Thiếu điện ngay bên Nhà máy thủy điện Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2012 | 9:44:32 AM

YBĐT - Sau gần 20 năm xã Bảo Ái của huyện Yên Bình được đón nguồn điện lưới quốc gia thì vẫn còn trên 200 hộ dân, chiếm khoảng 10% số hộ trong xã chưa có điện.

Chiếc đèn dầu là “người bạn đồng hành” của ông Lê Thế Hưng kể từ khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà phát điện tới nay.
Chiếc đèn dầu là “người bạn đồng hành” của ông Lê Thế Hưng kể từ khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà phát điện tới nay.

Điều đáng nói là hầu hết trong số họ - những người đã dành cả "bờ xôi ruộng mật", nơi chôn rau cắt rốn của mình cho công trình thủy điện đầu tiên ở miền Bắc lại đang mơ một ước mơ rất "xa xỉ": Có điện.

Điện - chuyện không còn lạ

Thực tế, điện không còn lạ với những người dân Bảo Ái. Kể từ năm 1993, khi trạm biến áp đầu tiên đóng điện, đến nay, trên địa bàn xã có tổng số 7 trạm hạ thế làm nhiệm vụ đưa dòng ánh sáng quốc gia đến phục vụ đồng bào. Nhưng với ông Lê Thế Hưng, năm nay đã 73 tuổi ở thôn Ngòi Ngần thì điện vẫn là câu chuyện ông luôn luôn trăn trở. Ông kể rằng, cái đất An Dương mà ông lập nghiệp xưa kia nay đã chìm trong lòng hồ thủy điện Thác Bà. Con cái ông được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất màu mỡ, trù phú ấy.

 Nghe theo Đảng, ông và gia đình rời đất quê để đập dâng nước tạo nguồn năng lượng quốc gia. Lưu luyến, tiếc rẻ lắm nên ông còn lăn lộn mấy năm mưu sinh trên mặt hồ. Rồi sau đó, ông cũng là một trong số 11 hộ dân đầu tiên đều ở vùng lòng hồ đến thôn Ngòi Ngần mở đất khai hoang lập nghiệp, trong đó có 2 hộ người Kinh, còn lại là người Dao. Hiện giờ, thôn này đã "sinh sôi" được 116 hộ, hầu hết là đồng bào Dao do chính con trai ông - anh Lê Thế Vinh làm Trưởng thôn.

"Năm bảy mốt có điện rồi nhưng dân ở đây vẫn dùng đèn dầu thôi. Không hiểu Đảng và Nhà nước quan tâm đến người dân như thế nào?" - ông Hưng đưa tay gãi lên cái đầu chẳng còn mấy tóc, thắc mắc với chúng tôi. Ông Hưng nói vậy chứ điện ông đâu còn lạ gì... Năm 1994, nhà ông đã dùng điện nhưng đó là điện "tự sản xuất" bằng máy thủy điện nhỏ, còn gọi là điện nước. Bây giờ, nguồn sinh thủy cạn kiệt, nước ở dòng chảy ngòi Ngần lúc có lúc không, ông vẫn được dùng điện do các con mình sản xuất.

Từ cái đầu phát điện cho chiếc máy làm kem, người con trưởng của ông là Lê Thế Môn đã tận dụng để phát điện phục vụ sinh hoạt cho 5 gia đình anh em, họ hàng. Cứ luân phiên nhau xách can đi mua dầu đổ vào chạy máy song chỉ dùng vào giờ cao điểm để ăn cơm cho đỡ nóng hoặc cố để xem hết chương trình thời sự của VTV là ngừng phát điện. Bình quân, ngày được khoảng 3 tiếng có điện mà mỗi hộ cũng mất đến ba trăm ngàn đồng. Hết giờ phát điện, ông Hưng đành thắp đèn dầu hoặc dùng đèn pin nạp để đi lại trong nhà rồi cũng lên giường sớm.

Được như gia đình con cái ông Hưng là hiếm. Trên dòng nước của ngòi Ngần và khe Long Mạnh chảy ra hồ Thác Bà, người dân đã đầu tư trên dưới 10 máy điện nước nhưng cái nào cũng đang chống máy chờ nước, có chỗ máy đã tháo bỏ. "Bà con làm thủy điện như kiểu Trung Quốc đấy! Máy ở dưới dùng năng lượng nước ở máy phía trên đổ xuống, cuối cùng là Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Cũng có lúc thủy điện quốc gia còn thiếu nước, nói gì mấy cái máy này!" - Phó chủ tịch UBND xã Bảo Ái - đồng chí Nguyễn Trung Sơn cùng mấy anh cán bộ đưa chúng tôi vào sâu trong thôn đùa vui như vậy.

Các phương tiện nghe nhìn trong gia đình người dân ở Ngòi Ngần, Vĩnh An và một số thôn khác đều sử dụng nguồn điện ắc quy.

Mấy năm gần đây, người dân được hưởng lợi từ "công nghệ" kích điện nguồn ắc quy. Dùng tiết kiệm song mấy hôm lại phải khiêng đi nạp cũng vất vả lắm! Mà không phải nhà nào cũng có tiền để mua ắc quy vì Ngòi Ngần còn trên 90% số hộ nghèo và nằm trong số 6 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Bảo Ái.
Không điện - trở lực trong giảm nghèo

Xã Bảo Ái có 2.026 hộ với gần 8.500 khẩu, trong đó người Kinh chiếm 44%, còn lại là người Dao, Tày, Nùng. Địa phương còn tới 717 hộ nghèo, chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không điện, thiếu thông tin, sinh hoạt trong "tối tăm", đời sống của người dân trở nên khó khăn, thiếu thốn mọi bề.

Ở thôn Ngòi Ngần cũng vậy. Đi lại vốn dĩ đã khó khăn, dưới ánh đèn leo lét, sự học của cô con gái lớn trong gia đình chị trưởng xóm Làng Ven - Triệu Thị Gìu đành dừng lại ở bậc tiểu học. Thức thời, tiến bộ nên vợ chồng chị đã gửi con gái út về huyện học hành cho tử tế. Cũng may là gia đình chỉ có hai con chứ như vợ chồng Triệu Văn Thiên - Trương Thị Khôi bên hàng xóm có tới 7 người con thì chắc vợ chồng anh chị cũng chịu, không lo nổi.

"Bọn trẻ ở thôn đi học khổ lắm nhưng đã biết ký thay bố mẹ rồi" - Trưởng thôn Lê Thế Vinh kể về cái chuyện chủ hộ trên dưới ba chục tuổi mà độc biết ký mỗi tên mình hoặc điểm chỉ để vay vốn ưu đãi thì quả không phải là chuyện thường. Cái xóm Làng Ven của thôn Ngòi Ngần ở trên một đảo hồ có 12 hộ dân. Biệt lập, điện không, đèn dầu dùng hạn chế, nhà nào sắm được chiếc ti vi có chăng biết hơn chút ít tin tức. Khi chương trình "đọc truyện đêm khuya" đến sớm, dân số tăng là điều chính quyền muốn ngăn lại cũng gặp không ít khó khăn.

Trưởng thôn Ngòi Ngần Lê Thế Vinh luôn tay dùng quạt trong khi trò chuyện với khách.

Mấy năm trở lại đây, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cái nghèo khó do đẻ nhiều và sinh con thứ ba ở Ngòi Ngần không còn. Tuy nhiên, việc học tập của con em đồng bào vẫn chưa hết những trở ngại mà ánh sáng điện giúp cho ôn luyện bài vở có lẽ là trở ngại đầu tiên. Người dân trong thôn có biết được chuyện này, chuyện khác cũng do truyền miệng. Không điện, không đài, người dân thiếu thông tin và công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đồng bào đương nhiên khó khăn. Chưa kể đến nếu muốn đầu tư mua máy móc chế biến nông - lâm sản hay phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình chắc cũng đành phải chờ có điện…

Giống như Ngòi Ngần, thôn Vĩnh An cũng đi lại hết sức khó khăn. Cả thôn có 43 hộ dân tộc Dao nhưng chưa hộ nào được dùng điện lưới quốc gia. Thôn Ngòi Kè trên 50 hộ cũng chưa được kéo điện nhưng còn có chút hy vọng khi Nhà nước mới đầu tư thêm một trạm chống quá tải ở thôn Tân Lập gần nơi ở của những hộ dân này.

Thôn Ngòi Nhầu có trên 70 hộ người Dao và người Nùng thì mới có khoảng 30% - 40% số hộ tự mua dây kéo điện song tuyến dài nên đến giờ cao điểm thì điện của Nhà nước "hiền lắm". "Hiền lắm" vì điện yếu đến mức sờ vào dây hở mà không bị giật - thật đáng hãi!

Theo báo cáo, đầu nhiệm kỳ trước, trong 16 thôn của xã, các thôn đặc biệt khó khăn có trên 50% số hộ nghèo, giờ luôn ở mức 60% - 70% bởi tính theo tiêu chí mới. Thôn Ngòi Ngần, Vĩnh An chắc chắn phải có tỷ lệ trên 90% số hộ nghèo. Trong số đó, 5 thôn chưa có điện. Sau 5 năm "nỗ lực kiến nghị", thôn Ngòi Ngù đã được hạ trạm biến áp và có điện. Lưới điện nông thôn của xã cơ bản đã được cải tạo.

Lãnh đạo xã Bảo Ái cho biết, đến thời điểm giữa tháng 5 năm 2012, hai thôn Ngòi Ngần và Vĩnh An hoàn toàn chưa có điện lưới, thôn Ngòi Kè còn gần năm chục hộ, thôn Ngòi Nhầu chừng ba chục hộ không biết đến điện lưới quốc gia. Như vậy, Bảo Ái có không dưới 200 hộ đang mong mỏi chờ điện từng ngày. Câu chuyện này thật lạ ở ngay bên công trình thủy điện nổi tiếng một thời!

Người dân vẫn chờ điện...

Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái Nguyễn Trung Sơn nghe giới thiệu về chiếc máy phát điện dùng chung của 5 hộ gia đình ở thôn Ngòi Ngần.

"Cho chúng tôi điện, bảo gì chúng tôi cũng làm!" - ông Đặng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái và Trưởng thôn Lê Thế Vinh cứ nhắc đi nhắc lại lời của bà con trong cuộc họp thôn ở Ngòi Ngần. Bà con mong điện không bởi xưa họ đã nhường phần đất cha ông để xây dựng nhà máy mà còn mong để điều kiện học hành của con em mình thêm phần thuận lợi, rồi cũng để cho cuộc sống bớt đi tối tăm.

Thực tế, người dân ở những nơi đang chờ điện vẫn luôn tin yêu và một lòng theo Đảng. Khó khăn như thế nhưng họ vẫn trồng rừng, vẫn tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, biết cùng nhau giữ đường và đóng góp xây dựng hội trường thôn… "Đây là đề nghị chính đáng của đồng bào và từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã có nhiều động thái, thông qua các chương trình dự án, thông qua các đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội để kiến nghị với Nhà nước" - Chủ tịch Hải nói.

Đã có cuộc khảo sát, xem xét địa bàn nhưng đến bao giờ người dân nơi đây được dùng điện quốc gia là câu hỏi chưa thể trả lời. Dẫu biết "điện" đứng đầu trong xây dựng kết cấu hạ tầng: điện - đường - trường - trạm nhưng nguồn vốn đầu tư hết sức khó khăn, Chính phủ đang phải thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế. Còn ngành điện thì càng không thể bỏ vốn cho những dự án không được coi là "to tát" này bởi một lý do đơn giản: đầu tư kinh doanh phải bảo toàn vốn.

Người dân ở đây đã chờ điện gần 20 năm. Chắc chắn, đồng bào sẽ chờ để mong đến một ngày ước mơ của mình trở thành sự thật: có điện lưới quốc gia.

Quang Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục