Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, các tỉnh Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to từ 100-200 mm (tập trung ngày 31/3). Mưa lớn kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên. Ngày 1- 2/4, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa, trong đó từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 150-250 mm/đợt.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến 6 giờ ngày 2/4, mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 2 nhà sập đổ, 38 nhà tốc mái, hư hỏng; 261 ghe, thuyền chìm, hư hỏng, 2.480 lồng bè tôm hùm thiệt hại.
Ngoài ra, mưa lớn, dông lốc đã làm 6 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông (Thừa Thiên Huế 1 điểm; Đà Nẵng 2 điểm; Quảng Nam 3 điểm); 54.430 ha lúa bị ngập, đổ (Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa); 7.114 ha hoa màu ngập (Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Các địa phương đang tiếp tục cập nhật thiệt hại.
Theo Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung là đợt mưa trái mùa, bất thường (mưa lớn thường tập trung tại khu vực này vào khoảng thời gian từ tháng 9-12 hàng năm). Tuy nhiên đợt mưa lớn lần này chỉ tập trung trong ngày 31/3-1/4 tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An tới Bình Định, sau đó cường độ mưa sẽ giảm dần và kết thúc trong khoảng 2-3 ngày tới.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, trong đó tập trung trục vớt, sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng; tổ chức tiêu nước đệm, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy.
Các tỉnh, thành phố tổ chức ứng trực tại các hồ chứa; chủ động điều tiết nước, hạn chế xả để hỗ trợ thu hoạch lúa dưới hạ du; tăng cường thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các địa phương rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông. Các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình...
Trước các hiện tượng thời tiết như trên, chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để chủ động các phương án ứng phó, khắc phục, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
(Theo Tin tức)