Sức sống mới nơi vùng cao Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ hai, 22/11/2010 | 9:00:34 AM
YBĐT - Trạm Tấu có 12 xã, thị trấn thì nay gần một nửa chủ tịch xã đều trên dưới 30 tuổi và được đào tạo khá cơ bản... Đội ngũ, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Trạm Tấu nhiệm kỳ này độ tuổi bình quân là 35, trình độ chuyên môn cũng đã được nâng lên, tất cả đều đã và đang hoàn thành chương trình đại học.
Được sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của nhân dân trung tâm xã Phình Hồ ngày càng đổi thay.
|
Trạm Tấu có 12 xã, thị trấn thì nay gần một nửa chủ tịch xã đều trên dưới 30 tuổi và được đào tạo khá cơ bản. Chủ tịch xã Bản Công Tráng A Hồ sinh năm 1984, Chủ tịch xã Trạm Tấu Giàng A Chư sinh năm 1981, Chủ tịch xã Xà Hồ Chớ A Páo sinh năm 1985... Đội ngũ, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Trạm Tấu nhiệm kỳ này độ tuổi bình quân là 35, trình độ chuyên môn cũng đã được nâng lên, tất cả đều đã và đang hoàn thành chương trình đại học.
Trong chuyến công tác lên huyện vùng cao Trạm Tấu, điều gây ngạc nhiên trong tôi không phải là sự thay da đổi thịt của huyện vùng cao mà dường như ở đây đang có một sức sống mới lan tỏa rất rộng để vùng cao miền núi đổi thay.
Nằm liền kề ngay thị trấn, trụ sở xã Bản Công chỉ cách vài bước chân đi bộ, tuy nhiên 5 bản của xã là: Tà Chử, Tà Xùa, Khấu Chu, Bản Công, Sán Chá lại cách trung tâm xã tới 6,7 km đường núi, có bản cách tới 12 km. "Nhưng không lo đâu, các bản đã có đường xe máy đến trung tâm rồi!" - Chủ tịch xã Tráng A Hồ cho biết. Sinh năm 1984, mới bước sang tuổi 26 và vừa nhậm chức điều hành chính quyền được vài tháng nay, dẫu vậy tác phong điều hành của vị chủ tịch của xã có gần 3.000 khẩu khá chững chạc.
Anh cho biết, năm qua xã đã chỉ đạo nhân dân tăng cường sản xuất thâm canh tăng vụ trồng lúa nước, lạc xuân, đậu tương, ngô hè thu, sắn và một số loại cây màu khác. Vì vậy, đời sống bà con đã bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, do dịch rầy nâu phá hại mà vụ mùa này một số diện tích năng suất giảm, ảnh hưởng tới đời sống của 164 hộ dân.
Do đó từ nay đến cuối năm chính quyền xã phải tích cực chỉ đạo nhân dân phòng chống cháy rừng, nạo vét các kênh mương, đảm bảo đủ lượng nước tưới tiêu cho 65 ha vụ đông xuân sắp tới, và trồng 80 ha lúa nương, 130 ha ngô...
Cùng với đó là việc triển khai tốt công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm để phòng chống dịch bệnh; triển khai phòng chống cháy rừng, chống tái trồng cây thuốc phiện, đồng thời huy động nhân dân trong xã tu sửa các tuyến đường giao thông liên thôn, nâng cấp, làm mới các tuyến đường liên thôn, bản để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Nhiều việc như vậy nhưng Tráng A Hồ cho biết vẫn cố gắng theo học lớp đại học tại chức ở dưới tỉnh. A Hồ nói: "Vừa học vừa làm việc cũng vất vả nhưng em phải cố gắng, không có trình độ không làm được việc đâu!". Qua tìm hiểu được biết, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cũng đang theo học một lớp đại học tại chức ở thị xã Nghĩa Lộ.
Nằm ở phía Tây của tỉnh, phía đông và bắc giáp huyện Văn Chấn, phía tây và tây nam giáp 3 huyện Bắc Yên, Phù Yên của tỉnh Sơn La. Diện tích tự nhiên trên 74.618 ha, trong đó đất nông nghiệp 57.715 ngàn ha, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp là trên 58 ngàn ha. Đất rộng, rừng nhiều tiềm năng đấy nhưng ai đã từng lên với Trạm Tấu hẳn không bao giờ quên được những khó khăn, lạc hậu của huyện vùng cao này.
Được tách ra từ huyện Văn Chấn khoảng những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Chỉ có xã Hát Lừu và thị trấn Trạm Tấu là nơi sinh sống của người Thái, người Kinh, mười xã còn lại gồm: Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau, Bản Công, Tà Xi Láng… là địa bàn sinh sống của người Mông. Theo thống kê tổng số 26.426 nhân khẩu của huyện thì có đến 77,97% là người Mông.
Đối với Trạm Tấu sự khó khăn càng tăng lên gấp bội bởi không chỉ cùng những yếu tố tự nhiên như giao thông đi lại cách trở, điều kiện canh tác khó khăn... dân trí không đồng đều và lạc hậu chính là một bước cản trở không nhỏ đến sự phát triển của vùng cao.
"Đến anh cán bộ chủ chốt của xã mà đọc không thông, viết không thạo, chưa nói có vị không thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông thì làm sao mà điều hành bộ máy hoạt động chứ chưa nói đến lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo!" - anh Thành nhớ lại. Vậy nên, có thời gian dài từ cán bộ đến nông dân vẫn trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước. Lần này lên Trạm Tấu thật vui khi đội ngũ cán bộ cơ sở, những người sẽ làm cho bộ máy lãnh đạo ở vùng cao đầy khó khăn này có sức sống mới.
Về hướng phát triển của huyện, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quỳnh Khánh cho biết:" Thực hiện nghị quyết Đảng bộ huyện XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm vụ chính của Trạm Tấu hôm nay vẫn phải là thâm canh tăng vụ đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh đó là phát triển đàn gia súc, trồng rừng giữ rừng, chống tái trồng cây thuốc phiện, đồng thời phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương để nhanh chóng đưa vùng cao phát triển".
Người dân Trạm Tấu đang dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu.
Ảnh: Mô hình lúa chiêm xuân ở xã Bản Công.
Theo lời đồng chí Chủ tịch UBND huyện, cùng với đảm bảo diện tích lúa nước trong hai vụ chiêm xuân và mùa thì nhiều cây rau màu đã được đưa vào gieo trồng nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác, trong đó điển hình là cây ngô. Đến nay, Trạm Tấu đã có hàng ngàn ha ngô đồi, mỗi năm cho sản lượng vài ngàn tấn. Ngoài ra, những loại cây rau màu khác như lạc, đậu tương cũng đã được đưa vào gieo trồng, bước đầu làm thay đổi nhận thức người dân.
Điều quan trọng là muốn vùng cao phát triển phải đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nhất là giao thông nông thôn, miền núi; phải phát huy tiềm năng vùng cao về đất đai để đưa các loại cây công nghiệp vào trồng, đặc biệt là thủy điện, đây là một tiềm năng rất lớn để đem lại nguồn thu cho địa phương. Anh dẫn chứng, những năm trước đây, mỗi năm cả huyện Trạm Tấu chỉ thu ngân sách bằng một phường của thành phố Yên Bái (vài ba tỷ đồng), nhưng năm sau, khi Thủy điện Nậm Đông đưa vào sử dụng, ngân sách thu sẽ tăng gấp đôi (khoảng 6 tỷ đồng).
Lang thang ở Trạm Tấu, nhớ lại cách đây trên mười năm, lần đầu lên huyện, chỉ có mỗi con đường độc đạo bám theo suối Thia, ngược mãi lên, qua thị trấn Trạm Tấu là cụt. Cách Nghĩa Lộ khoảng 30 kilômét, ô tô xe Toyota xuyên lục địa cũng phải bò mất hai giờ. Vậy mà hôm nay tuyến đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện đã được rải nhựa, đi lại dễ dàng, đường thông sang huyện Bắc Yên ( Sơn La) dài 17 km sắp hoàn thành sẽ phá vỡ thế cô lập bao đời của huyện.
Trưởng phòng Công thương huyện Trần Văn Long cho biết thêm: Đến nay, Trạm Tấu đã có một hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh, với 31 km tỉnh lộ, 72 km đường liên huyện, xã, trong đó có 14 km mặt đường được cứng hoá.
Đặc biệt từ khoảng 3 năm nay, với sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân đã có hàng trăm kilômét đường thôn, bản đã được mở, nâng tổng số đường thôn, bản trong huyện lên 426 km, trong đó có 50 km đường ô tô. Giờ đây cả 12 xã, thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 10 xã ô tô đi lại trong bốn mùa; 69 thôn, bản ô tô, xe máy đến trung tâm. Đường giao thông sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy bộ mặt kinh tế – xã hội vùng cao phát triển.
Rời Trạm Tấu khi mặt trời đang ló dần trên vạt rừng thông xa, một Trạm Tấu trong nắng sớm thật đẹp và thanh bình. Nghe nói, huyện vừa tổng kết phong trào thi đua, trong năm tới sẽ quyết định thưởng cho các xã, thị trấn làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống cháy rừng, chống tái trồng cây thuốc phiện... với trị giá tiền thưởng lên tới vài chục triệu đồng. Vì vậy các xã phấn khởi, quyết tâm rất cao. Tôi nghĩ, không chỉ vì giải thưởng mà chính sự đổi thay bứt phá trong công tác cán bộ đã tạo động lực mới, một sức sống mới đưa vùng cao Trạm Tấu nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo và khó khăn.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Sau một đêm ở Trường Tiểu học An Lương (Văn Chấn), hôm sau, tôi theo chân thầy Hà Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lương lên điểm trường Suối Dầm. Lên Suối Dầm, cảm nhận đầu tiên đó là thời tiết. Chỉ cách nhau không xa nhưng ở dưới trung tâm xã An Lương nóng bức, ngột ngạt thì ở đây gần 10 giờ sáng mà sương mù vẫn phủ kín, trời se lạnh cho dù đang mùa hè.
YBĐT - Xe qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông đưa chúng tôi ngược dốc "Ba quanh” chếch thẳng lên trời. Trên đỉnh dốc, một chiếc cổng hình vòm hiện ra với hàng chữ lớn nơi áp mái “Xã văn hóa Khai Trung”. Từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu vàng của lúa đang độ chín và màu xanh của rừng cùng sắc núi, sắc trời.
YBĐT - “Chuyện làm ăn không có gì to tát, quá sức, đều là những cái mà Mỹ Gia đã có, đang có. Khó không bó khôn, ý chí của lãnh đạo địa phương cũng là ham muốn của bà con các dân tộc!”.
YBĐT - Chúng tôi đến thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) giữa không khí sôi động của nhân dân các dân tộc với nhiều hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đâu đó, một vài gia đình vừa cất xong ngôi nhà mới cũng tổ chức liên hoan văn nghệ mời bà con đến mừng bằng những câu khắp, điệu xòe rộn rã...