Qua rà soát, trên địa bàn thị xã có 1.106 hộ, 184 ha sản xuất nông nghiệp, 11 km kênh mương có nguy cơ bị ảnh hưởng của ngập lụt; 269 hộ, 47 ha đất nông nghiệp và 2,3 km kênh mương có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi lũ ống, lũ quét; 159 hộ cùng 23,69 km kênh và kè có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi sạt lở bờ suối; 102 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng cao do sạt lở đất đồi; 2.940 hộ và 125 ha sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi lốc xoáy.
Vì vậy, cùng với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, nhất là thời điểm tập trung cao độ phòng chống dịch COVID-19, thị xã vẫn luôn chủ động các biện pháp phòng, chống.
Thị xã đã tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công các công trình trọng điểm phòng, chống mưa lũ trên địa bàn sớm hoàn thiện các hạng mục đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2020 như: kè suối Thia dài 7,67 km, trị giá 179,32 tỷ đồng; kè suối Nung dài 3,52 km, trị giá 49,36 tỷ đồng; kè suối Nậm Tộc dài 0,17 km, trị giá 3,5 tỷ đồng; kè suối Ngòi Nhì dài 0,24 km, trị giá 7,66 tỷ đồng.
Đây là các công trình nằm trong dự án chỉnh trị suối Thia được khởi công từ năm 2019, đến nay, đã hoàn thành góp phần bảo vệ an toàn tính mạng cho các hộ dân và hàng nghìn héc-ta đất ở, đất nông nghiệp ở các khu vực này, giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Đồng thời, công trình sửa chữa cầu treo thôn Bản Xa được đầu tư xây dựng mới hệ thống mặt cầu, dầm ngang, hệ thống cáp treo, hệ giằng gió chống dao động ngang, sửa chữa đường dẫn đầu cầu. Công trình do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư được triển khai từ ngày 20/3/2020, dự kiến xong trong tháng 5/2020. Những ngày này, cùng với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19, các công nhân, kỹ sư vẫn tiến hành làm việc khẩn trương để kịp hoàn thành tiến độ đưa cầu treo Bản Xa vào sử dụng.
Cùng đó, thị xã cũng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tổ chức diễn tập về các tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý, tránh tình trạng bị động, hoảng loạn khi có thiên tai xảy ra; tập trung rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...; tuyên truyền, cảnh báo nhân dân và có phương án ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra; thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến thiên tai để chủ động cảnh báo, thông tin kịp thời đến các xã, phường, thôn, tổ dân phố để chủ động ứng phó kịp thời xảy ra thiên tai.
Thị xã cũng phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công rà soát các công trình đang triển khai thi công trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.
Đối với các công trình thủy lợi, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động tổ chức kiểm tra, phát hiện các công trình hư hỏng để có kế hoạch sửa chữa trước mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình và khu vực dân cư ở vùng hạ lưu. Việc khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên các suối cũng được thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải phóng các vật cản dòng chảy, đảm bảo thông lòng suối, tiêu thoát lũ thuận lợi và nhanh nhất.
Thị xã cũng chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động dự phòng các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện cần thiết để sẵn sàng sơ tán nhân dân, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra.
Thu Hạnh