Sạt lở đất trước biến đổi khí hậu: Cần có bản đồ phân vùng cảnh báo

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/10/2020 | 10:10:53 AM

Khu vực miền Trung vừa qua đã xảy ra hàng loạt điểm sạt lở đất, trong đó có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Trước biến đổi của khí hậu, nhiều hình thái thiên tai cực đoan xảy ra, việc đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho từng địa phương được đặt ra cấp bách.

Cưa cây mở đường vào xã Trà Leng, huyện Trà My (Quảng Nam) để cứu hộ các hộ dân bị sạt lở đất tối 28.10.
Cưa cây mở đường vào xã Trà Leng, huyện Trà My (Quảng Nam) để cứu hộ các hộ dân bị sạt lở đất tối 28.10.

Cần phân vùng sạt lở từng khu vực

Trao đổi với PV Lao Động, TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (VIGMR) cho biết, các kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy các tỉnh thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có nguy cơ trượt lở đất đá cao nhất. 

Theo kết quả đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa (12 huyện miền núi) và Nghệ An (11 huyện miền núi) được đánh giá có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao.

Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh được đánh giá có nguy cơ trượt lở đất đá cao.

Khu vực tỉnh Bắc Giang có nguy cơ trượt lở đất đá thấp; các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam chưa được đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng. 

Tuy nhiên, theo đánh giá chung dựa trên các kết quả điều tra, khảo sát hiện trạng trượt lở đất đá thì số lượng và mật độ điểm trượt trên địa bàn miền núi các tỉnh này tương đối thấp hơn khu vực miền núi của 15 tỉnh nói trên.

Cũng theo TS Trịnh Xuân Hòa, Bộ TNMT đã xây dựng 2 loại bản đồ thành phần là bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình và ổn định mái dốc (tỉ lệ 1:50.000) phục vụ công tác phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho khu vực 18 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An (năm 2013); Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai (năm 2014); Điện Biên, Sơn La và Hà Giang (năm 2015); Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Bắc Giang (năm 2016); Quảng Ninh và Lạng Sơn (năm 2017); Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (2018).

Đồng thời, xây dựng bản đồ vỏ phong hóa (tỉ lệ 1:50.000; phong hóa là quá trình phá hủy đất đá và các khoáng vật trong đó, dưới tác dụng của thời tiết, chủ yếu là không khí và nước) phục vụ công tác phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho khu vực 17 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An (năm 2014), Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang (năm 2015); Cao Bằng, Bắc Kạn (năm 2016); Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang (năm 2017); Hà Tĩnh, Quảng Bình (2018).

Ứng phó với tình trạng sạt lở đất ngày càng gia tăng

Theo phân tích của TS Trịnh Xuân Hòa, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và khó có thể lường hết được. 

Các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng. 

Trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai như trượt lở đất đá, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa và một số địa phương khác, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

"Để phòng chống hiệu quả sạt lở đất, cần tiến hành phủ xanh đồi núi trọc bằng việc trồng rừng phòng hộ, khôi phục rừng tự nhiên (không trồng rừng để khai thác); hạn chế xây dựng, quy hoạch dân cư tại những khu vực được đánh giá có nguy cơ cao, mật độ trượt lở xảy ra nhiều” - TS Trịnh Xuân Hòa nói. 

Đối với công tác cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cần tiến hành hướng dẫn, tuyên truyền đối với người dân địa phương về ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của trượt lở đất đá khi có cảnh báo cũng như trong mỗi mùa mưa bão. Tiến hành lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm trượt lở đất, lũ quét tại những lưu vực có nguy cơ cao, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, ở Việt Nam, một số biện pháp sau có thể áp dụng tại các khu vực miền núi Việt Nam để bố trí các điểm dân cư tránh vùng nguy hiểm như: Di chuyển nhỏ lẻ các hộ gia đình xen kẽ vào trong các cụm dân cư an toàn, đã sinh sống ổn định. Phương pháp này ít phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cho cụm dân cư, có thể tận dụng được những vùng có diện tích hạn chế để tái bố trí dân cư. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần hỗ trợ sinh kế cho người dân mới chuyển đến.

Các chuyên gia địa chất, môi trường cũng chỉ ra rằng, áp dụng các biện pháp công nghệ để đo vẽ để xác định các khu vực an toàn đối với các tai biến địa chất (trượt lở đất đá, lũ quét, sập sụt, xói lở…) để di dời cả cụm dân cư nằm trong vùng nguy hiểm sang khu tái định cư. Tuy nhiên phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất của địa phương, khả năng xây dựng các công trình mới cho khu tái định cư và hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu tái định cư.

"Đối với những khu vực không còn quỹ đất "an toàn”, chính quyền địa phương và các cơ quan quy hoạch, xây dựng có thể dựa vào các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá và nguy cơ lũ quét, có thể để xác định trước các mức độ nguy cơ cho từng vùng cụ thể. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp xây dựng công trình cụ thể (kè, đập, tường chắn, trồng rừng phòng hộ), nhằm giảm nhẹ cường độ của thiên tai và giảm thiểu rủi ro, thiệt hại” - TS Trịnh Xuân Hòa nêu ý kiến.

(Theo LĐO)

Các tin khác
Thủy điện Rào Trăng 3.

Những ngày qua, người dân miền Trung đã phải gồng mình chống chọi với những trận lũ lụt lịch sử liên tiếp. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai và thời tiết ngày càng cực đoan nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực trạng trên có phần "trách nhiệm" của hàng loạt công trình thủy điện nhỏ...

Hiện trường vụ sạt lở đất ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam sau bão số 9 làm hàng chục người chết và mất tích

Đến tối 30-10, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương báo cáo, có ít nhất 73 người chết và mất tích (trong đó chủ yếu là do sạt lở đất, sạt lở núi). Trong khi mưa lũ đợt 2 đang tới, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu tất cả các tỉnh miền núi phải khẩn trương rà soát lại những nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét.

Mưa to dồn dập ở Hà Tĩnh, đã khiến một số khu vực bị ngập lũ. Ở huyện Cẩm Xuyên xảy ra sạt lở núi tại 2 xã, địa phương này vừa ban hành 7 lệnh sơ tán dân khẩn cấp.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, vào ngày 16/10/2020, tại Km9+530 thuộc tuyến đường liên xã Mường Sang - Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, một lượng lớn đất từ taluy dương sạt xuống đường, cuốn theo một ô tô bán tải của người dân xuống vực.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ban hành công văn số 166/TWPCTT ngày 30/10 về việc tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất bởi thời gian vừa qua diễn biến mưa lớn đã làm khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên chịu thiệt hại lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục