Khát vọng còn lại

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2011 | 2:51:04 PM

YBĐT - Khía vừa nhẹ nhàng đưa tay vuốt tóc đứa con gái 5 tuổi vừa nghe cán bộ y tế tư vấn hướng dẫn cách dùng thuốc điều trị HIV đúng liều, để nâng cao thể trạng sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Nghĩa Lộ thu hút nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Nghĩa Lộ thu hút nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị.

Trời gay gắt nắng, cánh đồng Mường Lò vẫn tấp nập những phụ nữ Thái đang cặm cụi cấy nốt những thửa ruộng đã được bừa kỹ cho đúng thời vụ. Hai ngôi nhà tình nghĩa ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi nằm khép bên góc bản, như số phận hai mẹ con, một già, một trẻ dựa vào nhau trong những ngày cuối đời.

Í  ới một lúc, Lò Thị Khía bỏ cấy về nhà, vội thay chiếc áo còn lấm bùn đón khách ngồi ngay trên nền đất của ngôi nhà khoảng 20 m2 từ Quĩ “Vì  phụ nữ nghèo” thị xã Nghĩa Lộ xây tặng. Không còn nước mắt để chảy vì đã quá nhiều đau khổ, Khía vừa nhẹ nhàng đưa tay vuốt tóc đứa con gái 5 tuổi vừa nghe cán bộ y tế tư vấn hướng dẫn cách dùng thuốc điều trị HIV đúng liều, để nâng cao thể trạng sức khỏe.

Hoàn cảnh của Khía cũng như bao cô gái khác bị nhiễm HIV ở cái thị xã bé miền núi nhỏ này: chồng nghiện đã chết cách đây vài năm, mẹ chồng năm nay 82 tuổi chung sống với một chị chồng bị tàn tật, hai người nhìn vào thu nhập duy nhất là tiền hỗ trợ thân nhân liệt sĩ hơn một triệu đồng/tháng. Cháu lớn năm nay 15 tuổi bị nhiễm HIV vì chăm sóc bố ốm, năm nay thi vào THPT chưa biết đủ sức khỏe để theo học không.

Đứa thứ hai do "nghiện" chơi điện tử đã đánh cắp điện thoại di động của người khác bán lấy tiền chơi, đang ở một trường giáo dưỡng tại Ninh Bình. Cháu gái út năm tới đủ tuổi vào lớp một, nhưng vì đời sống khó khăn quá lại muốn có tương lai cho con…

Khía đan hai bàn tay gầy guộc và bần thần khi đề xuất với các “cấp xin cho cháu vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, chưa biết có được không?”. Nhìn hóa đơn thanh toán tiền điện tháng 5- 2011 của cả nhà mẹ chồng và nhà Khía rất ít, có lẽ điện chỉ dùng thắp sáng vài bóng điện khi đêm về, dù nóng ong ong vẫn không dám bật quạt mát, mới thấy nỗi vất vả của những con người trong ngôi nhà này.

Ngõ 54, tổ 8, phường Tân An dẫn lối chúng tối đến ngôi nhà sàn dân tộc Thái nằm nép sau dãy tre lặng lẽ. Tiếng cầu thang cọt kẹt như chính ngôi nhà cũ kỹ dù đã được đảo mái bằng những tấm lợp phibrô xi măng, ánh mắt của hai người già và một cháu nhỏ 4 tuổi trong ba gian nhà trống trơn, vắng lặng, ngỡ ngàng nhìn khách đến thăm, có lẽ lâu rồi ít người qua lại ngôi nhà này.

Bà Hoàng Thị Hiền, chủ nhà nay đã 68 tuổi chỉ tấm di ảnh của con trai là Cầm Ngọc Hòa vừa khóc vừa kể: “Êm pả (bà bá) sinh được ba trai, ba gái, thằng Hóa là con thứ tư coi như út nhất nhà thì ở với bố mẹ. Cưới được vợ đẹp nhưng vì việc nhà nông chẳng nhiều, nên Hóa theo bạn đi làm ăn xa. Mắc tệ nạn xã hội, về lây sang vợ căn bệnh HIV. Tiền mang về chả thấy đâu, bao nhiêu của nả trong nhà bán hết để chữa bệnh, nhưng đến đúng rằm tháng Giêng vừa rồi thì Hoá mất.

Lây nhiễm HIV từ chồng, lại là lao động chính nuôi 5 miệng ăn trong nhà, vụ chiêm này cấy 2.800 m2 ruộng được chừng 1,5 tấn thóc, người vợ góa Hoàng Thị Quỳnh gồng mình chống chọi với căn bệnh thế kỷ, nhằm duy trì cuộc sống của chính mình và nuôi hai con nhỏ. Thóc từ ruộng vừa về đến gầm sàn thì các chủ nợ đã đến đòi các món nợ từ khi làm ma cho chồng. Hiện  trong nhà chỉ còn 14 bao thóc loại 50 kg, trong nhà còn bao nhiêu thứ cần tiêu đến, không biết từ giờ đến vụ mùa thì 5 miệng ăn sẽ sống ra sao.

Xét nghiệm HIV tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Chấn. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Để phần nào làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, ngoài việc cấp phát kim bơm tiêm, tuyên truyền chống kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV, tháng 5/2010, thị xã Nghĩa Lộ được Ủy ban Y tế Hà Lan triển khai Dự án toàn diện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con dành cho phụ nữ dễ bị tổn thương. Cùng với đó, lực lượng công an đã liên tiếp phát động phong trào toàn dân phòng chống tội phạm ma tuý, triệt phá các ổ nhóm mua bán ma tuý.

Thượng tá Lục Văn Tiên, Trưởng công an thị xã cho biết: “Nhờ làm tốt công tác đấu tranh phòng chống ma tuý, đến nay, đã có 88/100 tổ dân phố, thôn, bản và hai xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi không có ma tuý. Hiện địa bàn còn 44 đối tượng nghiện ma tuý. Trung tâm Y tế quản lý đã xây dựng 6 CLB người có HIV hoạt động khá hiệu quả”.

349 là số người nhiễm HIV của thị xã Nghĩa Lộ tính đến thời điểm tháng 6/2011, trong đó đã chết 115 người. Đó là chưa kể đến các trường hợp nhiễm HIV ở các thôn, bản mắc bệnh nhưng đến khám và điều trị, khi chuyển sang giai đoạn cuối bị chết mà cơ quan chức năng không quản lý được.

Bác sĩ Vũ Trung Thu, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã đọc vanh vách con số người nhiễm HIV: phường Trung Tâm 83, phường Tân An 62, phường Pú Trạng 53, phường Cầu Thia 43, xã Nghĩa An 43, xã Nghĩa Lợi 32 người... nghe ù hết cả tai.

Mức độ lây nhiễm HIV cao nhất vào năm 2009 với 63 người, năm 2010 là18 người, sáu tháng đầu năm nay có 6 người dương tính với HIV được quản lý.

Bằng giọng rủ rỉ, Trần Thị Hoài Thu bảo, nhóm Hoa hướng dương của chúng em được thành lập ngày 1- 5- 2010, với 25 thành viên nữ tuổi đời từ 18 đến 42, cư trú tại thị xã Nghĩa Lộ và một số xã thuộc huyện Văn Chấn và đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Trong đó, có bốn cháu bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nhiều chị chồng chết vì AIDS có hoàn cảnh rất khó khăn.

Cái được của các thành viên khi tham gia nhóm Hoa Hướng Dương là được cán bộ y tế tư vấn, chia sẻ tinh thần, được hỗ trợ tiền cho con trẻ nhân ngày tết Thiếu nhi, tết Nguyên đán. Đặc biệt, mọi thành viên được khám chữa bệnh, xét nghiệm miễn phí, khi ốm đau được cứu trợ khẩn cấp đến 600 ngàn đồng/lượt, hàng năm được đi thăm quan du lịch.

Nhiều thành viên là dân tộc thiểu số từ bé chưa một lần đi khỏi lũy tre làng, nay được đi tham quan thấy cuộc sống còn bao điều muốn biết, càng tự tin vào cuộc sống không muốn chết vô nghĩa nữa. Chồng của Thu là Phạm Vĩnh Nam, hiện đang là chủ nhiệm CLB Niềm Tin với 36 thành viên tham gia.

Cái hay là các thành viên CLB có cả người nhiễm HIV và một số đoàn viên thanh niên không nhiễm HIV tham gia, được UBND thị xã cho vay vốn chương trình 120 để giải quyết việc làm, đồng thời có điều kiện giao lưu, trao đổi các kiến thức đồng đẳng, giúp họ thêm tin yêu cuộc sống. Ngay như vợ chồng Nam, từ nguồn vốn vay 60 triệu đồng mở xưởng thu hút bốn lao động tham gia với mức thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng.

Ước muốn của vợ chồng Nam là sử dụng thuốc chương trình đúng liều, có sức khoẻ để nuôi cháu gái mới 8 tuổi nên người. Được sự khuyến khích của cấp ủy, chính quyền và người thân nhiễm HIV, từ một nhóm Hoa Hướng Dương đầu tiên ra mắt hoạt động, đã lần lượt ra đời các nhóm: Chân Trời Mới, Niềm Tin, CLB thân nhân người nhiễm HIV xã Nghĩa Lợi, CLB truyền thông phòng chống HIV phường Trung Tâm, CLB Trái tim yêu thương thu hút đông đảo người quan tâm đến căn bệnh thế kỷ tham gia.

Qua tìm hiểu, các thành viên trong nhóm từ chỗ giấu bệnh nay đã công khai danh tính, mạnh dạn trước cộng đồng, tự bươn chải gây dựng cuộc sống mới. Bà Lò Thị Huân, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Các đối tượng lây nhiễm HIV từ chồng sang ở thị xã đều có cuộc sống rất khó khăn, chính quyền đã áp dụng mọi chính sách có thể để vận dụng hỗ trợ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, vật chất cho từng đối tượng cụ thể, từ đó, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, tự tin chống lại bệnh tật”.

Điện thoại của chị Hoàng Thị Tùy, cán bộ chương trình phòng chống HIV thị xã lại hiện lên một số lạ xin tư vấn cách dùng thuốc điều trị HIV, ấy là một người nhiễm bệnh đã tự nguyện tìm mọi cách kéo dài cuộc sống, dù đó là một hy vọng nhỏ nhoi. Ở thị xã nhỏ bé này có một quán vỉa hè, hàng ngày vẫn mở để những người nhiễm HIV đến tâm tình, trao đổi những kỹ năng chống lại căn bệnh thế kỷ mà họ đang mang trong người. Khát vọng những ước mong mãi vẫn hướng tới sự sống tốt đẹp, như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, đón tia nắng của buổi bình minh tươi sáng.

Mỹ Sinh 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục