Di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện 5 đợt thiên tai do rét đậm, rét hại, dông lốc và sạt lở đất gây thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa của người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái cụ thể: Thiên tai đã làm cho 2 người chết và 3 người bị thương, 607 nhà bị hư hỏng, tốc mái; thiệt hại 19,9 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 75 con gia súc và thiệt hại tài sản khác... Ước tính thiệt hại khoảng 2,7 tỷ đồng.
Ông Trần Anh Văn – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy Lợi tỉnh Yên Bái cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra tỉnh đã ban hành Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 12/5/2017 về phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái; kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Trong đó có chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai và các biện pháp phòng tránh ứng phó thiên tai với từng loại hình thiên tai bão, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối, sương mù và hàng năm rà soát, cập nhật lại phương án phòng, tránh ứng phó thiên tai.
Tỉnh Yên Bái tập trung di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đồng thời, tỉnh có kế hoạch rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong năm 2020, tỉnh đã bố trí xây mới, di dời 123 nhà, trong đó: Nhà sập, trôi hoàn toàn 19 nhà, nhà hu hỏng nặng 5 nhà; nhà phải di dời khẩn cấp 99 nhà. Đến nay người dân đã có nơi ở ổn định. Cùng với đó, tỉnh đã rà soát trên địa bàn toàn tỉnh có 7.181 hộ gia đình đang sống ở vùng nguy cơ thiên tai.
Đối với các huyện vùng cao của tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác rà soát cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai, rà soát các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt để có phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xẩy ra; tổ chức khơi thông các dòng chảy sông suối trên địa bàn đảm bảo thoát lũ; kiểm tra an toàn các hồ chứa và phương án đảm bảo an toàn hạ du trước mùa mưa bão.
Ngoài kiện toàn nhân lực và các phương tiện ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, các địa phương còn phải làm tốt các nội dung sau: Đẩy mạnh công tác cảnh báo, đảm bảo kịp thời để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh mưa lũ; Quán triệt không cho bà con sinh sống ở gần suối; khi xảy ra mưa lớn, cán bộ xã xuống cơ sở tuyên truyền, vận động người dân không bắt cá, vớt củi; Rà soát, khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, tổ chức ứng trực 24/24h và và sẵn sàng phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Tích cực tuyên truyền tới đồng bào vùng cao
Đối với các huyện vùng cao, do đặc thù về địa hình nhiều thôn, bản của các xã năm ở lưng chừng dốc, ngoài độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh. Ở những địa phương này còn nhiều khe suối nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao mỗi khi xuất hiện mưa lớn.
Các huyện vùng cao do địa hình bị chia cắt, độ dốc lớn dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Cùng với đó, công tác phòng chống thiên tai gặp nhiều khó khăn khi nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn khá hạn chế. Việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về thiên tai đối với người dân ở những nơi có nguy cơ cao nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên, kịp thời. Nhiều hộ dân sống ở những nơi có nguy cơ mất an toàn chưa được bố trí di dời do thiếu quỹ đất và nguồn lực tài chính. Cùng với đó, với đồng bào các dân tộc vùng cao thường có thói quen tập tục sinh sống ven sông suối, trên đất dốc, là những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai tuy đã có những bước cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là dự báo, cảnh báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và mưa cực đoan trong phạm vi hẹp…
Để khắc phục khó khăn đó, tỉnh tích cực tuyên truyền thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cho người dân thay đổi tập tục sinh sống bên bờ khe suối, chân ta luy cao là nơi có nguy cơ sẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt; khuyến khích người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo hướng tái định cư xen ghép vừa đảm bảo an toàn vừa không thay đổi nhiều trong sinh hoạt và sản xuất.
Đồng thời vận dụng mọi nguồn lực, bố trí quỹ đất xây dựng các khu tái định cư đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện sinh sống và sản xuất của nhân dân; Thay đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp canh tác đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu tạo khu vực sản xuất an toàn cho người dân.
Trong thời gian tới huy động mọi nguồn lực lắp đặt thêm các thiết bị cảnh báo sớm thiên tai tại các khu vực có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt phục vụ công tác cảnh báo cho nhân dân…
(Theo TN&MT)