Con chữ nơi non cao
- Cập nhật: Thứ tư, 12/1/2011 | 3:08:38 PM
YBĐT - Xa Làng Nhì trong tôi luôn hiện lên hình ảnh chiếc bếp tập thể khiêm tốn xinh xinh nơi nấu ăn của 20 thầy cô giáo, nơi ăn, chốn ở chật chội của 60 em học sinh.
Trẻ em Làng Nhì trong lễ hội truyền thống ngày xuân.
|
Không thể viết một chân dung điển hình về họ, những thầy cô giáo đang hàng ngày gieo chữ trên những đỉnh non xanh thuộc xã Làng Nhì (huyện Trạm Tấu), bởi tất cả các thầy cô đang hàng ngày vượt lên khó khăn, dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người ở vùng đất xa xôi này.
Hành trình gieo chữ
Con đường lên với Làng Nhì đất đồi đỏ quạch, bên tả taluy dương, bên hữu vực sâu thăm thẳm. Trên chiếc xe WaveS của hãng Honda đời mới, thầy giáo Ngô Văn Huỳnh lai tôi vượt dốc.
Trời vùng cao mịt mù những trận mưa sương, đường trơn như đổ mỡ. Tôi hỏi thầy Huỳnh đi bao lâu mới đến trường? Thầy trả lời: “Trời nắng từ Nghĩa Lộ lên khoảng 22 km mất gần 2 giờ đi xe máy thì đến cơ sở chính, còn trời mưa cũng quãng đường này thì phải mất trên 3 tiếng”. Vừa dứt lời chiếc xe trượt bánh trôi ngược trở lại, hai anh em ngã mỗi người một nơi. Dựng chiếc xe lên đẩy ngược dốc mất chừng 15 phút cũng lên đến đỉnh.
Anh Huỳnh nói: “Với bọn anh đây là chuyện thường, chỗ nào đi được thì đi, không đi được thì dắt, dắt không được thì người nọ đẩy cho người kia, đường đất ngã thoải mái không đau. Lên đến nơi tắm gội là lại khôi ngô như thường”. Nhìn từ chân đến đầu thầy giáo chỗ nào cũng bê bết đất, bất giác tôi chạnh lòng thương những người gieo chữ ở vùng cao. Từ tình đồng nghiệp đến sự cảm thông, chia sẻ có 3 cặp vợ chồng các thầy cô giáo đã tìm được hạnh phúc ở chốn này.
Chưa hết niềm vui lại thấy mắt mình ngấn nước khi anh nén tiếng thở dài kể cảnh xa vợ, xa con: “Vợ chồng chị Bích, anh Sơn có một cậu con trai đầu lòng phải gửi nhà bác ở Văn Chấn. Còn gia đình anh thì vợ dạy ở Phình Hồ, anh ở Làng Nhì, cậu con trai đầu ở với bà ngoại, con út ở với bà nội", anh Huỳnh cho biết.
39 thầy cô giáo là 39 hoàn cảnh, nhưng nét chung nhất là không ai được hưởng trọn vẹn niềm vui có gia đình ở bên cạnh trong thời gian dạy học. Bằng tình yêu những đứa trẻ nghèo vùng cao cộng với tâm huyết nghề giáo, các thầy cô vượt lên tất cả vì sự nghiệp gieo chữ ở vùng đất khó khăn này.
Gieo chữ trên non
Vật lộn mãi với con đường đất đỏ ngoằn nghoèo chúng tôi cũng đến cơ sở chính. Một dãy nhà tạm gồm 4 phòng làm nơi ở và nơi làm việc cho các thầy cô giáo, đơn sơ giản dị đến khiêm nhường.
Thầy giáo Vũ Văn Đức - Hiệu phó Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Làng Nhì cho biết: “Hiện nay, nhà trường có 39 cán bộ giáo viên, 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Những năm qua, thầy cô giáo trong nhà trường đã nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. 100% học sinh chuyển cấp, 90% chuyển lớp, tỷ lệ đi học chuyên cần và huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt từ 90% trở lên”.
Nhắc đến những khó khăn trong nhiệm vụ, thầy Đức bùi ngùi: “Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất, chúng tôi ở đây chưa có nhà để ở, cả trường có 20 thầy cô giáo ở lại thường xuyên thì chỉ có 3 phòng, phòng hiệu trưởng có 4 người ở, 1 phòng ưu tiên cho 1 cặp vợ chồng, 1 phòng nữa thì giao cho 13 thầy giáo”.
Cuộc sống khó khăn hiện lên trên từng trang phục các em mặc, đôi dép các em đi nhưng trong sự khốn khó ấy, được sự thương yêu đùm bọc của thầy cô, các em dần trưởng thành theo từng câu hát, từng bài toán khó. Nơi các em ở dù còn phải nhường nhau chỗ ngủ, nhưng ước mơ một tương lai tươi sáng vẫn hiện trên từng nụ cười rạng rỡ.
Cô Hoàng Thị Bích - Tổ trưởng tổ chuyên môn mẫu giáo tiếp lời: “Học sinh ở bán trú có 60 em hiện nay cũng đang chung 1 phòng ở. Chúng tôi vì mục tiêu nâng cao chất lượng cũng muốn đưa học sinh ra bán trú nhưng các em ra đây lại khó khăn vì nơi ở chật chội. Nhưng được cái các em học sinh ở đây chấp hành nội quy bán trú rất tốt”. Nhắc đến 5 cơ sở lẻ với 15 thầy cô giáo, thầy Đức chia sẻ: “Chúng tôi có 1 cơ sở bán trú ở thôn Chống Tàu chiêu sinh học sinh ở 3 thôn: Háng Đay, Chống Chơ, Tà Chử nhưng vì ở đó cũng chưa có chỗ ở nên học sinh phải đi ở nhờ nhà dân”.
Khi tôi đề cập đến việc vận động học sinh ra lớp, cô Bích ngẹn ngào: “Ở đây nhiều em bé ở lứa tuổi mầm non đã phải làm nhiều việc giúp gia đình nên mỗi đầu năm học, khi vận động các em ra lớp chúng tôi gặp không ít khó khăn, lần nào cũng phải có cán bộ xã vào cuộc mới thành công”. Trước đây do trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên việc chăm sóc về vật chất cho các bé ở lứa tuổi mầm non cũng thiếu thốn. Chị Bích cho biết: "Tính trung bình các cháu ở kênh A đạt khoảng 30%".
Khó khăn là vậy nhưng sự học ở nơi này nhiều lắm những niềm vui, những em bé lớp mẫu giáo 5 tuổi thuộc các bài hát, thạo các trò chơi mà thầy cô dạy. Lớp 2 đọc thuộc những bài Tiếng Việt theo đúng chương trình học, làm được những bài toán mà chúng tôi bất ngờ đưa ra. Lớp 4, lớp 5, lớp nào cũng có những cá nhân tiên tiến…
Cuộc sống khó khăn hiện lên trên từng trang phục các em mặc, đôi dép các em đi nhưng trong sự khốn khó ấy, được sự thương yêu đùm bọc của thầy cô, các em dần trưởng thành theo từng câu hát, từng bài toán khó. Nơi các em ở dù còn phải nhường nhau chỗ ngủ, nhưng ước mơ một tương lai tươi sáng vẫn hiện trên từng nụ cười rạng rỡ.
Em Trang A Dì - học sinh lớp 2 cho biết: “Mặc dù chỗ ở của chúng em có chật một chút nhưng các thầy cô luôn quan tâm đến em, cô dỗ dành lúc em khóc vì nhớ mẹ, thầy cho em uống thuốc lúc em ốm. Lúc nào em chưa thuộc bài, chưa làm được toán, thầy không mắng mà dạy bảo em thêm. Ở đây có các bạn, có các anh chị cùng trường giúp đỡ, em thấy vui lắm, không thấy nhớ nhà như mấy tuần đầu đi học nữa”.
Xa Làng Nhì trong tôi luôn hiện lên hình ảnh chiếc bếp tập thể khiêm tốn xinh xinh nơi nấu ăn của 20 thầy cô giáo, nơi ăn, chốn ở chật chội của 60 em học sinh. Thương cảm những thầy cô giáo và câu hỏi còn để ngỏ: Bao giờ thầy trò nơi đây mới có được một chỗ ở khang trang?
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - Thôn Hồng Hải nằm giữa một thung lũng nhỏ trải dài với dòng suối trong xanh, bốn bề bát ngát bởi quế, keo, bồ đề, không khí thật trong lành.
YBĐT - Thế là đã bốn cái tết tôi xa Tây Bắc, cũng là ba cái tết ở Thủ đô phồn hoa và náo nhiệt, nhưng trong tôi vẫn không hề nguôi ngoai nỗi nhớ. Cái cảm giác hẫng hụt, như thiếu một cái gì vô cùng thân thiết, đã ăn sâu vào tiềm thức, máu thịt.
YBĐT - Không chỉ nhiệm vụ của riêng quân đội mà ngay cả những việc của địa phương, người lính luôn thể hiện dấu ấn trên khắp các nẻo đường, các thôn, bản.
YBĐT - Theo dòng chảy thời gian, ngòi Thia đã bồi đắp nên những ruộng lúa, bãi ngô xanh mướt và những thôn, làng mang nét văn hóa đậm bản sắc riêng. Thôn Ao Luông 1, xã Sơn A (Văn Chấn) là một làng văn hóa như thế!