Thời gian qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão đã xuất hiện nhiều đợt mưa; đặc biệt, từ ngày 13 - 19/8, trên địa bàn huyện Văn Yên liên tục có mưa vừa, mưa to đến rất to kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Hồng dâng cao và lũ tại một số khe suối đã gây ngập úng nhiều điểm giao thông, diện tích sản xuất nông nghiệp, nhiều tuyến đường sạt lở ta luy âm, dương và hàng chục hộ phải di dời khẩn cấp.
Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng những dư chấn của tình trạng sạt lở ta luy dương tại Km 4 + 900, đường An Bình - Lâm Giang vẫn còn đó. Mặc dù phía mặt đường, bùn đất đã được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương hót gạt ngay sau đó nhằm bảo đảm giao thông nhưng hàng trăm nghìn mét khối đất từ phía trên luôn có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào khi có mưa bão, đe dọa tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân khu vực này.
Ông Lê Cao Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Trong đợt mưa lũ vừa qua, có một số tuyến đường liên thôn bị sạt lở và diện tích lúa, rau màu bị ngập nhưng nhờ chủ động phương tiện, lực lượng tại chỗ, xã đã kịp thời khắc phục các thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay, tại điểm sạt lở ở thôn Khe Trang, Km 4 + 900, đường An Bình - Lâm Giang nguy cơ sạt lở là rất lớn khi nền đất đã tụt so với ban đầu 1,5 m, tạo ra vết nứt rộng 40 cm và dài khoảng 200 m, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 7 hộ dân với trên 30 nhân khẩu”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Văn Yên, trong đợt mưa bão vừa qua, các tuyến tỉnh lộ 166, 163 và đường liên xã, liên thôn có hàng chục điểm ngập úng, sạt lở ta luy âm, dương khiến giao thông tại nhiều thời điểm bị ách tắc cục bộ…
Đặc biệt, tại tuyến đường Yên Hợp - Yên Phú, tại thôn Giàn Khế, xã Yên Phú nước lũ đã làm sạt lở ta luy âm dài 20 m, lấn vào đường 1 m; tại thôn Thống Nhất, xã Yên Hợp, mưa lũ làm sạt lở ta luy âm, cuốn bay cống hộp chia cắt ngang mặt đường. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ tổ chức hót gạt các điểm sạt lở; đồng thời, căng dây, cắm biển cảnh báo tại các điểm ngập úng, sạt lở ta luy âm.
Song song với việc khắc phục thiệt hại về các công trình giao thông, huyện Văn Yên chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát, nắm tình hình mưa lũ để kịp thời di dời các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng về nơi an toàn. Đồng thời, huyện đã thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo công tác ứng phó tại các điểm xung yếu như sạt lở đất, ngập lụt và huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các gia đình nằm trong vùng nguy hiểm di dời người và tài sản về nơi an toàn.
Ông Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện cho biết: "Ngay khi nắm bắt thông tin, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân, đoàn thể vận động, tuyên truyền và hỗ trợ 34 gia đình di dời người và tài sản ở nơi có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt về nơi an toàn. Ngoài ra, đối với hộ ông Bàn Tiến Lán, thôn Tháp Con, xã Viễn Sơn bị sạt ta luy âm, chính quyền xã đã kịp thời huy động dân quân, bà con hỗ trợ dựng lại nhà mới”.
Đối với những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, qua thống kê đến ngày 23/8, mưa lũ cũng làm ngập, thiệt hại 200 ha lúa; 89 ha ngô, rau màu; 8,6 ha cây lâm nghiệp; 18,3 ha thủy sản và 220 con gà, 30 con thỏ, 2 con lợn.
Hiện nay, các xã, thị trấn vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại; trong đó, những diện tích có thể khôi phục thì huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ, vận động, hướng dẫn người dân đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc sau bão lũ; đối với những diện tích không thể phục hồi sẽ chuyển sang trồng ngô; đồng thời, các địa phương cũng đang lập danh sách thiệt hại, báo cáo các cấp có thẩm quyền để đề nghị hỗ trợ.
Hùng Cường