Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, huyện Yên Bình đã và đang tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện nhiều giải pháp kiên quyết, đồng bộ ở các cấp.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Hàng năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện đã được kiện toàn và tăng cường chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn các xã, thị trấn để đôn đốc cơ sở chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác PCTT theo phương châm "4 tại chỗ"; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng cường thông tin cảnh báo kịp thời đến cộng đồng dân cư để người dân chủ động có biện pháp phòng tránh, nhất là đối với các xã, thị trấn được xác định nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, ngập úng”.
Huyện cũng đã phân công cụ thể các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện phụ trách tới từng thôn, tổ dân phố, thậm chí hộ gia đình để chỉ đạo địa phương xây dựng phương án phòng, chống; thường xuyên bố trí lực lượng canh gác tại các vị trí ngầm tràn, những đoạn đường bị ngập úng, bến thuyền và các vùng có nguy cơ sạt lở đất đá để cảnh báo nhân dân và các phương tiện qua lại; kiên quyết chỉ đạo di dời và tổ chức cưỡng chế di dời người và tài sản của các hộ dân trong vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn trước dự báo mưa bão…
Vĩnh Kiên là xã có nguy cơ cao về ngập úng, lũ quét và sạt lở đất của huyện Yên Bình. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu năm 2021, xã đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão; thường xuyên duy trì trực 24/24 giờ, sẵn sàng huy động lực lượng từ 15 - 20 người và hàng chục phương tiện tham gia vào công tác PCTT - TKCN.
Khu vực ngầm tràn thuộc thôn Vĩnh Kiên và Đát Dẻ thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng; trước khi có dự báo mưa to, xã đã chủ động huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, kịp thời thoát nước bảo đảm cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn.
Cùng với đó, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân có ý thức tự phòng tránh và chủ động chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu khi có tình huống xảy ra.
Bà Tướng Thị Hoa - thôn Đồng Do Núi, xã Vĩnh Kiên chia sẻ: "Mặc dù, nhà không có ta luy cao nhưng trước khi có mưa bão, gia đình tôi đều chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các vật dụng cần thiết phòng khi mưa kéo dài”.
Đối với các xã có nguy cao về ngập úng do nước sông Hồng dâng cao hoặc dễ xảy ra lũ ống, lũ quét như: Phú Thịnh, Bảo Ái, Tân Nguyên, Vũ Linh, Hán Đà, Bạch Hà…, huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương này chủ động xây dựng, bổ sung phương án PCTT - TKCN sát với thực tiễn. Về lực lượng, mỗi thôn huy động từ 40 người trở lên, có sức khỏe tốt với đầy đủ phương tiện để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
"Trước mùa mưa bão, gia đình tôi đã chủ động san, gạt, hạ ta luy sau nhà, thường xuyên theo dõi dự báo thời thiết cũng như thông báo của thôn để chủ động di dời. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các vật dụng cần thiết như: đèn pin, cuốc xẻng và phối hợp với các hộ xung quanh sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra” - anh La Công Đức ở thôn Trại Phung, xã Tân Nguyên chia sẻ.
Với các xã nằm ở khu vực hạ lưu sông Chảy, huyện đã yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà trước khi dự kiến xả lũ phải có thông báo trước 24 giờ để các địa phương chủ động thông báo cho các hộ dân ở khu vực này di dời đến nơi an toàn, tránh tình trạng sạt lở bờ sông gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Với phương châm "4 tại chỗ”, gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, công tác phòng, chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai - TKCN đã và đang được huyện Yên Bình tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ ở tất cả các địa phương, đơn vị theo tư tưởng chỉ đạo phòng tránh là chính, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả, nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra…
Trần Ngọc