Theo thông tin mới cập nhật từ cơ quan cảnh báo thiên tai và thời tiết của nước ta, từ nay đến tận tháng 5-2022, trên khu vực Biển Đông cơ bản không có bão. Tháng 3 và 4, nền nhiệt độ trên cả nước thấp hơn trung bình nhiều năm, mùa nắng nóng sẽ đến muộn và không gay gắt.
|
|
Chiều 15-2, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đã công bố báo cáo nhận định tình hình La Nina và xu thế thời tiết – thiên tai ở nước ta trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 8-2022.
Theo báo cáo này, trạng thái La Nina sẽ còn duy trì đến hết mùa xuân 2022 với xác suất khoảng 65-75%, sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 7 với xác suất khoảng 50-60%.
Cơ quan dự báo tình hình thiên tai thời tiết của Việt Nam đã đưa ra nhận định, trong thời gian tới, từ tháng 3 đến tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ít có khả năng hoạt động trên Biển Đông. Nhưng từ tháng 6 đến tháng 8, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ có khả năng xuất hiện ở Biển Đông, song có xu thế ít hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (tập trung vào nửa cuối tháng 7-2022 sang tháng 8-2022.
Mưa trái mùa có khả năng xuất hiện cục bộ ở Nam bộ trong tháng 3-2022 với lượng không lớn. Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, tuy nhiên lượng mưa có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ vào thời kỳ đầu mùa mưa (từ tháng 6 đến 8-2022). Đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa (tháng 4 đến tháng 6).
Đáng chú ý trong thời gian tới là nền nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0-0,5oC trong tháng 3 và 4 sắp tới. "Riêng tháng 3-2022 tại khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ sẽ thấp hơn từ 0,5-1oC. Tháng 5-2022 nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 6 đến 8, nhiệt độ trung có xu hướng cao hơn từ 0-0,5oC so với cùng kỳ nhiều năm”- Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia thông tin.
Sắp tới, không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3-2022, vẫn có những đợt rét đậm, rét hại tại Bắc bộ nhưng không kéo dài. Nắng nóng ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ nhiều khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng có thể không gay gắt và không kéo dài.
Tháng 3-2022, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ phổ biến ít mưa, riêng khu vực ven biển miền Tây Nam bộ có mưa rào cục bộ với tổng lượng chỉ khoảng 15-30mm. Từ tháng 4 đến tháng 5-2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm.
(Theo SGGP)
Cuối tuần này, miền Bắc có khả năng đón đợt rét nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Nhiều nơi nhiệt độ dưới 10 độ, vùng núi cao có thể xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái vừa có Công văn số 10/BCH-PCTT yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố ứng phó với lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh.
Ngày 11-2, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam vừa trở thành thành viên thứ tám của Công cụ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF).
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi 7-10 độ C, có nơi dưới 5 độ C.