Cao Miên Ký sự

Phần 2: Kỳ vĩ Angkor

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/8/2010 | 9:41:08 AM

YBĐT - Angkor Wat (hay Ăng-kor Vat), còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên, trong khi đó, Angkor Thom thì được gọi là đền Đế Thích, cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. >>>Cao Miên ký sự

Tháp Bayon 4 mặt người ở Angkor Thom (Siêm Seap).
Tháp Bayon 4 mặt người ở Angkor Thom (Siêm Seap).

Theo tiếng Khmer Angkor: kinh đô, Wat: đền thờ hay chùa, là một đền thờ vị thần Visnu của Ấn Độ Giáo tại Angkor - địa điểm của các thủ đô của đế chế Khmer. Đây là một trong các di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.

Rời Phnompenh, đi 300km về phía Tây chúng tôi đến với thành phố Siêm Reap. Tên của thành phố theo tiếng khmer là “Người Xiêm bại trận”, nhằm nhắc lại sự kiện quân xâm lược Xiêm la đã từng bị đánh bại thảm hại tại nơi này. Lúc tàn quân Pol Pot còn hoạt động phá hoại, thành phố chẳng mấy ngày được yên bình. bây giờ thì đang khởi sắc phát triển thành một trung tâm du lịch thu hút nhiều khách tới thăm của đất nước Campuchia. Siêm Reap đang được xây dựng lại, đường phố rộng rãi phong quang.

Các khách sạn mọc lên nhiều vô kể song chỉ cao 3 – 4 tầng và không được phép cao hơn Angkor Wat. Đèn đường nhiều song không được dùng bóng công suất lớn và chỉ một loại ánh sáng màu vàng. Vì muốn giữ vẻ cổ kính của đất cố đô và các công trình kiến trúc đền đài mà tổ chức văn hoá thế giới Unesco qui định vậy. Ban ngày và cả buổi tối, du khách có thể đến các siêu thị, chợ đêm cùng khu phố Tây để mua sắm đồ lưu niệm hoặc nhâm nhi ly cà phê trong tiếng nhạc nhẹ réo rắt.

 Thú vị nhất là vừa ăn tối vừa thưởng thức điệu múa Apsara đầy quyến rũ. Vũ công gồm các chàng trai, cô gái trẻ, trang phục sặc sỡ lấp lánh như dát vàng, uyển chuyển bước chân hay mềm mại uốn tay theo các điệu múa cung đình và nhịp điệu lao động hằng ngày. Vì thành phố thu hút khá đông khách đến từ châu Âu và châu Á nên đồng USD dường như trở thành đồng tiền chính để thanh toán khi mua hàng và sử dụng các dịch vụ.

Một chuyến xe lôi chạy quanh thành phố 5USD, vào cửa hàng ăn và xem múa 10USD, thăm Angkor 1 ngày 20USD và cứ thế tăng thêm gấp đôi hoặc ba theo số ngày. Cũng đã có những đoàn khách du lịch lợi dụng sơ hở trong công tác kiểm soát để quay vòng vé khi thăm quan Angkor nên bây giờ Ban quản lý đề ra phải chụp ảnh in vào vé như ta làm hộ chiếu xuất cảnh ra nước ngoài vậy.

Hướng dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng Angkor, anh Navy, vốn là người tham gia bảo vệ quần thể từ những ngày đầu sau giải phóng, tỏ ra rất am hiểu. Anh cho biết: Angkor được coi là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại và là điểm đến sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á những năm gần đây.

Quần thể Angkor bao gồm gần 259 đền đài được xây bằng đá ong và đá sa thạch qua nhiều đời vua. Tương truyền mỗi vị vua lên nắm vương quyền phải xây dựng ít nhất một ngôi đền nên đền đài ở Cam Pu Chia có khoảng 3.500 ngôi và tập trung nhiều nhất vẫn là ở Siêm Reap.

Đường vào Angkor phải băng qua những cánh rừng già mọc đầy cây dầu cổ thụ. Bị quên lãng suốt mấy trăm năm, may nhờ có người Pháp phát hiện ra vào đầu thế kỷ XIX và bước đầu được tôn tạo lại tránh rơi vào tình trạng phế tích. Nổi tiếng hơn cả vẫn là Angkor Wat (kinh đô chùa) và Angkor Thom (kinh thành lớn).

Angkor Wat chu vi 5,6km với 5 ngọn tháp, tháp cao nhất 65m. Ở đây có nhiều gian thờ Phật, khá nhiều tượng còn nguyên vẹn và lấp lánh những vẩy vàng dư ba của thời hoàng kim mà thời gian chưa kịp khoả lấp. Trèo lên tháp cao, phóng tầm mắt về phía xa chỉ thấy màu xanh của rừng với hồ nước lớn trước đền mà nhiều người cho rằng đó là đoạn kênh đào nối với Biển Hồ Tonle Sap để vận chuyển vật liệu từ núi rừng Đông Bắc về xây dựng đền.

Còn Angkor Thom, theo các học giả là thành phố kinh đô lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của Vương quốc Khmer được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ 12, sau khi đánh đuổi được quân Chiêm Thành và bắt tay vào tái thiết một đất nước hùng cường. Chu vi tường thành dài 12km với 5 cửa ra vào mà thường người ta chỉ đi các cửa sinh, chiến thắng hay buôn bán mà kiêng cửa tử dành cho người chết hay thất bại.

Nằm ở vị trí trung tâm của Angkor Thom là khu đền tháp Bayon. Khởi đầu Bayon có 54 ngọn tháp, tượng trưng cho 54 tỉnh thành của Đế chế Khmer lúc bấy giờ. Nhưng ngày nay chỉ có thể chiêm ngưỡng 37 tháp còn lại là tương đối nguyên vẹn. Cấu trúc của Bayon gồm 3 tầng, hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng ba được sắp xếp theo vòng tròn với những ngọn tháp hình 4 mặt người nhìn qua 4 hướng.

Về nụ cười Bayon còn là một bí ẩn to lớn không những đối với du khách mà còn cả với các nhà khoa học. Có ba giả thuyết: một là khuôn mặt của Loksvana – vị bồ tát của Phật giáo đại thừa; hai là sự kết hợp của chân dung Phật tổ và vua Jayavarman VII; ba là sự kết hợp hình tượng thần Vishinu với vua Jayavarman VII.

Qua nụ cười bí ẩn của các khuôn mặt, vị bồ tát mà dân Campuchia gọi là Loksvana đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh. Dãy hành lang ở tầng dưới chứa đựng một kho tàng nghệ thuật với 11 ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1.200m, bao gồm cảnh diễu hành của vua và hoàng gia; những trận đánh của quân đội khmer với quân Chiêm Thành cả dưới nước lẫn trên bộ; cuộc sống lao động và sinh hoạt văn hoá hằng ngày của nhân dân và tầng lớp quan lại… Thật khó có thể nói hết được sự kỳ vĩ của công trình kiến trúc này.

Trên đường đi chúng tôi còn rẽ vào thăm TaProhm, ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 12 và từng được các nhà làm phim Hollywood chọn làm bối cảnh quay bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ”. Đền thực chất là lăng mộ của Hoàng thái hậu mẹ vua Jayavarman VII. Nổi bật nhất là trên tường có gắn hơn 2 ngàn viên kim cương để phản quang chiếu sáng những dãy hành lang. Cánh đạo chích nhiều đời đã lấy hết báu vật, bức tường chỉ còn là phế tích và rừng cây Knia, cây Tung vài trăm năm tuổi với bộ rễ xùm xoà đủ dáng hình độc đáo đang rủ xuống tường thành.

Đến Campuchia còn được nghe chuyện về sự tích cây thốt nốt. Hoá ra loại cây này có nguồn gốc từ  Ấn Độ và được chính quân vương người  Ấn mang sang khi nạp sính lễ hỏi công chúa Cao Miên làm vợ. Cây thốt nốt cái ra hoa và được người dân khai thác lấy nước mật nấu thành đường. Đường thốt nốt dùng để pha nước giải khát hoặc nấu chè. Nếm thử một chút sản vật địa phương người bạn Campuchia vừa trao cho, vị ngọt mát thấm vào đầu lưỡi rồi lan toả khắp cơ thể. Rời đất nước chùa tháp, hình ảnh cây thốt nốt rủ bóng bên ngọn tháp Bayon ấn tượng mãi trong tôi, như nhắc nhớ về lịch sử oai hùng của một dân tộc đang hồi sinh đi lên.

Thế Quynh

Các tin khác
AngkorWat nhìn từ phía sau.

YBĐT - Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ láng giềng và tình hữu nghị thuỷ chung Việt Nam – Campuchia vẫn không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.

Phân trại quản lý phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh.

YBĐT - Cách có một bước chân, một cánh cổng, một cánh tay vẫy mà lại là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Thế giới của những phạm nhân đang lầm lũi cải tạo, của những bị can đang chờ ngày phán quyết và cũng là thế giới của một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an không quản ngày đêm đối mặt với khó khăn, với những nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn nghề nghiệp khi trực tiếp tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với các đối tượng mà xã hội đã phải cho sống cách ly...

22 đầu gỗ sến, loại dùng làm cột nhà sàn, chuẩn bị được lâm tặc đưa ra khỏi rừng. (Nhân vật trong ảnh là người dẫn đường).

YBĐT - Trong vòng 3 năm trở lại đây, rừng Làng Khay thuộc dãy núi Con Voi không ngày nào yên ả. Với 18 cưa máy, chỉ cần một phần ba số đó hoạt động thường xuyên thôi cũng đủ thổi bay vài cây mỗi ngày.

Những chiếc thuyền có sử dụng kích điện bằng đầu nổ.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

YBĐT - Điều đáng lo ngại nhất là đội quân kích điện lại xuất hiện, nguồn thủy sản của hồ Thác Bà lại một lần nữa đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Thực trạng này, YBĐT đã cảnh báo nguy cơ sử dụng mìn, kích điện, lưới vét nhằm tuyệt diệt nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà. Và lần này, mùa cá vật đẻ, những nỗi lo này lại càng “trầm trọng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục