Những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa: Ai hiểu họ!
- Cập nhật: Thứ hai, 1/7/2013 | 3:19:42 PM
YBĐT - Sau mỗi buổi lễ, trên khoảng sân vắng lặng, họ lại cần mẫn tháo từng chiếc băng rôn, khuân vác từng chiếc loa, từng tấm biểu ngữ đưa về vị trí trong kho, thu dọn sân khấu, sân trường, quét tước vệ sinh gọn gàng để cho ngày mai, mọi thứ lại được trả về với những gì vốn có của nó.
Treo băng rôn và trang trí kỳ đài phục vụ buổi lễ.
|
Những gì được thấy
Nhân dịp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng “Tháng công nhân” năm 2013 tại huyện Lục Yên, tôi được lãnh đạo giao nhiệm vụ chỉ đạo LĐLĐ huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện đảm nhiệm việc tuyên truyền, trang trí khánh tiết, văn nghệ phục vụ cho lễ hưởng ứng. 3 ngày làm việc với “các chiến sỹ trên mặt trận văn hóa” huyện Lục Yên khiến tôi thêm hiểu và yêu quý họ hơn.
Đầu tiên khi bước chân vào hội trường Trung tâm văn hóa, bắt gặp những ánh mắt và nụ cười thân thiện của các anh, các chị là những cán bộ, viên chức của Trung tâm nhưng trên khuôn mặt của họ không giấu được sự mệt mỏi. Hỏi ra mới biết, các anh, các chị vừa đi làm giám khảo và chỉ đạo tổ chức “Hội diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc” tại các xã, thị trấn trong huyện, cứ 2 năm tổ chức một lần. Đêm qua 1 giờ mới về đến nhà, sáng nay đã bắt tay ngay vào việc luyện tập một chương trình văn nghệ 30 phút chào mừng lễ hưởng ứng “Tháng công nhân” do LĐLĐ tỉnh tổ chức.
Chỉ trong ít phút, tôi thấy mỗi người vào một vị trí, các anh, các chị bước lên sân khấu chạy thử chương trình cho chúng tôi duyệt, bao nhiêu sự mệt mỏi đã tan biến hết để dành chỗ cho những lời ca tiếng hát ngọt ngào, với những tiết mục văn nghệ, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, ca ngợi tổ chức công đoàn và người lao động.
Buổi chiều, tôi đến vị trí sân tập kết lực lượng cho buổi lễ để chuẩn bị mọi điều kiện cho khai mạc vào sáng hôm sau. Cũng vẫn những con người ấy, họ lại cùng nhau mang vác các đồ dùng, vật dụng phục vụ cho buổi lễ. Nào tăng âm, nào loa, mic, nào đàn, nào phông, nào băng rôn, tượng Bác, nào biểu ngữ... lúc này những “người chiến sỹ ” ấy lại trở thành những chàng “cửu vạn” và những người thợ lành nghề kê bục sân khấu, treo phông, băng rôn, khẩu hiệu nơi kỳ đài cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt như những con ong thợ.
Anh Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm cho tôi biết: “Tất cả mọi việc cũng chỉ tập kết ở đây và chuẩn bị đến nửa chừng thôi bởi còn đề phòng nếu đêm nay trời mưa thì mọi công sức của anh em sẽ đổ ra sông ra biển hết, mọi công việc còn lại phải để đến 6 giờ sáng mai mới tiếp tục hoàn thiện”.
Tôi hỏi anh: “8 giờ mới khai mạc sao phải làm từ 6 giờ?". Anh cười hiền: “Phải làm từ 6 giờ để 6 giờ 30 phút, mọi việc đã xong xuôi, những “con ong thợ” này lại phải vào trong để chuẩn bị trang phục, trang điểm và sẵn sàng cho chương trình văn nghệ chào mừng buổi lễ". Tôi nghe mà trong lòng không khỏi ngưỡng mộ và khâm phục những con người này, họ đang miệt mài cống hiến không một lời kêu ca và hình như đã thành lẽ thường rồi, cứ thế mà làm thôi.
Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi, anh Tuấn chia sẻ tiếp: "Mỗi tháng huyện tổ chức trên dưới 10 hội nghị hay các cuộc mít tinh như thế này, tất cả anh em ai vào việc nấy, không bao giờ biết đòi hỏi điều gì. Có buổi huyện tổ chức tiếp nguyên thủ quốc gia, kế hoạch không được báo trước, anh em kể cả đêm hôm gió rét vẫn cứ “xông pha ta ra trận” để đảm bảo nhiệm vụ chính trị của địa phương".
Tôi hỏi thêm về chế độ đãi ngộ đối với các anh các chị như thế nào, Chủ tịch Công đoàn của Trung tâm Nguyễn Khắc Thắng bùi ngùi chia sẻ: "Anh em chỉ được hưởng mức lương chính theo ngạch bậc, ngoài ra không có thêm một khoản phụ cấp, không có một khoản thu nhập nào khác. Như tôi đây công tác trên 20 năm nhưng với mức lương chỉ trên 4 triệu đồng/tháng. Mức lương bình quân của anh chị em trong Trung tâm chỉ vẻn vẹn 3 triệu đồng một người một tháng thôi, đời sống còn nhiều khó khăn lắm!".
Tôi hỏi tiếp: "Thế các anh các chị đi làm thứ Bảy, Chủ nhật thế này, hoặc có lúc phải làm đêm có được hỗ trợ làm thêm giờ không?" Anh Thắng trả lời: "Do nguồn ngân sách hạn hẹp, anh em chỉ được lãnh đạo bố trí cho nghỉ bù thôi, mà nghỉ bù thì anh em chẳng muốn chút nào, chỉ muốn có thêm đồng thu nhập để trang trải cuộc sống chứ nghỉ bù thì anh em biết làm gì, bởi tất cả thời gian và công sức đã cống hiến cho sự nghiệp rồi còn biết làm thêm gì ở ngoài bây giờ nữa. Do đời sống quá khó khăn mà không giữ chân được người tài, đã có cán bộ rất tài năng từng công tác ở đây nhưng họ đã bỏ nghề rồi, Trung tâm cũng không giữ chân được họ, cán bộ công đoàn ạ!".
Những lời ca tiếng hát ngọt ngào mà sâu lắng, những khúc nhạc hùng hồn đang vang lên trên khán đài, gần một nghìn con người lắng nghe và thưởng thức các tiết mục văn nghệ trong lễ hướng ứng “Tháng công nhân” năm 2013 do LĐLĐ tỉnh tổ chức. Họ đâu biết được rằng, đằng sau những khuôn mặt rạng ngời ấy, đằng sau những bước đi uyển chuyển ấy là cả những trăn trở lo toan cho cuộc sống. Không chỉ chào mừng bằng một chương trình văn nghệ 30 phút mà họ còn luôn trong tư thế sẵn sàng đáp ứng các tiết mục văn nghệ xen kẽ khi giải lao hoặc khi có yêu cầu của ban tổ chức chương trình.
Buổi lễ kết thúc, trên khoảng sân vắng lặng, họ lại cần mẫn tháo từng chiếc băng rôn, khuân vác từng chiếc loa, từng tấm biểu ngữ đưa về vị trí trong kho, thu dọn sân khấu, sân trường, quét tước vệ sinh gọn gàng để cho ngày mai, mọi thứ lại được trả về với những gì vốn có của nó.
Sau khi trang trí sân khấu, kỳ đài, họ lại trở thành những diễn viên rất chuyên nghiệp phục vụ chào mừng buổi lễ.
Và những suy tư trăn trở
Buổi lễ hưởng ứng hoạt động “Tháng công nhân” đã thành công tốt đẹp và mang nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Chia tay các cán bộ viên chức Trung tâm Văn hóa huyện Lục Yên ra về, lòng tôi nặng trĩu những suy tư. Muôn vàn những câu hỏi vì sao cứ ngân lên trong lòng. Mỗi một ngành nghề có những đặc thù riêng, đều có những chế độ ưu đãi riêng với cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành, như ngành giáo dục họ được hưởng phụ cấp ưu đãi đứng bục giảng, phụ cấp thâm niên nghề, ngành y tế họ cũng được hưởng phụ cấp theo chức năng và công việc cụ thể, ngành thuế, ngành tư pháp..., rồi các cơ quan Đảng, đoàn thể được hưởng phụ cấp khối Đảng, đoàn thể; là cán bộ công chức được hưởng phụ cấp công vụ;...
Vậy, tại sao những cán bộ ngành văn hóa, những người đang ngày đêm là lực lượng nòng cốt giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo nghị quyết của Đảng, ngày đêm miệt mài cống hiến cho những nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội của địa phương, chăm lo vun đắp cho nền văn hóa các dân tộc tại mỗi địa phương xã, phường để làm nên màu sắc văn hóa Việt Nam lại không được hưởng bất kỳ một chế độ ưu đãi nào của Nhà nước. Họ đang làm những công việc vừa đỏi hỏi tính sáng tạo và tài năng trong nghệ thuật, vừa phải đảm nhiệm những công việc nặng nhọc nguy hiểm ở ngoài trời như trèo cao, dãi dầu mưa, nắng, vậy mà không có một chế độ đãi ngộ nào cho họ.
Những cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa huyện lục Yên cũng như các cán bộ, viên chức ngành văn hóa của tỉnh và cả nước nói chung rất mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm, có những chế độ chính sách phù hợp để ổn định và nâng cao đời sống, khích lệ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo trong nghệ thuật để họ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp văn hóa - xã hội, các sự kiện chính trị của mỗi địa phương, nếu được như vậy, họ sẽ hân hoan phấn khởi cùng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động cả nước được thụ hưởng các chế độ ưu việt của Nhà nước ta một cách công bằng, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồng Hương
Các tin khác
YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi là những tập tục đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay. Phong tục này đã khiến các em bé đang ở lứa tuổi cắp sách 15, 16 sớm bị “kéo” về. Vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”…
YBĐT - Em Nguyễn Thu Ngân - học sinh lớp 9, nhà đối diện với điểm BĐVH xã An Thịnh cho biết: “Sách cũ, nhà bẩn mốc, Internet hỏng anh bảo đến làm gì… Mà chẳng riêng gì em, các anh cứ ngồi đây cả ngày cũng chẳng ai đến đâu”.
YBĐT - Mặc dù mới được nâng cấp, sửa chữa nhưng nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 70 đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bị lún sụt, ổ trâu, ổ voi xuất hiện ngày càng nhiều khiến nguy cơ về ùn tắc và tai nạn giao thông luôn ở mức cao. Đây là hệ quả của việc mỗi ngày cung đường này phải “gánh” tới hàng nghìn chiếc xe quá khổ, quá tải. Để hạn chế tình trạng này, giải pháp đặt trạm cân, hạ tải đã được thực hiện nhiều ngày qua nhưng liệu có giải quyết được tận gốc vấn đề?
YBĐT - Ngày nay, nối tiếp truyền thống của thế hệ các mẹ và các chị, nhiều cô gái Mường nơi đây tựa những bông hoa tươi thắm. Trong số ấy phải kể đến chị Hoàng Thị Phượng hiện là Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ). Chị được mọi người cảm phục như một tấm gương mẫu mực về mọi mặt, nhất là tinh thần vượt khó, trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc.