Ngày Khí tượng Thế giới năm 2022 có chủ đề "Cảnh báo sớm để hành động sớm,” qua đó nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, dự báo tác động của biến đổi khí hậu cũng như sự phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương.
Đây cũng là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu đồng thời góp phần bảo vệ cuộc sống, sinh kế bền vững cho người dân.
Giảm thiệt hại nhờ dự báo sớm
Giáo sư tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết trong 50 năm trở lại đây, đã có hơn 11.000 thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước được báo cáo. Tác động của thiên tai đã khiến hơn 2 triệu người chết và gây thiệt hại kinh tế khoảng 3,64 nghìn tỷ USD.
Thậm chí, theo Bản đồ Altas của Tổ chức Khí tượng Thế giới về tỷ lệ tử vong và tổn thất kinh tế do thời tiết cực đoan, khí hậu và nước, trong giai đoạn từ năm 1970-2019, số lượng thiên tai trên thế giới đã tăng gấp 5 lần, thiệt hại kinh tế tăng gấp 7 lần.
Chính vì thế, ngày nay, các dự báo không còn dừng ở thông tin "ngày mai thời tiết thế nào" mà dần dịch chuyển sang "dự báo tác động" - nghĩa là thông báo cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra. Điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, một phần ba dân số thế giới hiện nay vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin dự báo, cảnh báo sớm.
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam trong những năm qua cũng đã không ngừng đổi mới. Nhờ đó, chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dần tiệm cận trình độ các nước tiên tiến, góp phần giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản.
Cụ thể, trong dự báo khí tượng, ngành đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung, hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo tới quy mô cấp huyện, cấp xã. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%...
Dẫn ví dụ cụ thể để thấy giá trị của cảnh báo sớm, ông Thái cho biết đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt hơn năm 2016. Nhưng nhờ thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn, nhất là Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các hội nghị và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống, khắc phục nên kết quả là thiệt hại của đợt xâm nhập mặn 2020 chỉ bằng 1/10 so với năm 2016.
Hay như năm 2021, cơn bão số 9 (tên quốc tế là RAI) là cơn bão rất mạnh có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc đưa ra thông tin dự báo từ sớm, độ tin cậy rất cao đã giảm thiểu được các nguồn lực của nhà nước trong việc ứng phó với cơn bão rất mạnh này...
Nâng cấp dự báo sớm hơn, dài hơn
Nhằm tiếp tục hiện đại hóa công tác dự báo, giúp công tác cảnh báo thiên tai ngày càng sớm hơn, chính xác hơn, đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết ngành này đang tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ trên con đường ứng dụng các công nghệ tiên tiến; từ đó góp phần phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết.
Theo đó, thời gian tới, ngành sẽ thực hiện đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn; bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt là những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thông qua đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa...
Cùng với đó, ngành khí tượng thủy văn cũng đã và đang tích hợp, lồng ghép giữa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia với các trạm quan trắc trong ngành tài nguyên và môi trường và đồng bộ, liên thông với các trạm khí tượng thủy văn trên cả nước; từng bước làm chủ công nghệ thám sát bằng phương tiện bay, vệ tinh khí tượng, mô hình tính toán toàn cầu về khí tượng, mô hình thủy văn hiện đại.
Trước mắt, để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, thông qua thông điệp chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2022 là "Cảnh báo sớm để hành động sớm,” Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã đưa ra một số khẩu hiệu tuyên truyền như: Cảnh báo sớm để hành động sớm - thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai; nâng cao chất lượng dự báo để bảo vệ cuộc sống, sinh kế của cộng đồng; cảnh báo sớm để chủ động phòng chống thiên tai…
Các khẩu hiệu trên nhấn mạnh vai trò công tác thông tin, dự báo tác động đồng thời cần phải phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu tốt hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân.
Nhân Ngày Khí tượng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị, các cấp, các ngành và người dân cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành khí tượng thủy văn và các cơ quan báo chí truyền thông để tăng cường khả năng phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.
"Thống nhất, đoàn kết, chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp chúng ta biến rủi ro thành cơ hội để phát triển, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi, mọi miền trên đất nước, cả hiện tại và trong tương lai,” đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh.
(Theo Vietnam+)