Cây lúa ở Lục Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2010 | 9:43:23 AM
YBĐT - Lục Yên là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nhưng đến năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của Lục Yên vẫn chiếm tới 47,69%.
Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thu Trang)
|
Làm sao để Lục Yên thoát nghèo và vươn lên làm giàu? Trong báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ Lục Yên đã chỉ rõ: "Tập trung khai thác mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu xây dựng Lục Yên trở thành huyện phát triển toàn diện".
Lục Yên là một huyện miền núi, địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi đá. Phía hữu ngạn sông Chảy là dãy núi Con Voi, có độ cao trung bình từ 300 - 400 m, đỉnh cao nhất tới 1.148m. Phía tả ngạn sông Chảy cũng là những núi đá lớn, có độ cao trung bình 935m, đỉnh cao nhất là 1.035 m. Vùng núi đá Lục Yên có nguồn tài nguyên mỏ là nguyên liệu chế biến nhiều sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng. Vùng đất thấp, bằng phẳng của Lục Yên nằm xen kẽ giữa các dãy núi đá và triền sông Chảy là khu vực tập trung dân cư sản xuất nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất tự nhiên 80.870 ha của Lục Yên có 12.661 ha đất nông nghiệp. Lục Yên có thời tiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa, hệ thống sông hồ đa dạng, tạo nguồn nước phong phú là những điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Cây lúa đã có mặt ở Lục Yên từ ngàn đời nay, là nguồn lương thực chính của cư dân bản địa.
Đồng bào các dân tộc, nhất là dân tộc Tày đã có cả một nền văn minh lúa nước miền núi từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đến các nghi thức cầu mùa, các điệu dân ca, dân vũ liên quan đến cây lúa. Câu ca dao này đã xuất hiện trên đất Lục Yên không biết từ đời nào "Ngọt lịm câu Then mùa trái chín / Lồng tồng ngày hội Lục Yên châu". Nhưng lễ hội Lồng tồng (cầu mùa) cũng chỉ là một sinh hoạt văn hoá mang tính tinh thần. Đất đai, khí hậu, con người là những tiềm năng thế mạnh của Lục Yên trong sản xuất nông nghiệp, nhưng trong những năm qua Lục Yên chưa thoát nghèo, thoát đói.
Làm sao để xoá đói, giảm nghèo? Làm sao để nông nghiệp Lục Yên góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương? Những câu hỏi đó đã từng làm cho các thế hệ lãnh đạo Lục Yên trăn trở, phải tìm hướng đi cho cây lúa trên đồng đất Lục Yên. Không thể để cây lúa mãi chỉ là sản xuất tự túc, tự cấp đã có từ ngàn đời, phải làm một cuộc cách mạng cho cây lúa Lục Yên. Và Dự án quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa hàng hoá năng suất, chất lượng cao đã ra đời. Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, ngày 27/4/2009, UBND huyện Lục Yên đã ra Quyết định số 433-QĐ-UBND phê chuẩn thực hiện Dự án giai đoạn 2009 - 2010.
Cánh đồng Liễu Đô.
(Ảnh: Đình Tứ)
Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, kỹ sư Hoàng Văn Thon, một người con của đất Mai Sơn, say sưa nói về Dự án mà anh và các đồng nghiệp đã dày công xây dựng: Dự án được triển khai đồng loạt tại 6 xã: Mường Lai, Minh Xuân, Lâm Thượng, Mai Sơn, Vĩnh Lạc, Liễu Đô từ vụ mùa 2009 với 3.443 hộ tham gia trên diện tích 500 ha. Đây là 6 xã có diện tích trồng lúa lớn, lại tập trung, điều kiện đất đai tốt, hệ thống thuỷ lợi đủ điều kiện cung ứng nước, trình độ dân trí, trình độ canh tác khá tốt của bà con nông dân và sự năng nổ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ xã. Hai giống lúa được lựa chọn trồng là Thục Hưng 6 và HT1, có nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng gạo và khả năng chống sâu bệnh. Quá trình sinh trưởng và kết quả được theo dõi, ghi chép tỷ mỉ từ số khóm lúa/m2, số hạt chắc/bông lúa.
Kết quả đạt được ngay vụ đầu tiên là: Thục Hưng 6 cho 136,3 hạt/bông, đạt năng suất 63, 6 tạ/ha. HT1 cho 122,7 hạt/bông, năng suất đạt 56,7 tạ/ha. Năng suất bình quân là 60,2 tạ/ha, tăng bình quân 9,8 tạ/ha so với năng suất đại trà. Tổng giá trị thu hoạch (ha) đạt 16 triệu 555 ngàn đồng, chi phí đầu tư hết 10 triệu 429 ngàn triệu đồng, như vậy tổng thu trừ đi tổng chi còn 6 triệu 126 ngàn đồng. Sau thắng lợi của vụ mùa, Dự án tiếp tục triển khai ở vụ đông - xuân 2009 - 2010 trên 6 xã, với 3 giống lúa: Thục Hưng 6, N. ưu 69 và D. ưu 527.
Cả 3 giống trên đều cho năng suất cao. Như vậy tổng hợp cả hai vụ lúa trong năm đều đạt mục tiêu về năng suất, sản lượng và chất lượng, có nhiều thương lái tìm đến Lục Yên để mua lúa. Dự án đã tạo hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng mục tiêu sản xuất lúa hàng hoá, chẳng những đủ lương thực dùng trong sinh hoạt mà còn tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần quan trọng vào chương trình xoá đói, giảm nghèo vững chắc. Không những thế, nhân dân còn được trang bị kiến thức về đầu tư, thâm canh, có sự chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tự túc, tự cấp sang sản xuất theo quy mô tập trung, sản xuất lúa hàng hoá.
Trên cơ sở thành công của Dự án sản xuất lúa hàng hoá tại 6 xã trong 2 vụ lúa, Đảng bộ huyện đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của sản xuất nông, lâm nghiệp trong giai đoạn 2010 - 2015. Bí thư Huyện uỷ Tạ Văn Long đầy tự tin, nhấn mạnh:"Việc phát triển lúa và ngô hàng hoá đã góp phần đắc lực vào xoá đói giảm nghèo. Tính đến năm 2010 hộ nghèo Lục Yên chỉ còn 10,5%. Với tỷ lệ này Lục Yên sẽ xoá nghèo trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 một cách bền vững, vì đã cho nông dân "cái cần câu" tốt chứ không phải là cho "con cá"".
Để có thêm thực tế chứng minh, tôi đã xuống các xã Mai Sơn, Lâm Thượng. Làm việc với Chủ tịch xã Lâm Thượng Trần Văn Ước, cán bộ chuyên trách mảng nông nghiệp Hoàng Văn Thuận, các anh rất phấn khởi kể về sản xuất lúa hàng hoá ở địa bàn xã. 90% diện tích đất nông nghiệp của Lâm Thượng đã được người nông dân đưa vào cuộc cách mạng cây lúa Lục Yên. Lâm Thượng cũng là nơi đạt năng suất cao nhất trong vùng dự án, giống lúa Thục Hưng 6 ở Lâm Thượng đạt 70,1 tạ/ha. Anh Thuận đưa chúng tôi xuống xem cánh đồng Bản Chỏi - bản đã có nhiều thành tích trong tham gia dự án, gặp các gia đình nông dân điển hình như hộ ông Triệu Văn Mát, hộ bà Nông Thị Hoàn, hộ bà Lý Thị Ngo… Ai, ai cũng hồ hởi nói với tôi: "Lúa tốt vỡ bờ cán bộ ạ, chưa bao giờ lúa ở cánh đồng Bản Chỏi này lại tốt như thế. Lâm Thượng không còn sợ đói, sợ nghèo nữa rồi". "Vậy vụ vừa qua bà con có bán được lúa không ? Có ai thu mua lúa cho bà con không?" - "Dạo này ngày nào cũng có xe ô tô vào chở lúa Lâm Thượng".
Nghe bà con nói mà tôi cũng cảm thấy vui lây. Lúc trở về huyện, gặp Bí thư Long, tôi hỏi: "Làm thế nào mà Dự án lúa hàng hoá của Lục Yên triển khai nhanh và hiệu quả đến thế, Lục Yên có bí quyết gì chăng?". Bí thư mỉm cười: "Bí quyết của chúng tôi là phải có sự đoàn kết nhất chí cao trong toàn Đảng bộ, trước hết là Ban chấp hành, Ban Thường vụ. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được xây dựng thành chương trình, hành động cụ thể, phù hợp với thực tế của huyện và hợp lòng dân. Toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đều vào cuộc tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm. Ở huyện có ban chỉ đạo cấp huyện, ở xã có ban chỉ đạo cấp xã. Chỉ đạo phải đúng nghĩa là chỉ đạo. Muốn chỉ đạo tốt thì phải có kế hoạch tốt, tổ chức thực hiện tốt và kiểm tra, giám sát tốt. Nói khai thác tiềm năng, thế mạnh cũng cần phải biết cách khai thác, khai thác trên cơ sở khoa học thì tiềm năng mới phát huy được năng lực của nó.
Trong Dự án này, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã làm tốt công tác tham mưu và quản lý Dự án, là đầu mối trong quá trình tổ chức thực hiện, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa giống mới, Trại Giống cây trồng cung ứng giống đầy đủ theo danh mục; Trạm Bảo vệ thực vật theo dõi sâu bệnh, đưa ra các chỉ dẫn kịp thời, Trạm quản lý Thuỷ nông - nước sạch lo cung ứng đủ nước tưới tiêu. Rồi các ban, ngành, đoàn thể… tất cả đều vào cuộc anh ạ!". Ngoài cây lúa, cây ngô đông trên đất hai vụ lúa ở Lục Yên cũng được triển khai từ vụ đông 2009, cho năng suất 30tạ/ha.
Trên cơ sở đó, huyện đã quy hoạch vùng ngô thâm canh đến 2015 trên tổng số 19 xã với tổng diện tích canh tác 1.300ha, diện tích gieo trồng 3.200 ha, gồm ngô đông, ngô xuân, ngô hè - thu, riêng ngô đông là 1.200 ha, phấn đấu đạt năng suất 42,6tạ/ha, đưa tổng sản lượng ngô lên 14.910 tấn, riêng ngô đông là 3.440 tấn. Cùng với cây ngô, cây lạc, cây đậu tương, cây khoai tím, đàn trâu, bò, đàn lợn, đàn gia cầm cũng đi vào quy hoạch trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Cả một "tập đoàn" cây, con của Lục Yên cùng vào cuộc trong thế trận xoá đói, giảm nghèo và phát triển, tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp nhằm đến 2015 chiếm 26% trở lên trong cơ cấu kinh tế Lục Yên, thực hiện phát triển toàn diện nền nông nghiệp, nông thôn, làm cơ sở xây dựng mô hình nông thôn mới.
Tôi rất tiếc vì điều kiện thời gian và khuôn khổ của bài viết, chưa thể đi hết, xem hết, viết hết về Lục Yên thời kì đổi mới. Buổi chiều đứng ở ban công tầng 3 Nhà khách Huyện uỷ nhìn ra bao la màu xanh của núi, của cánh đồng, thi thoảng lại xuất hiện các vệt trắng của các mỏ khai thác đá, trong lòng tôi tự nhiên một ý thơ chợt đến:
Anh làm sao vẽ nổi bức chân dung
Chiều Mai Sơn mùa lúa vàng trĩu hạt
Tâm hồn anh ngân nga điệu khèn lá
Những nốt trầm anh gửi về quá khứ…
Mai Sơn mùa lúa
Ru hồn anh
Biêng biếc
Tiếng chim xanh.
Lục Yên, tháng 8/ 2010
Hiền Lương
Các tin khác
YBĐT - Hỏi chuyện ông, tôi còn biết chính tiểu đội ông giải viên quan tư, Chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ Ti-ri-ông và viên quan ba, Chỉ huy phó Boa-lô.
Bút ký của Hoàng Thế Sinh
YBĐT - Hát “Chiều Mátxcơva”- hát để không bao giờ quên đất nước vốn thanh bình, nồng ấm tình yêu nhường ấy nhưng đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng, làm nên Cách mạng Tháng Mười chói lọi.
YBĐT - Cầm súng đi khắp các chiến trường, đối mặt với kẻ thù gian ác nhưng cũng không thể làm cho ông chùn bước. Rồi hoà bình lập lại, ông trở về quê hương lập gia đình và sinh ra những đứa con thì lại là lúc cuộc đời ông rơi vào tuyệt vọng, cả 6 người con ông dứt ruột đẻ ra đều ít nhiều nhiễm chất độc mang tên màu da cam. Nhưng dù đắng cay những con người đó vẫn cố gắng vượt lên, sống bằng chính nghị lực trái tim. Ông là Sầm Văn Sơn, thôn 7 Tân Lập, xã An Phú - Lục Yên.
YBĐT - Nhờ nuôi thỏ, năm 2008, trang trại thỏ của ông Nguyễn Huy Quang cho thu nhập trên 100 triệu đồng, năm 2009 là 180 triệu đồng và năm 2010 này sẽ là cao hơn nhiều khi số lượng thỏ nuôi theo dự định sẽ tăng lên gấp đôi.