Không chủ quan với bão số 10

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/11/2020 | 9:09:28 AM

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý có lúc bão vào gây thiệt hại không lớn nhưng hoàn lưu bão lại gây thiệt hại rất lớn. Do đó không được chủ quan với bão số 10.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.

Ngày 2-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Goni (bão số 10).

Sẽ mưa lớn, diện rộng

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối 4-11, nước ta bắt đầu bị ảnh hưởng mưa do bão số 10.

Ngày 5-11, bão ảnh hưởng trực tiếp các khu vực Đà Nẵng - Phú Yên với cường độ cấp 8, có thể thấp hơn. Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý mưa lớn hướng vào khu vực vừa chịu thiệt hại nặng nề do bão số 9.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do hoàn lưu bão số 10 kết hợp không khí lạnh tăng cường nên sẽ gây đợt mưa lớn diện rộng.

"Nhận định xa cho thấy Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa trung bình từ 100-200 mm từ tối ngày 4 đến 6-11. Sau đó, mưa dịch chuyển ra Nghệ An, Quảng Trị với lượng mưa 150-300 mm từ ngày 5 đến 7-11" - ông Khiêm thông tin.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết 2 vấn đề trọng tâm cần tập trung với hoàn lưu bão số 10 là chú ý lũ ống, lũ quét, sạt lở; đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp.

Nhấn mạnh đây là cơn bão phức tạp, khi vào đất liền gây mưa lớn, có nơi lên đến trên 300 mm ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh bão số 10 dự kiến diễn biến phức tạp, cùng ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc dự báo sẽ gây mưa lớn từ Nghệ An trở vào.

"Không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển" - Phó Thủ tướng yêu cầu, đồng thời lưu ý phải bảo đảm an toàn cho các tàu đang tìm kiếm cứu nạn ở khu vực 2 tàu đắm; chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm. Tiếp tục khắc phục sự cố những công trình bị thiệt hại do bão số 9, song song đó cần ứng phó bảo vệ các công trình.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục, gia cố, sửa chữa ngay những công trình hạ tầng đã thiệt hại trong các cơn bão vừa qua, đồng thời theo dõi chặt chẽ bão số 10 khi di chuyển vào bờ để có phương án sơ tán người dân về những cơ sở tránh trú bão, bảo đảm an toàn, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

"Thực tế thời gian qua cho thấy bão vào gây thiệt hại không lớn nhưng hoàn lưu bão gây mưa, lũ lụt, sạt lở đất lại gây thiệt hại rất lớn" - Phó Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu tập trung lực lượng sẵn sàng với phương châm "4 tại chỗ".

Vẫn còn nhiều người mất tích

Chiều cùng ngày, thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), cho biết đến nay lực lượng chức năng và người dân đã tìm thấy 9 thi thể trong 2 vụ sạt lở đất khiến 13 người chết và mất tích trên địa bàn.

Trong đó, chiều cùng ngày đã tìm được thi thể một bé gái tại hiện trường vụ sạt lở ở thôn 3, xã Phước Lộc. Buổi sáng, thi thể một bé gái khác cũng được tìm thấy ở khu vực trên. Tại lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4, một thi thể nam được phát hiện và xác định là anh Hồ Văn Độ, Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc.

Anh Độ mất tích hôm 28-10 do sạt lở núi cùng với anh Hồ Văn Sợ, cán bộ dân vận xã Phước Lộc, trong lúc giúp dân sơ tán. Thi thể anh Độ được tìm thấy cách xa nơi gặp nạn hàng chục cây số.

Như vậy, tới chiều 2-11, tại xã Phước Lộc còn 4 người đang mất tích do sạt lở núi hôm 28-10. Trong khi đó, tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn còn 14 người mất tích. Hai ngày qua, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm ở hiện trường sạt lở và mở rộng tìm kiếm trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 nhưng chưa có kết quả. Trước đó, ngày 28-10, xảy ra vụ sạt lở núi khiến 22 người ở thôn 1, xã Trà Leng chết và mất tích.

Trong chuyến kiểm tra công tác y tế trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Quảng Nam sáng 2-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các nạn nhân bị thương do sạt lở đất ở xã Trà Leng, đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng thăm một số gia đình bị ảnh hưởng bởi bão số 9 tại xã Tam Phú (TP Tam Kỳ), Trạm Y tế xã Tam Phú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam; chia sẻ những tổn thất của người dân Quảng Nam trong các đợt thiên tai vừa qua, đồng thời biểu dương những nỗ lực của ngành y tế tỉnh Quảng Nam trong việc ứng phó với thiên tai, cấp cứu các nạn nhân bị sạt lở đất.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tặng ngành y tế tỉnh Quảng Nam 25 bộ dụng cụ phòng chống bão lụt, 500.000 viên xử lý nước Aquatabs. 

(Theo NLĐO)

Các tin khác
Người dân di dời trước bão số 9 để đảm bảo toàn về người.

Để chủ động ứng phó bão số 10, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc triển khai di dời dân.

Quốc hội mặc niệm đồng bào tử nạn, chiến sĩ hi sinh do bão lũ.

Sáng 2-11, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Địa hình nơi xảy ra lở đất vùi lấp hơn 50 người ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam.

Mưa lớn và kéo dài, địa hình dốc, mất rừng tự nhiên... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đồi núi nghiêm trọng ở miền Trung vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục