Sáng 5/11, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão Goni vẫn duy trì sức gió tối đa 75 km/h, cấp 8.
Bán kính gió mạnh cấp 6 khảng 140 km tính từ tâm bão. Bão Goni sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
"Hiện ở gần Philippines xuất hiện bão Atsani, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc; khả năng khi vào biển Đông, bão Atsani sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Lâm nhận định.
Các đài khí tượng nước ngoài chung dự báo sức gió của bão giảm. Đài Nhật Bản sáng nay ghi nhận sức gió gần tâm bão 74 km/h. Đài Hải quân Mỹ nhận định, sức gió gần tâm bão 64 km/h. Đến 13h cùng ngày, khi bão vào đất liền, sức gió còn 56 km/h.
Ông Nguyễn Đức Quang, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán là 7.688 hộ với 28.285 người. Trong đó hơn 2.000 hộ dân với 8.000 người đã sơ tán đến nơi an toàn.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay, lực lượng đã thông báo, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện với 232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện còn 19 tàu với 90 người nằm trong khu vực nguy hiểm.
"Đây là các tàu hoạt động ở ven bờ, đi về trong ngày nhưng đều có công suất nhỏ, nếu xảy ra sóng lớn gió mạnh rất dễ dẫn đến sự cố tàu chìm. Trong hôm nay chúng tôi kiên quyết yêu cầu các tàu trên phải vào bờ.", ông Hưng nói.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Goni, mưa lớn sẽ bắt đầu từ chiều nay kéo dài đến ngày mai ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, với tổng lượng mưa từ 250 đến 350 mm một đợt. Tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên mưa 100 đến 200 mm. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị mưa 100 đến 200 mm, kéo dài đến ngày 7/11.
Goni là cơn bão thứ mười trên biển Đông trong năm nay. Trước đó trong tháng 10, miền Trung hứng chịu bốn cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, nhiều bằng tháng 10/1993, tháng được ghi nhận nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất theo quan trắc của cơ quan khí tượng Việt Nam.
Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi ở miền Trung trong tháng qua làm 166 người chết. Riêng bão Molave đã làm 40 người chết, 41 người mất tích, chủ yếu do sạt lở đất, tàu chìm ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định.
(Theo VnExpress)