Sản xuất, kinh doanh chè: Doanh nghiệp và nông dân phải cùng chung nhịp cầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2011 | 9:56:21 AM

YBĐT - “Việc sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá, mất mùa được giá” mạnh ai nấy làm, làm không bài bản, không quy hoạch. Nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân, bởi cả hai đều không tìm ra được tiếng nói chung”.

Nếu không áp dụng đúng kỹ thuật thu hái chè bằng máy sẽ gây hại cho vùng nguyên liệu.
Nếu không áp dụng đúng kỹ thuật thu hái chè bằng máy sẽ gây hại cho vùng nguyên liệu.

Thời điểm cuối năm 2010 cho đến nay giá cả các mặt hàng từ xăng, dầu, điện, vật tư phân bón và nhất là hàng hóa tiêu dùng đều tăng cao từ 10-30%, thế nhưng giá chè búp tươi hầu như không tăng. Giá không tăng nên cuộc sống người làm chè khó khăn, vất vả, nhiều hộ tính bỏ chè sang trồng các loại cây khác giá trị kinh tế cao hơn.

Sự biến động của thị trường cùng với việc Nhà nước điều chỉnh giá xăng, dầu và giá điện đã làm cho giá cả hàng hóa tăng cao. Trước sự tăng giá của các mặt hàng, hàng chục vạn hộ làm chè khấp khởi và hy vọng giá chè cũng tăng theo. Tuy vậy, không hiểu vì lí do gì mà mới vào đầu vụ giá chè lại chỉ tăng 100 - 200 đồng/kg, trong khi giá vật tư phân bón, nhân công tăng chóng mặt.

Một nghịch lý đi ngược lại với vòng quay của thị trường, hiện các doanh nghiệp sản xuất thu mua chè đều thông báo giá thu mua chè búp tươi trong dân dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg búp tươi.

Anh Nam đội 2 xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình mới ngoài 45 tuổi nhưng đã có trên 26 năm trồng và gắn bó với cây chè tâm sự: “Gia đình tôi có 1,4 ha chè, thấy từ đầu năm đến nay giá cả mọi thứ đều tăng, gia đình cũng như nhiều hộ dân trong xã hy vọng giá thu mua chè của nhà máy cũng tăng theo.

Từ suy nghĩ đó gia đình đã đầu tư 6 triệu đồng để mua phân NPK và một số thuốc bảo vệ thực vật về chăm sóc cho chè, đấy là chưa kể công đốn chè, làm cỏ chè. Vì khí hậu thời tiết năm nay khắc nghiệt quá, rét đậm, rét hại kéo dài, mặc dù có sự đầu tư chăm sóc rất tốt nhưng đến nay chè vẫn chưa cho thu hoạch được lứa nào. Mấy ngày qua gia đình mới thu hái tạo tán được hơn tạ chè búp nhưng giá thu mua chỉ được 3 ngàn đồng/kg.

Giá chè thấp nhưng người dân vẫn tích cực đầu tư, chăm sóc, thu hái và hy vọng giá sẽ tăng cao.

Với giá thu mua như hiện nay cuộc sống người làm chè rất khó khăn, những hộ đầu tư như nhà tôi cầm chắc lỗ. Bởi với diện tích chè này đầu tư chăm sóc tốt cũng chỉ đạt năng suất 8 tấn/ha là cùng, với giá bán hiện nay thì cũng chỉ thu được 24 triệu/ha cho cả năm trời.

Trong khi đó tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã mất 11 triệu đồng, cùng với tiền thuế đất, tiền khấu hao đồi chè, chi phí quản lý mất 2 triệu đồng nữa, đấy là chưa kể công làm cỏ, tiền thuê đốn chè, hái chè thì thử hỏi còn bao nhiêu”. 45 tuổi và 26 năm gắn bó với chè nhưng đến nay cuộc sống gia đình anh Nam cũng chẳng có gì ngoài chiếc xe máy Trung Quốc đã cũ trị giá hơn triệu bạc. Thế nhưng không hiểu sao vợ chồng và các con anh vẫn cứ gắn bó với chè như người bạn tâm giao.

Giữa trưa dưới cái nắng đầu hè oi nồng, hai vợ chồng anh vẫn cần mẫn vun xới và nhặt từng cây cỏ dại dưới tán chè. Thấy vậy tôi hỏi, giá chè thấp, làm chè khó khăn như vậy sao anh vẫn tâm huyết với chè? Anh Nam cười hiền khô: Giá là thế nhưng biết làm sao được. 26 năm gắn bó với cây chè, nay thôi đành lấy công làm lãi vậy. Mình cứ làm đi biết đâu tỉnh, nhà máy sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp làm bật dậy vùng chè và giá chè không thấp như bây giờ mà sẽ cao như ở Thái Nguyên, Phú Thọ hay như Lâm Đồng thì sao? Hy vọng là thế nhưng với cung cách làm chè như hiện nay khó có thể làm bật dậy vùng chè.

Ở Đại Từ (Thái Nguyên) sở dĩ người làm chè có cuộc sống khấm khá là do làm tốt khâu liên doanh liên kết, doanh nghiệp và nông dân bắt tay nhau cùng làm, lợi nhuận cùng hưởng. Người ta làm chè xanh, chè sạch xây dựng thương hiệu hẳn hoi, giá bán ít cũng 150 ngàn đồng/kg, cao đến cả triệu đồng/kg, đằng này ở Yên Bái, diện tích chè lớn nhưng có 90% là làm chè đen, đã vậy chất lượng lại chẳng bằng ai, giá bán chưa đầy 25 ngàn đồng/kg chè thành phẩm thì khá làm sao đây? Làm chè đen thì nguyên liệu cũng không đòi hỏi khắt khe, cùng với đó là có quá nhiều nhà máy, vượt quá khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu, dẫn đến việc tranh mua tranh bán.

Người dân thì “đơn thương độc mã”, chẳng có liên doanh liên kết với nhà máy, công ty nào thế là ra sức thu hái. Trước thì hái tay sau chuyển sang liềm đã tưởng ghê gớm lắm rồi, nhưng đến nay người ta còn hái bằng máy, nguyên liệu dài cả gang tay chẳng vào loại phẩm cấp nào.

Công ty chè Văn Hưng là một trong hai doanh nghiệp chè đóng trên địa bàn tỉnh có dây chuyền sản xuất chè CTC khá hiện đại, với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng thế nhưng làm ăn cũng không khấm khá được.

Có nhiều người cho rằng doanh nghiệp chè Yên Bái chỉ cần chuyển đổi 50% sản lượng sang sản xuất chè xanh nội tiêu thì ngành chè cũng khấm khá lắm rồi. Bởi làm chè xanh giá cao gấp đôi so với chè đen, còn thị trường khỏi phải lo vì 80 triệu dân Việt Nam có mức sử dụng trung bình 2 kg chè/năm thì một năm chúng ta cũng đã tiêu thụ được 160 ngàn tấn chè, vượt quá sản lượng chè của cả nước. Tất nhiên đó là trên lý thuyết, còn thực tế đòi hỏi doanh nghiệp và người làm chè phải nỗ lực rất nhiều và có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Công ty chè Văn Hưng ngao ngán, nói: “Chất lượng nguyên liệu búp cho chế biến kém quá, mặc dù với công nghệ hiện đại nhưng cũng không thể “ăn” nổi, chất lượng kém dẫn đến chè sản xuất ra không cao, giá bán thấp bình quân chỉ 1,2 USD/kg. Với giá bán như vậy doanh nghiệp cũng không thể thu mua nguyên liệu cao được, thường thì nguyên liệu chiếm tới 70% giá thành, trong khi đó từ đầu năm đến nay giá điện tăng, chất đốt tăng, cước vận tải tăng, lương công nhân tăng, lãi suất ngân hàng tăng… Do đó, doanh nghiệp mà mua chè với giá 4 ngàn đồng/kg chắc chắn thua lỗ”.

Năm 2011 này, Công ty chè Văn Hưng đề ra mục tiêu sản xuất và chế biến 1.200 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt trên 24 tỷ đồng. Mục tiêu là vậy nhưng doanh nghiệp năm nay kiên quyết không mua chè phẩm cấp thấp, sản xuất ít cũng được nhưng phải là chè chất lượng cao, chè sạch. Hiện nay Công ty đang thực hiện xây dựng vùng chè nguyên liệu sạch đáp ứng cho chế biến - Bà Minh cho biết thêm.

Rõ ràng việc sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá, mất mùa được giá” mạnh ai nấy làm, làm không bài bản, không quy hoạch. Nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân, bởi cả hai đều không tìm ra được tiếng nói chung. Nhưng nguyên nhân dẫn đến ngành chè Yên Bái không phát triển, nếu như chúng ta không muốn nói là tụt hậu đó là công nghệ chế biến lạc hậu, doanh nghiệp chỉ mải mê “đánh bắt” ở “biển lớn” mà quên mất “ao nhà”.

Nông dân xã Âu Lâu - TP Yên Bái chuẩn bị giống chè LDT1 cho niên vụ trồng chè 2010 - 2011.

Hiện nay toàn tỉnh có trên 100 cơ sở, công ty tham gia sản xuất chế biến chè, nhưng qua đánh giá chỉ có 9 doanh nghiệp, cơ sở được xếp loại A, còn lại là B, C và không xếp hạng. Các doanh nghiệp hầu như chỉ sản xuất chè đen theo công nghệ OTD của những thập niên 70, hiện chỉ có 2 dây chuyền sản xuất theo công nghệ CTC.

Sản xuất chè đen giá thành thấp, doanh nghiệp không xuất khẩu trực tiếp được mà phải xuất qua trung gian nên càng giảm giá mạnh. Giá bán thấp, không có thị trường dẫn đến mua nguyên liệu thấp, giá nguyên liệu thấp thì làm sao có chất lượng tốt. Thực tế, hầu hết các hộ làm chè đều cho rằng giá thu mua cao chỉ cần 5 ngàn đồng/kg búp, họ sẵn sàng hái theo đúng phẩm cấp “một tôm hai lá” đủ tiêu chuẩn để chế biến chè cấp cao.

Một vấn đề không thể không nói đến là doanh nghiệp chè thì nhiều nhưng cung cách làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Hiệp hội chè Yên Bái đã thành lập nhưng dường như chỉ tồn tại trên giấy, chứ không làm tròn trách nhiệm như mong muốn. Chúng ta phải quy hoạch tốt, đâu là vùng chè cho sản xuất chè xanh, đâu là chè đặc sản, đâu là nguyên liệu cho chế biến chè đen. Doanh nghiệp và nông dân phải cùng chung nhịp cầu và phải ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài.

Cùng với đó là sản xuất chè sạch, chè an toàn, chất lượng tốt và xây dựng thương hiệu sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vừa qua, chúng ta đã đầu tư khá nhiều tiền của cho việc cải tạo giống chè nào là LDP1, LDP2, nào là chè nhập nội nhưng làm theo kiểu xôi đỗ, không có quy hoạch cụ thể, chế biến không đi liền với đó thì vô nghĩa. Bởi chè chất lượng tốt cũng vào nhà máy chế biến chè đen, giá cũng 3 ngàn đồng/kg búp thì chẳng giải quyết vấn đề gì.

Để ngành chè phát triển buộc chúng ta phải giải quyết tốt những vấn đề  này nếu không thì giấc mơ 40 năm “chè ơi” của người làm chè vẫn mãi chỉ là giấc mơ mà thôi.

Thanh Phúc

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục