Thời gian gần đây, thiên tai diễn biến không tuân theo quy luật, cực đoan và khó lường. Đáng chú ý, hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 18 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá, mưa lớn và ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa và hoa màu.
Cụ thể đã có 2 người chết: đêm ngày 22/4, bà Giàng Thị Xáy, 42 tuổi ở bản Hú Chù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải bị sét đánh và anh Mùa A Tráng, sinh 1987 ở thôn Pa Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu bị lũ cuốn trôi khi đi qua suối Nậm Đông ngày 14/10; 16 người bị thương, trong đó 6 người bị thương do sét đánh, 8 người do vật liệu va đập vào người, 1 người do sạt lở đất và 1 người bị thương trong quá trình huy động tham gia cứu hộ khắc phục thiệt hại do dông lốc gây ra.
Thiên tai đã làm cho trên 7.770 ngôi nhà và trên 3.450 ha hoa màu bị thiệt hại; nhiều công trình công cộng, hệ thống lưới điện và viễn thông bị ảnh hưởng nặng. Mưa bão đã khiến nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng, ngập gây ách tắc giao thông, ước tổng giá trị thiệt hại 116.780 triệu đồng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái, từ nay đến cuối năm, xu thế nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục lạnh đi và được xác định hiện tượng La Nina đã xuất hiện; trên khu vực biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Tháng 10 đến đầu tháng 11 và cuối tháng 2 đến tháng 4 là thời gian chuyển mùa nên đây là thời kỳ thường hay xảy ra tố lốc, gió giật mạnh, mưa đá nhất là khi có không khí lạnh tràn về nén rãnh áp thấp, kết hợp với hội tụ gió trên cao ảnh hưởng xấu đến thời tiết tỉnh Yên Bái.
Từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021, có khoảng 21 - 23 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến thời tiết Yên Bái. Lượng mưa các tháng ở mức xấp xỉ cao hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, tháng 11/2020 - 3/2021, mỗi tháng có 1 đợt mưa vừa, tháng 4 có 2 - 3 đợt mưa vừa; tổng lượng mưa toàn mùa 300 - 400 mm; phía Tây 200 - 300mm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, dông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất xảy ra cường độ dày hơn, mức độ nguy hiểm hơn.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, ngành chức năng thực hiện các giải pháp để phòng tránh, ứng phó với thiên tai; xây dựng các phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai; tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật PCTT; các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai của Trung ương, tỉnh.
Cùng đó, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, phương án PCTT đảm bảo chi tiết, cụ thể hóa, sát thực tế, nhất là việc đảm bảo hậu cần vật chất, phương tiện; bố trí tái định cư; thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, tuyên truyền về PCTT - TKCN; kiểm tra, quan trắc và khắc phục, gia cố kịp thời các hệ thống hồ, đập thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân.
Làm tốt việc tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần ở từng địa phương, gia đình để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ”, các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và giảm thiểu thiệt hại được đặt ưu tiên hàng đầu. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tỉnh chỉ đạo, triển khai khẩn trương, quyết liệt, kịp thời. 100% các xã, phường, thị trấn đều có các tổ xung kích PCTT, sẵn sàng ứng phó ngay khi thiên tai xảy ra.
Hồng Duyên