Yên Bái: Chuyện kể sau cơn lũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/11/2024 | 8:25:38 AM

YênBái - Khi thiên tai, lũ lụt xảy ra, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và đặc biệt là người dân bằng tình thương và trách nhiệm cộng đồng của mình, không quản khó khăn, nguy hiểm, không tiếc tiền bạc... đã gắng sức mình cứu giúp đồng bào. Bài viết nhỏ này chắc chắn không thể nói hết được tinh thần cao thượng của tất cả những tấm gương cao quý, những tấm lòng thảo thơm vì cộng đồng. Xin kể lại một số câu chuyện nhỏ sau cơn bão số 3, để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân những tấm gương sáng ấy!

Anh Nguyễn Văn Tiến lái thuyền chuyên chở lực lượng và hàng cứu trợ đến vùng lũ
Anh Nguyễn Văn Tiến lái thuyền chuyên chở lực lượng và hàng cứu trợ đến vùng lũ

Mệnh lệnh từ trái tim  

Chẳng có ai ra lệnh cho chị, chẳng có ai ép buộc chị, xin được dùng câu "mệnh lệnh từ trái tim” để nói về quyết định của chị Nguyễn Thị Hà, ở tổ 13, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình khi cùng chồng và các em đi cứu người trong lũ.
 
"Biết tin nước sông Hồng lên rất nhanh, ngập chìm nhiều tuyến phố, nhiều người còn mắc kẹt, tính mạng bị đe dọa, lòng tôi như lửa đốt, tôi liền bàn với chồng, gọi mấy cậu em và báo mấy công nhân của mình lên đường đi cứu dân. Lúc đó khoảng 20 giờ ngày 9/9. 

Chồng tôi, 2 người em cậu và mấy em công  nhân (chị Nguyễn Thị Hà có cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà quy mô lớn nên có nhiều thuyền máy và một số lao động thường xuyên) đều đồng tình. Vấn đề phát sinh lúc ấy là làm sao mà vận chuyển thuyền từ Thác Bà ra sông Hồng được? 

Trong cái khó, ló cái khôn, tôi lên Facebook kêu gọi xe "không đồng”, không ngờ chỉ vài phút, mấy anh em xe cẩu đã nhận lời và di chuyển tới tận bến. Tôi hiểu rằng, rất nhiều người thiện tâm, chỉ cần kêu gọi là họ sẽ hưởng ứng. Biết vậy, tôi lại lên mạng Facebook kêu gọi "Tôi đi cứu giúp dân thành phố Yên Bái bị lụt, ai tham gia thì đi luôn. Có xe cẩu chở thuyền máy ra tận nơi!”.

Và lời kêu gọi mộc mạc ấy đã có 5, 6 rồi 12, 15 người gọi lại. Kết quả, 24 thuyền máy, 48 ngư dân hồ Thác Bà, bơi lặn tốt, lái thuyền giỏi đã di chuyển ra thành phố Yên Bái ngay trong đêm. Xăng đã bơm đầy bình, điện thoại nạp đầy pin, đèn, áo phao... đã đầy đủ. Chúng tôi chia nhau ra từng khu, thuyền thì đi dọc đường Kim Đồng, thuyền thì tới khu chợ Yên Bái, rồi dọc đường Nguyễn Thái Học, đường Hòa Bình, lên Tuy Lộc, vào Nam Cường... cứ ai gọi là tới rồi đưa đến nơi an toàn. Anh em quán triệt nhau rất kỹ: "Giúp dân, không ai được phép lấy tiền dù nhiều hay ít!”.

Bằng tinh thần trách nhiệm, sau 3 ngày, 3 đêm liên tục, đội thuyền máy của ngư dân hồ Thác Bà đã cứu được hàng trăm người (xin nhấn mạnh là cứu, bởi nếu không kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng), đưa hàng trăm người khác đến nơi an toàn và vận chuyển rất nhiều hàng cứu trợ, lực lượng cứu trợ đến các khu dân cư ngập sâu, nguy cấp.


Tôi đã phó thác mình cho số phận

Trong quá trình dùng thuyền máy đi cứu giúp người dân, anh Nguyễn Văn Tiến và người em cậu của mình là anh Nguyễn Văn Long công tác tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã di chuyển lên khu vực xã Tuy Lộc. Ở đó, nhiều khu dân cư đã chìm trong lũ, cánh đồng Xuân Lan đã trắng nước, hàng tre dọc đê xiêu vẹo theo dòng chảy... Hai anh em thận trọng lái thuyền đưa từng tốp người đến những khu đất cao, công việc rất khó khăn và vô cùng nguy hiểm. Là những người sống trên hồ Thác Bà, bơi lặn giỏi, lái thuyền thông thạo... nhưng không thể không lo lắng vì di chuyển trong đêm tối, địa hình, địa vật không quen, nước chảy xiết, đặc biệt củi, gỗ, tài sản, đồ vật bị nước cuốn nhiều vô kể, chỉ sơ suất là trả giá rất đắt. Điều không may đã đến với hai anh em Tiến và Long, khi chân vịt (cánh quạt) của thuyền máy bị gãy do va phải gỗ, động cơ không hỏng nhưng mất tác dụng, thuyền trôi tự do trong dòng nước chảy xiết. 

Anh Tiến kể:

- Lúc đó chúng tôi vừa chở mấy người đến khu  trường học. Thuyền gần như trôi tự do, va đập, chòng chành... và chỉ dừng lại khi anh em chúng tôi bám vào một ngọn tre. Lúc đó khoảng hơn 11 giờ đêm, điện thoại của tôi đã sập nguồn vì ngập nước, chẳng thể liên lạc, thi thoảng nhìn thấy một suồng cứu hộ chạy qua  nhưng khoảng cách quá xa, tiếng động cơ lớn nên cứ gọi mãi trong vô vọng. Nước lên ngày một nhanh, hai anh em thay nhau bám vào ngọn tre để thuyền không bị nước cuốn đi... "Nếu nước lên tiếp, ngọn tre chìm xuống thì sao. Phó thác cho số mệnh nhé!”. Tôi nghe cậu em nói trong sự tuyệt vọng. "Bình tĩnh, thuyền chìm thì bám vào cái cây gỗ nào đó, cố gắng bơi xuôi dòng, đề phòng va đập. Phải cố bảo toàn tính mạng, không thể chết!”. Tôi đã động viên em mình như thế và điều kỳ diệu đã đến, nước bắt đầu dừng, không ngập thêm, anh em kiên trì ở đó đợi trời sáng, vớt được cây sào, rồi lựa dòng nước di chuyển thuyền vào khu dân cư, mượn đồ, thay chân vịt và tiếp tục hành trình cứu người.

Câu chuyện kết thúc có hậu của Trần Sách Phương

Trong số những ngư dân hồ Thác Bà ra thành phố cứu giúp người dân có anh Trần Sách Phương, ở tổ 13, thị trấn Yên Bình. Anh Phương khỏe mạnh, bơi lặn giỏi và có bằng thuyền trưởng hơn 20 năm. Anh cùng đồng đội tập trung cứu dân khu vực từ chợ Bến đò cũ lên chợ Yên Bái, đường Thanh Niên, đường Trần Hưng Đạo. Hàng chục người trong cơn tuyệt vọng đã được anh cứu kịp thời. 

Trung  tá Nguyễn Duy Điệp - Phó Trưởng Công an phường Hồng Hà xác nhận: "Anh ấy cứu được rất nhiều người, chúng tôi phải nhờ cậy anh ấy vì anh ấy lái thuyền máy rất giỏi”. Khi di chuyển trên đường Trần  Hưng Đạo, anh Phương nghe thấy tiếng kêu cứu, anh đã quay thuyền lại, phát hiện người đang kêu cứu trên tầng 2, anh lập tức bơi vào, phá cửa lên tầng 2, ở đó có 2 cụ già và 1 cháu nhỏ đang trong cơn tuyệt vọng. 

Anh cẩn trọng đưa mọi người lên thuyền rồi chạy thẳng lên phía đầu cầu Yên Bái một cách an toàn. Lên đến nơi, vợ chồng người con của hai cụ, bố của cháu nhỏ chạy ùa ra ôm nhau khóc vì sung sướng. Một  người con của cụ biếu anh Phương 5 triệu đồng để bày tỏ lòng cảm ơn. Tất nhiên, anh Phương đã từ chối không nhận, chỉ đề nghị: "Nếu có xăng, anh cho em mấy lít để đổ vào máy chạy tiếp”. 


Xúc động trước nghĩa cử cao đẹp, tác giả tặng điện thoại và chăn ấm cho anh Trần Sách Phương
 
Giữa đêm khuya, mua đâu được xăng, mọi người đã chia tay trong niềm vui của cả người được cứu và người cứu. Nếu câu chuyện chỉ dừng ở đây đã rất đẹp đẽ, nhưng chưa hết, 6 ngày sau lũ, một người đã tình cờ gặp vợ anh Phương ra cửa hàng lương thực mua chịu 5kg gạo về ăn. Mua gạo chịu, nghĩa là gia đình anh Trần Sách Phương còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, vậy mà anh không tham lam, không lợi dụng thiên tai, lũ lụt để kiếm lợi, anh còn bất chấp nguy hiểm, cực nhọc đi cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Nghe câu chuyện cảm động ấy, một mạnh thường quân (xin không nêu tên) đã gặp Trần Sách Phương rồi nói: "Chú là người tốt, không tham lam; người ta biếu chú 5 triệu để cảm ơn nhưng chú không lấy, nay anh tặng chú 5 triệu về mua lương thực, thực phẩm cho vợ con nhé!”. Giám đốc một doanh nghiệp lớn tại thành phố Hồ Chí Minh ra Yên Bái tặng quà cho người dân vùng lũ, khi biết được câu chuyện cảm động ấy đã gửi tặng quà cho Trần Sách Phương cùng lời nhắn: "Các con học xong cần việc làm thì alo cho anh, anh sẽ bố trí, em đừng ngại!”. Được mọi người động viên, thăm hỏi, anh Trần Sách Phương ngập ngừng cười hiền: "Em sẽ cố gắng, thấy anh chị làm việc thiện em cũng cố gắng làm theo!”.

Chuyện đi cứu giúp đồng bào vùng lũ thành phố Yên Bái của người dân vùng hồ Thác Bà còn rất nhiều. Đó là những câu chuyện đẹp được viết lên bởi những tấm lòng thơm thảo, của những người vốn rất đỗi hiền lành, chịu  khó và rộng mở tình yêu thương con người. "Thiên tai xảy ra, chúng ta có tinh thần tương thân, tương ái, có ý chí dân tộc, có Đảng lãnh đạo... chúng ta sẽ vượt qua!” - đó là lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thác Bà mùa này trời trong xanh, nước trong xanh, những ngư dân Thác Bà lại tiếp tục công việc của mình. Chị Hà lại quản lý cơ sở chăn thả cá, anh Phương lại lái thuê tàu thuyền và tranh thủ đánh rọ tôm, rọ cá, nhưng những câu chuyện đẹp về các anh, các chị thì còn được lưu giữ và lan tỏa mãi. 

Lê Phiên

Tags Yên Bái chuyện kể

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục