Nghịch lý ở vùng chè Văn Hưng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Người dân không có ruộng, cuộc sống cả nhà chỉ trông vào cây chè, ấy vậy mà hàng chục ha chè đang kỳ sung sức lại không có ai nhận, người dân trả chè cho Công ty chấp nhận đi làm cỏ, hái chè thuê cho người khác, dẫu rằng cuộc sống chẳng khá giả gì trong khi có rất nhiều người dân từ nơi khác đến ký hợp đồng nhận chăm sóc thu hái bán cho Công ty. Để tìm hiểu vấn đề trên chúng tôi đã về vùng chè Văn Hưng.

Hàng chục ha chè đang bị bỏ hoang tại xã Thịnh Hưng (Yên Bình, Yên Bái).
Hàng chục ha chè đang bị bỏ hoang tại xã Thịnh Hưng (Yên Bình, Yên Bái).

Một ngày đầu năm đầy nắng và gió, chúng tôi đã đến ba thôn Đá Voi, Ao Khoai, Đình Lâm (ba thôn vừa mới được thành lập) thuộc xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình. Những hộ dân ở đây đã sống và gắn bó với vùng chè trên 20 năm nay, nhưng cuộc sống của họ vẫn đầy khó khăn vất vả. Những ngôi nhà lợp cọ xiêu vẹo dựa lưng vào đồi chè, thi thoảng mới có một nhà xây. Trên các đồi chè, rất nhiều bà con đang cần mẫn đốn, tỉa cành chuẩn bị cho một vụ chè mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó là hàng chục ha chè để cỏ mọc quá đầu người, nhìn tinh mới biết đó là những đồi chè cao sản 7-8 tấn của vài ba năm trước.

Chị cán bộ khuyến nông xã Thịnh Hưng đang hướng dẫn bà con chuẩn bị đất trồng rừng trên đảo hồ Thác Bà chỉ tay lên các đồi “chè xen cỏ” nói  với giọng đầy xót xa: “Chè đấy, các anh ạ, nhưng người dân bỏ không chăm sóc, hay nói đúng hơn là nhiều hộ dân giờ đây  không còn mặn mà với cây chè nữa. Ở Thịnh Hưng có hàng chục hộ trả lại diện tích cho Nhà máy, chấp nhận đi hái chè thuê cho các hộ làm chè khác trong thôn, xã để lấy một, hai chục nghìn đong gạo”.

Để thực tế hơn, chúng tôi đến các đồi chè ở đội 1, đội 4 thuộc vùng nguyên liệu chè của Công ty cổ phần Chè Văn Hưng. Nhiều đồi chè hội đủ “thiên thời” vậy mà trông như đồi chè bỏ hoang, chè vè, lau lách... um tùm che lấp phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy ngọn chè lấp ló dưới tán cỏ xanh.

Bà Hòa vốn là một công nhân của Công ty nay đã nghỉ hưu cho biết: “Trước đây nhà tôi nhận khoán với Công ty 1 ha chè, nhưng do gia đình quá nghèo không đủ sức chăm bón, năng suất chè ngày một giảm nên tôi vừa trả lại Công ty toàn bộ diện tích. Các chú tính xem, vụ vừa rồi nhà tôi hái được 6 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, phân bón, công hái, làm cỏ, đốn chè, tiền thuê đất, khấu hao đồi chè, tiền chi phí quản lý cho Công ty hết 15,5 triệu đồng, gia đình còn được 2 triệu đồng/năm, thử hỏi chúng tôi sống bằng gì? Đấy là năm vừa qua còn có giá chè búp tươi cao nhất từ trước đến nay, bình quân từ 2.500-3.000 đồng/kg búp tươi. Nhận làm gì cho mệt, cứ đi hái thuê cho mấy nhà nhiều mà kiếm 20-30 nghìn/ngày cho xong. Đấy, các chú cứ nhìn cả cái thôn này có mấy chục hộ làm chè mà khá giả đâu, năm thì mất mùa, năm thì giá cả xuống thấp, lúc thì Nhà máy lại mua thấp hơn giá bên ngoài, mang bán bên ngoài lại vi phạm hợp đồng với  doanh nghiệp. Chung quy chỉ khổ người dân chúng tôi thôi!”.

Tại đội 4 hiện nay vẫn còn trên 10 ha chè chưa biết giao cho ai, giải pháp tình thế hiện tại là Công ty tạm giao cho đội trưởng phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác.

Không như bà Hòa, anh Tĩnh lại có một suy nghĩ hoàn toàn khác: “Với tình hình như một, hai năm trở lại đây, người làm chè không những sống được bằng nghề mà còn sống tốt, thậm chí còn làm giầu được nhưng đòi hỏi phải biết tổ chức lao động, chăm sóc bài bản và phải tâm huyết với chè, có diện tích từ 2 ha trở lên. Chẳng nói đâu xa, năm vừa qua 3 ha chè nhận của Công ty, gia đình tôi lãi gần 50 triệu đồng. Nhà này, xe máy này, ti vi này cũng từ chè mà ra cả đấy! Những hộ không sống được bằng chè là những hộ không mạnh dạn nhận diện tích lớn, đầu tư bài bản mà chỉ biết “bóc mầu” chè thôi. Đời nào, Công ty cung ứng phân để bón cho chè về họ chẳng những không bón mà còn bán đi để lấy tiền ăn, cỏ không làm chỉ biết hái, chè chột dần đi, năng suất giảm là lẽ đương nhiên”.

Quả thật với giá 3 - 4.000 đồng/kg búp tươi nếu chăm sóc đầu tư tốt người làm chè sẽ có cuộc sống tươm tất. Chẳng thế mà ngay trong vùng chè Văn Hưng này có nhiều công nhân từ Nhà máy Chế biến chè Phú Bền - Phú Thọ lên nhận hàng chục ha chè để làm, đã có cuộc sống khá giả.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Đào Thị Tâm - Phó giám đốc Công ty Chè Văn Hưng cho biết: “Trong năm 2007, đành rằng Công ty đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ cấu tổ chức đến đầu tư máy móc, công nghệ cũng gặp không ít khó khăn, song doanh nghiệp vẫn tổ chức thu mua hết chè cho dân. Việc giao khoán đồi chè cho công nhân, nhân dân trong vùng là hết sức hợp lý, nhiều hộ mạnh dạn nhận diện tích lớn đã có cuộc sống khá giả hơn. Nhưng cũng phải nói rằng có không ít hộ dân làm ăn theo kiểu “chụp giật” không chịu đầu tư, chăm sóc, khi thu hái lại không bán cho nhà máy mà bán hết ra bên ngoài.

Đối với những hộ này, Công ty kiên quyết thu lại đồi chè, giao cho các hộ có nhu cầu, kể cả các hộ dân không phải là người địa phương mà họ tâm huyết với cây chè, cùng chung ý chí với Nhà máy. Gia đình tôi cũng làm chè trên 20 năm nay rồi. Qua đó, tôi nhận ra một điều, muốn làm giầu bằng cây chè trước tiên mỗi gia đình phải nhận làm từ 1 ha trở lên và làm liền ô, liền khoảnh, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Năm 2008 này, Công ty khuyến khích công nhân, nông dân nhận diện tích lớn và đầu tư thâm canh, đưa máy vào công đoạn thu hoạch. Làm như vậy chắc chắn cuộc sống người làm chè sẽ khấm khá hơn. Công ty phấn đấu trong năm sản xuất chế biến 1.200 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng”.

Rời vùng chè Văn Hưng, trên đường về nhìn những đồi chè bỏ hoang cho cỏ mọc thật là xót xa. Để trồng được những đồi chè như vậy theo giá hiện thời cũng phải mất gần 40 triệu đồng và ba, bốn năm sau mới cho thu hoạch. Chính những đồi chè ấy đã nuôi sống bao nhiêu con người từ hàng chục năm nay và biết bao người trưởng thành từ những đồi chè ấy. Thực chất không phải cây chè không nuôi sống được họ, mà cái chính là cách làm ăn manh mún, tư duy cũ, bảo thủ, trì trệ, trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp đã ăn sâu vào một bộ phận người dân nơi đây. Làm chủ không muốn lại muốn làm thuê cho người khác cũng vẫn công việc ấy để kiếm miếng cơm, manh áo hàng ngày, chuyện chỉ có ở vùng chè Văn Hưng!

Thanh Phúc

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục