Cổ Văn ngày ấy - Mường Lai bây giờ
- Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2010 | 9:01:35 AM
YBĐT - Xã Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên và duy nhất của huyện Lục Yên (Yên Bái) thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến.
Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Xã Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên và duy nhất của huyện Lục Yên thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến. Nhân dân các dân tộc xã Mường Lai luôn phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.
Cổ Văn ngày ấy
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Mường Lai ngày nay thuộc Tổng Linh Hạ, trong đó có xã Cổ Văn, Từ Hiếu và một số xã khác. Sau những lần điều chỉnh địa giới và thay đổi tên gọi, xã Cổ Văn và Từ Hiếu sáp nhập với tên mới là xã Xuân Trường, sau này đổi thành xã Mường Lai.
Theo cuốn sách "Truyền thống cách mạng" của xã Mường Lai thì trước đây xã Cổ Văn chỉ có 97 hộ, xã Từ Hiếu có 69 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc Tày. Đất rộng người thưa, rừng thiêng nước độc, đời sống nhân dân quanh năm thiếu đói, cả xã không có trường học, số người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, người dân còn phải chịu nhiều tầng áp bức của đế quốc, phong kiến nên cuộc sống càng cơ cực. Mặc dù vậy, nhân dân Cổ Văn và Từ Hiếu rất giàu lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm còn lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Ngay từ thời chống giặc Nguyên Mông, dân binh đã nhất loạt đi theo các thủ lĩnh người Tày là Hoàng Liên và Ma Nha, năm 1872 thanh niên trai tráng trong làng lại nô nức đầu quân theo thủ lĩnh Ma Trường Đức đánh giặc Cờ Vàng. Trong một trận chiến đấu thắng lợi chàng trai dân tộc Tày Hứa Văn Tân đã thu chiến lợi phẩm là khẩu súng thần công, khẩu súng trở thành vũ khí hạt giống của Đội du kích Cổ Văn sau này khiến bọn thổ phỉ Quản Ván, Quản Lộc nhiều phen khiếp sợ.
Dấu son sáng ngời trong lịch sử cách mạng của quê hương Cổ Văn là sự kiện thành lập "Căn cứ kháng nhật Lê Lợi" và ra đời "Đội du kích Cổ Văn" - lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên ở huyện Lục Yên. Cuốn sách "Truyền thống cách mạng" của xã Mường Lai cho biết: Ngày 14/6/1945 đoàn cán bộ Tây Tiến của Tổng bộ Việt Minh đến Cổ Văn và Từ Hiếu để tuyên truyền cách mạng, chỉ sau đúng 1 ngày đã có 6 người tình nguyện theo Việt Minh là các ông Nghiêm Văn Tuân - Phó tổng Lịch Hạ; Nghiêm Văn Thung - Lý trưởng xã Cổ Văn cùng với 4 thanh niên trong làng là: Hoàng Triều Cống, Nông Văn Liên, Hoàng Xuân Bình, Phan Văn Ngụy. Đến ngày 19/6/1945, Đội du kích Cổ Văn chính thức ra đời với sự tham gia của 27 chiến sỹ tình nguyện.
Ngay sau khi thành lập, Đội du kích Cổ Văn vừa tuyên truyền 10 chính sách của Việt Minh, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng, vừa luyện tập quân sự và xây dựng lực lượng, giúp địa phương thành lập dân phòng, lập các điếm canh kiểm soát người ra vào căn cứ. Đã nhiều lần Đội du kích tổ chức mai phục, đánh tan các đội quân của Quản Ván, Quản Lộc và Vàng Xập, thanh thế du kích Cổ Văn lan rộng khắp các vùng Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai.
Thanh thế ấy còn mãi khắc ghi trong lịch sử cách mạng của huyện Lục Yên khi đội du kích đã dũng cảm và mưu trí bắt sống quan tri châu Lục Yên Trần Lê Nghiêm, cảm hóa Trần Lê Nghiêm và buộc hắn viết thư yêu cầu binh sỹ đồn Lục Yên đầu hàng. Cử cảm tử quân Hoàng Triều Cống cầm thư dụ hàng của Trần Lê Nghiêm và tối hậu thư của Việt Minh vào đồn Lục Yên trao cho quan đồn trưởng Nguyễn Văn Thi.
Trong khi đó, du kích khép chặt vòng vây, nổ súng thần công và hàng loạt súng tiểu liên, súng kíp để uy hiếp, ào ạt xông vào đồn chiếm giữ công sở, phá Nhà dây thép cắt đứt liên lạc, thu chiến lợi phẩm và phóng thích tại chỗ tù binh, tiếp nhận ngay những binh lính tình nguyện theo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh và tinh thần chiến đấu mưu trí dũng cảm của chiến sỹ du kích Cổ Văn, lại được nhân dân phố Lục Yên nhất tề hưởng ứng, hậu thuẫn mạnh mẽ, đúng 5 giờ chiều ngày 24/7/1945, cuộc kháng chiến giành chính quyền ở châu lỵ Lục Yên hoàn toàn thắng lợi. Chiến công này có sự đóng góp to lớn của các chiến sỹ du kích và nhân dân xã Cổ Văn, đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền mãi muôn đời.
Mường Lai hôm nay
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Mường Lai hôm nay không ngừng phấn đấu vươn lên, hòa nhịp cùng tiến trình đổi mới của đất nước. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nông dân trong thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân xã Mường lai đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định phát triển thế mạnh của địa phương là sản xuất nông lâm nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Với diện tích 373,4 ha đất trồng lúa, bà con, đã gieo cấy tới 90% giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chủ động áp dụng KHKT và công nghệ mới như gieo sạ, mạ khay, bón phân viên dúi sâu, phòng trừ dịch hại tổng hợp và tưới tiêu hợp lý để tăng năng suất. Nếu như năm 2005 năng suất lúa đạt 100 tạ/ha thì nay đã đạt 110 tạ/ha. Ngày nay nông dân làm ruộng không chỉ bằng sức người, sức trâu và cày cuốc mà nhiều công đoạn sản xuất đã được cơ giới hóa. Toàn xã có hàng trăm máy công cụ và xe cơ giới làm các việc cày bừa, vận chuyển, đập lúa, tẽ ngô, tuốt đậu tương và chế biến nông sản thực phẩm, chế biến gỗ rừng trồng. Cùng với sản xuất lương thực là trọng tâm, xã còn đẩy mạnh phát huy thế mạnh từ rừng mỗi năm trồng mới trên 100 ha rừng. Riêng năm 2010 trồng mới 281 ha đạt 230% kế hoạch, góp phần làm cho Mường Lai không còn đất trống đồi núi trọc.
Đến Mường Lai hôm nay là những con đường nhựa và bê tông kiên cố, khu trung tâm xã ngày càng thêm những ngôi nhà xây mái ngói đỏ tươi. Chợ Mường Lai tấp nập với nhiều hàng hóa phong phú làm cho khu vực trung tâm xã càng thêm sầm uất. Kinh tế phát triển đã làm cho đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Xã Mường lai không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6%, trên 1.300 hộ được dùng điện quốc gia, 99% hộ có phương tiện nghe nhìn, 1.100 hộ có xe máy và toàn xã đã có trên 1.000 máy điện thoại, bình quân 15 máy điện thoại/100 dân.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được địa phương quan tâm chỉ đạo thường xuyên, gắn xây dựng đời sống văn hóa với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay đã có 16/20 thôn ra mắt làng văn hóa, 15 làng văn hóa và gần 1.300 hộ được công nhận tiêu chuẩn văn hóa. Toàn xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở từ năm 2002.
Những đổi thay trên quê hương Mường Lai là bằng chứng của sự phấn đấu kiên trì, bền bỉ và quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở địa phương. Đây là tiền đề vững chắc để Mường Lai tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015, góp phần xây dựng quê hương cách mạng Mường Lai ngày càng thêm giàu và đẹp.
Bùi Văn Tòng
Các tin khác
Chiều Tây Bắc nắng nghiêng nghiêng, chếnh choáng như say, như mơ. Tôi đã vốc đầy tay ngụm nước ngọt suối Thia và chạm chân vào đất của xứ Mường Lò. Chợt nhớ câu hát xa xưa: "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".
YBĐT - Tính đến tháng 6 năm 2010, có 38 công ty đã và đang tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại Lục Yên (Yên Bái) với tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ đồng.
YBĐT - Để biến tiềm năng thành hiện thực, những năm qua đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng Yên Bái đã bám sát địa bàn, bám từng hộ dân, thẩm định, cho vay và bảo toàn nguồn vốn, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm.
YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 177 trường mầm non (trong đó: 168 trường công lập, 9 trường tư thục) với 1.500 nhóm, lớp và 37.324 trẻ. Đến nay trong toàn tỉnh vẫn còn 16/180 xã, phường thị trấn chưa có trường mầm non độc lập (đã có nhóm, lớp mầm non trong các trường tiểu học).