Ước vọng đường xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/2/2025 | 8:28:36 AM

YênBái - Hơn 60 năm kể từ ngày thành lập, huyện Trạm Tấu không ngừng chuyển mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hành trình đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu, mở ra những con đường kết nối vùng miền, khơi thông "huyết mạch" kinh tế. Đây chính là động lực mạnh mẽ giúp đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại Trạm Tấu có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, trọn vẹn ước vọng mùa xuân.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng đường nối quốc lộ 32 với tỉnh lộ 174.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng đường nối quốc lộ 32 với tỉnh lộ 174.


Từ gập ghềnh sỏi đá...

Xưa Trạm Tấu như một "ốc đảo” tách biệt với bên ngoài, chỉ có những con đường mòn nhỏ hẹp, gập ghềnh sỏi đá nối liền các xã, thôn với trung tâm huyện. Hàng hóa, nông sản của nhân dân không thể đưa đi tiêu thụ, ngược lại hàng hóa từ các địa phương khác cũng khó tiếp cận Trạm Tấu. Đời sống nhân dân bấp bênh, cái nghèo trở thành người bạn "không mời mà đến”, cứ bám riết lấy bao thế hệ nơi đây. Mọi sự nỗ lực đều bị ngáng trở bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng về hạ tầng giao thông.

Gắn bó với Trạm Tấu gần 30 năm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trịnh Văn Xuê kể lại kỷ niệm những ngày gian khó. Trong hồi tưởng của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, con đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu khi ấy không có gì ngoài những con dốc cao ngút, đá hộc lởm chởm, những khúc cua ngoằn ngoèo, uốn lượn không dừng. 

Đồng chí kể: "Ngày đó, đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu được rải cấp phối, đá hộc lởm chởm nên xe khách chỉ đến thị xã Nghĩa Lộ. Muốn đi lên Trạm Tấu phải bắt xe ôm hoặc đi bộ, mà đi xe ôm khi ấy một chuyến bằng gần 1 tháng lương nên tôi thường đi bộ. Đi bộ mất khoảng một ngày từ sáng sớm đến chiều tối. Đường đi chỉ toàn suối, dốc cao, một bên núi, một bên vực hiểm trở khó nhọc". 

Hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của người cán bộ lãnh đạo huyện và của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân nơi đây - những người đã phải trải qua muôn vàn khó khăn trong hành trình gắn bó xây dựng, phát triển huyện. Cái đói, cái nghèo bủa vây nhưng ngọn lửa ước mơ về tương lai tươi sáng chưa bao giờ lụi tàn, niềm tin son sắt vào Đảng của đồng bào các dân tộc Trạm Tấu chưa khi nào phai nhạt.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, huyện Trạm Tấu từng bước tạo nên những tuyến đường đầu tiên - khởi đầu cho hành trình thay đổi số phận. Những tuyến đường được Đảng khơi thông chính là nền móng cho những ước vọng lớn lao của đồng bào các dân tộc Trạm Tấu sau này. 

... đến những cung đường tương lai

Trạm Tấu hôm nay không còn là một huyện vùng cao xa xôi, heo hút như trước. Hệ thống giao thông đã thay đổi diện mạo vùng đất khó, kết nối các thôn bản, mang theo những ước mơ, khát vọng của người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 800km đường giao thông bao gồm 17,4km tỉnh lộ, 8,1km đường đô thị, hơn 124km đường huyện, còn lại là các tuyến đường xã, thôn, bản và đường nội đồng. 

100% xã, thị trấn đều có đường ô tô kiên cố đến trung tâm với 33/57 thôn có đường bê tông kiên cố, đảm bảo việc đi lại thuận tiện bốn mùa. Tỷ lệ đường được kiên cố đã đạt 41%. Các con số chính là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của Đảng, nỗ lực không ngừng chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông suốt hơn 6 thập kỷ qua. Những con đường đã trở thành cầu nối Trạm Tấu với các vùng đất khác, mở ra cơ hội phát triển vượt bậc. Trạm Tấu đã hóa thành vùng đất giao thương nhộn nhịp. 

Vài năm trở lại đây, du lịch phát triển mạnh đã thổi một luồng sinh khí mới. Rất nhiều khu dịch vụ mới được xây dựng, cơ sở hạ tầng được đầu tư mở rộng. Nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, chẳng ít người trở nên giàu có, tiếp tục có sáng tạo, giúp đỡ nhau cùng "kê cao" thương hiệu vùng đất rẻo cao. 

Đến Trạm Tấu du lịch, chị Hoàng Thùy Anh ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của Trạm Tấu. Con đường uốn lượn nối liền các bản làng với trung tâm huyện khiến việc di chuyển của du khách chúng tôi trở nên dễ dàng, thuận tiện. Dịch vụ du lịch cũng rất phát triển, từ homestay, nhà hàng cho đến các khu nghỉ dưỡng sinh thái, tất cả đều mang lại cảm giác gần gũi, đặc trưng vùng cao”. 

Chị Hoàng Thùy Anh không phải là du khách duy nhất cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt ở Trạm Tấu, nhiều năm gần đây. Các địa danh như suối khoáng nóng, đỉnh Tà Xùa, thác Háng Đề Chơ hay ruộng bậc thang mùa lúa chín đã trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến huyện. Cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản kết hợp với sự thân thiện, hiếu khách của người dân đã tạo nên sức hút đặc biệt cho vùng đất này.


Tuyến đường vào trung tâm huyện Trạm Tấu được đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của tỉnh về 1 trong 3 đột phá chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh, năm 2020, Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu - Bắc Yên (Sơn La) và Dự án đường nối quốc lộ 32 với tỉnh lộ 174 chính thức được khởi công xây dựng. Tuyến đường Trạm Tấu - Bắc Yên có quy mô đường cấp V miền núi, tổng chiều dài khoảng 16km với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng. 

Đường nối quốc lộ 32 với tỉnh lộ 174 có tổng chiều dài 47 km, quy mô đường cấp VI miền núi với tổng mức đầu tư trên 438 tỷ đồng. 2 dự án đã mở ra cơ hội giao thương, kết nối giữa huyện Trạm Tấu, huyện Bắc Yên với các địa phương của hai tỉnh Yên Bái, Sơn La và khu vực Tây Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. 2 tuyến đường đã phá thế độc đạo, là "đòn bẩy” giúp mở rộng các cơ hội kinh tế, đưa Trạm Tấu từ một huyện miền núi xa xôi thành một trong những điểm sáng về du lịch sinh thái và văn hóa. 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trịnh Văn Xuê chia sẻ thêm: "Hạ tầng giao thông đã thay đổi toàn diện bộ mặt huyện Trạm Tấu. Các tuyến tỉnh lộ, các con đường liên xã, liên thôn được xây dựng kiên cố, giúp giao thương thuận lợi hơn. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ của người dân Trạm Tấu có thể đến được nhiều nơi hơn. Hơn cả là giúp người dân nơi đây dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa. Những con đường đã mở ra cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, đưa đời sống vật chất tinh thần của người dân Trạm Tấu lên cao”.

Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Trạm Tấu trở mình với một sức sống mới. Trên đà phát triển của hạ tầng giao thông, các lĩnh vực khác cũng phát triển từng ngày đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Những lớp học, bệnh viện, các dịch vụ công cộng giờ đây không còn là ước mơ xa vời mà đã hiện diện ngay giữa lòng trung tâm huyện. Hạ tầng điện lưới quốc gia đã phủ sóng đến 44/57 thôn, đạt tỷ lệ 77%, dự kiến sẽ hoàn thiện cho hơn 95% hộ dân vào năm 2025. 

Hệ thống giáo dục, y tế cũng được chú trọng đầu tư. Huyện hiện có 399 phòng học, với tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm ưu thế; đồng thời, 100% các cơ sở y tế đã được kiên cố hóa, đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt cũng được nâng cấp, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Tất cả những thay đổi này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Trạm Tấu, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai. 

Tạm biệt Trạm Tấu, trong tiếng gió đại ngàn vang lên khúc ca ngọt ngào: "Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/ Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/ Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/ Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời...". Lời ca ấy như hòa quyện cùng núi rừng và lòng người, khắc sâu niềm tin yêu, hy vọng cháy bỏng về những mùa xuân tươi sáng, rực rỡ hơn ở phía trước. Những con đường mùa xuân của Đảng đã và đang mở ra nối liền các vùng đất, kết nối những ước mơ, khát vọng vươn lên của đồng bào Trạm Tấu, mang theo tương lai sáng ngời cho mảnh đất rẻo cao thân thương.

Lê Thương

Tags Trạm Tấu giao thông con đường

Các tin khác

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay ngay vào tăng tốc sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm mới.

Các học sinh bên cột cờ theo mô hình cột cờ Trường Sa. (Ảnh: Thanh Miền)

Trong suốt thập kỷ qua, cột cờ Trường Sa tại một ngôi trường ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đã trở thành biểu tượng của tình yêu biển đảo, lòng tự hào dân tộc. Được xây dựng vào năm 2014, cột cờ không chỉ là dấu mốc vật chất, mà còn là biểu tượng tinh thần gắn kết cộng đồng với biển đảo quê hương. Hành trình 10 năm qua, đã chứng minh sức mạnh của tình yêu, niềm tự hào dân tộc từ những trái tim nhiệt huyết của người dân nơi đây.

Nhà văn hóa thôn được xây mới là nơi tổ chức các hoạt động của người dân Ngàn Vắng.

Cuối năm 2024, thôn Ngàn Vắng nằm ẩn mình trong những đồi quế xanh của xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên đã chính thức bước ra khỏi diện nghèo. Hành trình ấy không chỉ là sự đổi thay về kinh tế mà còn là câu chuyện đầy cảm hứng về sự quyết tâm, nỗ lực của từng người dân nơi đây.

Lò tiêu hủy rác hữu cơ do người dân cụm 6, thôn Khe Sừng đóng góp xây dựng góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Thôn Khe Sừng đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu trong năm 2024. Kết thúc năm, mục tiêu này vẫn còn ở phía trước bởi tiêu chí sử dụng điện và khuôn viên nhà văn hóa chưa như mong muốn. Mặc dù cần có sự quan tâm của Nhà nước để hoàn thành các tiêu chí còn lại, nhưng nhìn chặng đường vừa qua, mới thấy sự đóng góp của người dân nơi đây thật đáng trân trọng!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục