Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng và thiệt hại lớn do thiên tai gây ra, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Lục Yên xuất hiện 5 đợt dông lốc kèm theo mưa đá, mưa lớn gây sập đổ và tốc mái 52 nhà ở; ngoài ra dông lốc mưa đá gây thiệt hại hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu, cây lâm nghiệp…
Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, UBND huyện Lục Yên đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT–TKCN) huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Đồng thời, ban hành các văn bản về tăng cường công tác phòng chống thiên tai; xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền quán triệt các chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác PCTT - TKCN.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có 1.000 hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất. Trong đó, 73 hộ sống trong vùng nguy hiểm phải di dời khẩn cấp, năm 2020 đã có 23 hộ đã đăng ký di dời. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, huyện Lục Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động và di dời, sơ tán các hộ gia đình ở khu vực nguy hiểm khi có cảnh báo thiên tai đến khu vực an toàn.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Huyện đã chủ động kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng các tuyến đê, các hồ đập trên địa bàn; lập phương án đảm bảo an toàn cho các trọng điểm xung yếu. Huyện cũng đề xuất với tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình thuộc diện di dời ra khỏi vùng nguy hiểm; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cải tạo công trình phòng chống thiên tai là công trình thủy lợi hồ Nà Khà xã Minh Xuân và công trình liên hồ Từ Hiếu - tuyến kênh cấp I thôn Làng Mường và thôn Trung Tâm thuộc địa bàn xã Vĩnh Lạc; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.
Trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá gây thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, thiên tai đã làm cho 1 người chết, 14 người bị thương, hư hỏng 6.050 căn nhà; thiệt hại trên 1.071 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 1.240 con gia súc, gia cầm; 36 công trình cơ sở hạ tầng bị tốc mái, hư hỏng và thiệt hại tài sản khác... Ước tính thiệt hại khoảng 43 tỷ đồng.
Trước những diễn biến phức tạp của thời thời tiết, công tác phòng chống thiên tai luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tỉnh đã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tỉnh chỉ đạo, triển khai khẩn trương, quyết liệt, kịp thời.
Riêng công tác tái định cư, chuyển hướng từ tái định cư theo dự án tập trung quy mô lớn sang hình thức tái định cư xen ghép, đảm bảo nhanh, kịp thời, phù hợp với tập tục, thói quen sinh sống, canh tác của người dân; đồng thời, dễ huy động các nguồn lực xã hội hóa, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, tỉnh đã sắp xếp ổn định cuộc sống cho trên 2.240 hộ dân; hỗ trợ khắc phục, di dời an toàn trên 2.285 nhà bị ảnh hưởng; khắc phục trên 110 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Tổng kinh phí đã huy động trên 945,767 tỷ đồng.
Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường, phức tạp hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, dông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất xảy ra cường độ dày hơn, mức độ nguy hiểm hơn.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, ngành chức năng lập phương án và thực hiện các giải pháp để phòng tránh, ứng phó với thiên tai; xây dựng các phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai; tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai, Chỉ thị số 05 của UBND tỉnh ngày 26/3/2020 về tăng cường công tác PCTT-TKCN năm 2020 trên địa bàn tỉnh; các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai của Trung ương, tỉnh.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai đảm bảo chi tiết, cụ thể hóa, sát thực tế, nhất là việc đảm bảo hậu cần vật chất, phương tiện; bố trí tái định cư; thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, tuyên truyền về PCTT-TKCN; kiểm tra quan trắc và khắc phục, gia cố kịp thời các hệ thống hồ, đập thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại các công trình hạ tầng khi có thiên tai...
Bên cạnh sự chủ động của tỉnh, ngành chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thường xuyên nắm bắt, theo dõi sát sao các bản tin thời tiết, bản tin cảnh báo thiên tai của ngành chuyên môn để có biện pháp ứng phó. Hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng không vì thế mà chủ quan, phải có kế hoạch phòng, tránh, tuyệt đối không sinh sống, làm nhà, làm lán trại ở những điểm nguy hiểm như bờ sông, bờ suối, dưới taluy; thực hiện gia cố lại nhà ở tại những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.
Hồng Duyên