Thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đã tác động tích cực giúp đồng bào các DTTS có sự thay đổi cơ bản về tư duy, ý thức trách nhiệm, giảm hẳn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chủ động, sáng tạo phát huy nội lực, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Nhiều địa phương đưa nội dung phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vào hương ước, quy ước thôn, bản; xác định bảo vệ rừng, môi trường sinh thái là bảo vệ cuộc sống của chính mình và của cộng đồng.
Có thể thấy, những năm qua, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng cao, vùng đồng bào DTTS thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình 135; Chương trình 30a; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi…
Tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách về hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra; chính sách về bảo vệ và phát triển rừng...
Với việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo của các địa phương đã phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng gắn với định canh định cư, giao đất ở, đất sản xuất để cộng đồng và các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, giảm nhẹ thiên tai.
Theo đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái với các loại cây trồng phù hợp, có thế mạnh như: quế 78.000 ha, tre măng Bát độ trên 6.000 ha, sơn tra gần 10.000 ha, chè 8.000 ha, dâu tằm 1.000 ha, các loại cây ăn quả gần 10.000 ha...
Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra. Tốc độ phát triển kinh tế trên một số lĩnh vực còn chậm, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
Vẫn còn tình trạng di cư tự phát, phát rừng làm nương rẫy. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn diễn biến phức tạp, nhất là gây ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản và chế biến nông, lâm sản; thời tiết biến đổi cực đoan, rét đậm, rét hại kéo dài, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản..., ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Yên Bái, trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo ông Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cần lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khuyến nông, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đề phòng rủi ro vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của tỉnh Yên Bái theo hướng "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” theo Nghị quyết số 88/2019 của Quốc hội, ưu tiên tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư ở những vùng xung yếu, có nguy cơ rủi ro cao do tác động của biến đổi khí hậu đến nơi an toàn; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm, nhà ở… phục vụ sản xuất, đời sống. Tập trung huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc vay vốn phát triển sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế, trình độ, phong tục tập quán từng dân tộc, từng vùng, tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS được tiếp cận khoa học kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh tiên tiến, hiệu quả, tạo sinh kế, tăng thu nhập phát huy nội lực, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục đi đôi với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế liên kết vùng trong bảo vệ phát triển rừng, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Minh Thúy