“Cây ngô đa lợi ích”

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/6/2012 | 9:46:28 AM

YBĐT - Nhiều nhà như ông Thào A Giao, Thào A Chảy... đã biết trồng ngô theo hướng thâm canh nên dù đất ít hơn so với nhiều nhà khác nhưng mỗi hộ vẫn thu từ 4 đến 5 tấn ngô hạt/năm. Với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg thì một năm họ sắm được 2 chiếc xe máy.

Cán bộ đơn vị cung ứng giống ngô trao đổi về giống AG59 đang trồng thực nghiệm tại Trạm Tấu.
Cán bộ đơn vị cung ứng giống ngô trao đổi về giống AG59 đang trồng thực nghiệm tại Trạm Tấu.

Những ngày hè này, đứng ở bất kỳ xã nào của huyện vùng cao Trạm Tấu, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía đều thấy màu xanh bát ngát của ngô. Kế hoạch của huyện trồng ngô vụ xuân hè là 2.580ha nhưng căn cứ vào số giống cấp cho dân, có thể diện tích đạt cao hơn. Sở dĩ bà con đẩy mạnh trồng ngô vì nó đã thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, chủ trương phát triển cây ngô còn được huyện coi như khâu đột phá trong thay đổi tập quán canh tác và là giải pháp quan trọng vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa giữ được rừng nên mọi người thường gọi vui đó là"cây ngô đa lợi ích".

Diện tích tự nhiên của huyện Trạm Tấu rộng tới trên 76.600ha, dân số chỉ có khoảng 26.500 người, trong đó dân tộc Mông chiếm 77%. Tuy mật độ dân cư rất thưa thớt nhưng nhìn các triền núi mới thấy sức tàn phá đất rừng từ bao đời nay để làm nương thật khủng khiếp.

Đơn cử như thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng với 84 hộ dân, trên 430 nhân khẩu nhưng chỉ có 14ha ruộng bậc thang, còn diện tích ngô đồi khoảng 180ha, chưa kể đến diện tích trồng lúa nương, sắn, chè. Đất nương nhiều nhưng vùng bà con người Mông vài năm về trước tỷ lệ hộ đói vẫn khá cao vì đất chủ yếu trồng lúa nương, ngô giống cũ nên năng suất thấp lại hay mất mùa. Thôn Làng Mảnh chính là ví dụ sống động nhất cho thực trạng này. Ba năm trước đây, thôn vẫn còn tới 24 hộ đói. Cái đói khiến người Mông thường nghĩ "muốn no cái bụng thì phải làm nhiều nương", làm nhiều nương thì ắt phải xâm phạm đất rừng, gây cháy rừng, lũ lụt, biến đổi khí hậu...

Từ thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện những năm gần đây xác định phải có một quyết tâm lớn trong thay đổi tập quán canh tác và cơ cấu giống cây trồng cho bà con và cây ngô chính là đối tượng đầu tiên được lựa chọn. Để cụ thể hóa quyết tâm này, huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ngô nhưng từ nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống quả không hề đơn giản.

Diện tích đất ngô chủ yếu nằm trong địa bàn đồng bào Mông sinh sống, rào cản lớn nhất là tâm lý của bà con bao đời trồng lúa nương, ngô nếp để ăn và chỉ trồng một vụ vào tháng 4, nay chuyển sang trồng ngô mới để chăn nuôi, làm hàng hóa, lại trồng sớm hơn thì đó quả là một việc vô cùng khác lạ. Hơn nữa, phải đưa giống ngô nào vào trồng cho phù hợp? Lực lượng cán bộ kỹ thuật có đáp ứng đủ số lượng về cơ sở hướng dẫn bà con sản xuất? Và điều lo lắng nhất, nếu như thất bại trong sản xuất thì về sau sẽ rất khó trong việc vận động bà con thực hiện thay đổi tư duy canh tác.

Hạ quyết tâm trước những khó khăn, cùng với việc vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu giống ngô, mùa vụ, huyện yêu cầu đội ngũ đảng viên ở cơ sở phải gương mẫu đi đầu trong triển khai nghị quyết. UBND tỉnh cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt với huyện thông qua nhiều biện pháp hỗ trợ, nhất là tăng cường cho huyện lực lượng cán bộ nông nghiệp đủ về tận xã, bản làm công tác khuyến nông.

UBND huyện chủ động mời gọi nhiều đơn vị chuyên sản xuất, cung ứng giống ngô lên cùng trồng thực nghiệm ở nhiều địa bàn khác nhau. Quá trình thực nghiệm khá công phu, qua đó Trạm Tấu đã xác định được bộ cơ cấu giống phù hợp với đặc thù đất đai, khí hậu như giống Bi-ô -xít 9698, giống C919, giống AG59.

Ông Phan Tuấn Ngọc - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: "Để người nông dân vùng cao có được những giống ngô tốt, Trạm Khuyến nông vẫn đang tiếp tục trồng thực nghiệm một số giống khác như: B21, NK430, NK66, DK9955, DKC619... và huyện chỉ chấp nhận những đơn vị cung ứng giống đến trồng thực nghiệm phải thật sự tâm huyết vì cuộc sống của người dân vùng cao".

Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện thì các giống ngô mới đang trồng đại trà đều thể hiện được những đặc tính ưu việt như chống chịu bệnh, rét, hạn, năng suất cao, nhất là giống AG59 có khả năng cho hai bắp rất lớn nếu thời tiết thuận lợi, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. Đồng thời, giống ngô mới còn có ưu điểm trồng rải vụ trong một thời gian dài nên người dân không bị sức ép thời vụ cũng như thời gian thu hoạch.

Được cùng Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Giàng A Câu và lãnh đạo các ngành phụ trách xã đi nắm tình hình sản xuất ngô, chúng tôi chứng kiến bao câu chuện thật thú vị. Ông Lường Văn Sách, dân tộc Thái  ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu nói rằng: "Thôn mình chủ yếu trồng lúa nên nhà ít đất chỉ trồng được khoảng 6 cân ngô giống chứ nếu có nhiều đất mà trồng ngô thì kinh tế chắc chắn sẽ tốt hơn. Người Mông ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ cũng có ruộng nhưng từ ngày chú trọng trồng ngô thì đời sống ổn định hơn nhiều.

Đặc biệt, nhiều nhà như ông Thào A Giao, Thào A Chảy... đã biết trồng ngô theo hướng thâm canh nên dù đất ít hơn so với nhiều nhà khác nhưng mỗi hộ vẫn thu từ 4 đến 5 tấn ngô hạt/năm.

Với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg thì một năm họ sắm được 2 chiếc xe máy”. Đến thôn Làng Mảnh sau hai giờ leo núi, sau khi đi thăm những nương ngô tươi tốt, ăn bữa cơm cùng với bà con tại nhà trưởng bản, lại được nghe bao câu chuyện xoay quanh chủ đề về ngô, nhất là những ý kiến của bà con về kỹ thuật để khuyến nông viên Đinh Văn Cường giải đáp. Anh Cường bảo rằng qua nhiều năm theo dõi và hướng dẫn cơ sở thì lực lượng khuyến nông viên xác định được giá trị kinh tế của cây ngô cao gấp 4 lần so với cùng diện tích trồng lúa nương và cao gấp 2 lần so với trồng lúa nước ở chân ruộng bậc thang kém hiệu quả.

Nghe anh Cường nói vậy, trưởng bản Vàng A May phấn khởi khoe: "Vì thế mà Làng Mảnh giờ mới không còn hộ đói". Anh chỉ tay về phía những người hàng xóm đang cùng vui bữa cơm và nói tiếp: "Hờ Chờ Giàng, Vàng Mao Tồng, Vàng Vảng Ninh, Hờ A Cá, Vàng Chờ Tủa... trước đây cũng rất khó khăn nhưng giờ đã khá hơn vì bán ngô mua gạo. Còn cả thôn vụ này chắc chắn có khoảng nghìn tấn lương thực từ ngô”.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con người Mông ở Trạm Tấu chăm sóc ngô.

Sau bữa cơm đầm ấm trên bản người Mông thôn Làng Mảnh, cả chủ và khách cùng nắm tay hát vang bài ca "Người Mèo ơn Đảng", "Bài ca trên núi". Tiếng hát vang vọng niềm vui vào từng vách núi rồi chúng tôi chia tay bà con khi cơn mưa rào dần tạnh. Đường dốc, trơn trượt, mưa nhưng ai nấy đều vui vẻ khi nghe Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Giàng A Câu cùng nhiều thành viên trong đoàn cho rằng đó là "những cơn mưa trời phú".

Sở dĩ như vậy là bởi vừa qua, tiết trời nắng nóng kéo dài đúng độ cây ngô đang phát triển hoặc chuẩn bị trổ cờ nhưng gần đây, trời lại liên tục mưa rào nên ngô đồi đã chắc ăn. Đi giữa trời mưa với những gì được thấy, được nghe trong hành trình công tác, tôi chợt nghĩ "cây ngô đa lợi ích" đã thành công ở Trạm Tấu như còn nhờ sự hội tụ của các yếu tố: thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Nhiều người nhẩm tính nếu làm tròn diện tích 2.600ha ngô nhân với năng suất 3 tấn/ha thì vụ này huyện có khoảng 8.000 tấn ngô hạt. Gần 1.000ha lúa xuân của huyện Trạm Tấu năm nay cũng rất tốt, nhất là 150ha lúa đặc sản ĐS1 được cán bộ chuyên môn dự ước năng suất không dưới 8 tấn/ha.

Vậy nên, Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh nhận định: “Với đà sản xuất như hiện nay thì việc tự cân đối lương thực của Trạm Tấu không còn đáng lo ngại. Riêng với cây ngô thì trong những năm tới sẽ phát triển thuận lợi hơn nhiều do hiệu quả kinh tế đã rõ. Đồng thời, người dân rất phấn khởi khi được khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa nương, ruộng bậc thang kém hiệu quả sang trồng ngô sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Đáng mừng hơn cả là dân mình sản xuất ổn định nên đã hạn chế xâm canh đất rừng và khai thác lâm sản trái phép, do đó, mùa khô hai năm gần đây không để xảy ra cháy rừng. Dân mình no bụng, chắc chắn sẽ càng để tâm lo lắng đến những chuyện lớn hơn trong cuộc sống như học hành, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt và nghĩ cách làm giàu. Đặc biệt, niềm tin của bà con với Đảng bộ, chính quyền ngày một vững vàng hơn trong việc đưa chủ trương, chính sách vào thực tế đời sống ở vùng cao…”.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục