Là xã vùng sâu nên địa hình của xã Châu Quế Thượng khá phức tạp, phần lớn là đồi núi có độ dốc lớn, hệ thống sông suối dày đặc, khi có mưa lớn thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn một số thôn.
Trong đó, trận mưa to kèm giông lốc đêm 30/7 vừa qua đã làm hơn chục ngôi nhà bị tốc mái, thiệt hại hàng chục héc-ta hoa màu và ngập úng cục bộ một số thôn như: Ngòi Lèn, Đồng Tâm, Ngòi Lẫu… ước tính thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Với quan điểm không lơ là, chủ quan trước thiên tai, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể tập trung hỗ trợ, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai để ổn định đời sống nhân dân.
Bà Đinh Thị Hồng Loan - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: "Ngay từ đầu năm 2021, UBND xã đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT -TKCN) xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên xây dựng phương án để có kế hoạch trước khi mùa mưa bão đến, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân để chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ tốt các công trình công cộng, phúc lợi, nhà cửa, hoa màu và ổn định đời sống nhân dân”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Văn Yên, năm 2020 thiên tai, đặc biệt là mưa lũ đã làm 204 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; trên 184 héc-ta lúa, ngô, hoa màu, cây lâm nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại; gần 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng...
Ước tổng thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra trên 18 tỷ đồng. Riêng trong đợt mưa kèm theo giông lốc đêm ngày 30/7/2021 đã làm 82 nhà bị tốc mái từ 30% - 70%, một số công trình trường học, hoa màu bị ảnh hưởng nặng nề.
Để chủ động PCTT, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN, xây dựng phương án để bảo vệ, ứng cứu kịp thời và di chuyển người dân, vật nuôi ra khỏi những vùng có nguy cơ cao; với những vùng có nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, huyện sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để di dời trước mùa mưa bão.
Đặc biệt, ở những vùng dễ bị chia cắt, UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương quán triệt cho người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, chất đốt, bảo đảm từ 10 ngày trở lên, để tránh hiện tượng thiếu đói và dịch bệnh.
Ngoài các lực lượng ở cơ sở, huyện cũng đã thành lập lực lượng cơ động để ứng cứu kịp thời khi tình huống xảy ra.
Đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, huyện cũng đã có phương án để phòng chống bão lũ. Riêng các công trình xung yếu huyện sẽ phân công trách nhiệm cho lực lượng cơ động trực 24/24 giờ trong thời gian có bão lũ xảy ra.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Ngoài việc tổ chức phương án diễn tập công tác PCTT tại một số xã trọng điểm để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, huyện thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn để nhân dân chủ động có biện pháp phòng chống và thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu cũng như phòng tránh, sơ tán kịp thời.
Đồng thời, theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các cơ sở, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở ta luy xảy ra; có phương án, kế hoạch tổ chức tốt công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời… nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ gây ra.
Thanh Tân