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình thi nhau lên đồi xâu xé đất rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ thuộc Lâm trường Thác Bà quản lý, bảo vệ.
Trong vai người muốn “tẩm bổ”, “ăn mãi mà không béo được”, chúng tôi vào một hiệu thuốc trên “phố thuốc” Ngọc Khánh (Hà Nội). Cô dược sĩ bày hàng loạt loại thuốc bổ: nào đạm, nào sâm, nào “phối hợp hoàn hảo giữa đa sinh tố và khoáng chất”... Tha hồ chọn!
Quảng Trị đứng án ngữ trên quốc lộ xuyên Việt. Quảng Trị trong lịch sử nước Việt như một cái gạch nối về mặt địa lý cũng như ý nghĩa văn chương. Mấy chục năm qua, biết bao lần ra Bắc vào Nam, tôi đã đi qua đây nhưng chưa một lần nghỉ lại.