Nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở ta luy, năm 2022, xã Đại Đồng được huyện Yên Bình chỉ đạo tổ chức diễn tập ứng phó bão lũ và TKCN.
Với tình huống giả định, do ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài trên địa bàn xã đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực thuộc các thôn: Hương Lý, Hương Giang, Làng Đát và nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét làm ách tắc giao thông và gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng của nhân dân.
Do làm tốt công tác chuẩn bị, nên quá trình diễn tập, các lực lượng trong khung diễn tập đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với sự phối hợp hiệu quả chặt chẽ giữa các ngành: công an, quân sự, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân và thể hiện rõ phương châm "4 tại chỗ” trong PCTT sát với tình hình thực tế địa phương.
Cuộc diễn tập đã được Ban Chỉ đạo chấm điểm đạt loại xuất sắc. Thông qua diễn tập, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Yên Bình kiểm tra kế hoạch và khả năng tổ chức chỉ huy hiệp đồng, giao nhiệm vụ của ban chỉ huy PCTT - TKCN xã; kiểm tra trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng của lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt là ý thức của nhân dân trong việc ứng phó với thiên tai trên địa bàn khi có tình huống xảy ra.
Theo rà soát, huyện Yên Bình hiện có 4 khu vực có nguy cơ ngập lụt, 13 khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, 22 vùng có nguy cơ sạt lở đất đá tập trung ở các xã: Tân Nguyên, Phúc An, Hán Đà, Đại Đồng, Phú Thịnh, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Long…
Đồng thời, trên địa bàn huyện vẫn còn 688 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Xác định công tác PCTT - TKCN là nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện tăng cường chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn để đôn đốc cơ sở chủ động triển khai và thực hiện tốt việc PCTT theo phương châm "4 tại chỗ”.
Ông Lã Tuấn Hưng Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, thị trấn tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư và thực hiện đúng phương châm "phòng là chính”. Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương để lập kế hoạch chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ cụ thể, giám sát các thành viên phụ trách; vật tư dự phòng đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và phải tập kết sẵn ở những vị trí cần thiết, ở gần những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, để khi cần là huy động được ngay; chủ động kiểm tra, phát hiện các hư hỏng của công trình cầu, cống thủy lợi để có biện pháp gia cố ngay; coi trọng công tác "4 tại chỗ” và kịp thời di dời người, tài sản ra khỏi những nơi được dự báo nguy hiểm.
Với phương châm: "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”. Huyện Yên Bình còn đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để mọi người có ý thức trong PCTT. Khi thời tiết có diễn biến bất thường, mưa lớn xảy ra, ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp đã phân công các thành viên phụ trách từng thôn, tổ, thậm chí đến từng hộ để chỉ đạo địa phương xây dựng phương án phòng tránh.
Đồng thời, thường xuyên bố trí lực lượng canh gác tại các vị trí ngầm tràn, những đoạn đường bị ngập úng, bến thuyền và các vùng có nguy cơ sạt lở để cảnh báo cho nhân dân và các phương tiện qua lại. Kiên quyết chỉ đạo di dời hoặc tổ chức cưỡng chế di dời người, tài sản của các hộ trong vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn trước dự báo có mưa bão.
Ông Nguyễn Phú Vần - Trưởng thôn Đồng Tâm, xã Phúc An cho biết: "Hiện tại, thôn có 55 hộ trong nguy cơ sạt lở và xã, thôn đã vận động các hộ này di chuyển đến nơi an toàn. Đối với những hộ gặp khó khăn, chúng tôi sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ di chuyển để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con”.
Với sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở cùng ý thức chủ động của người dân, công tác PCTT - TKCN đã, đang được huyện Yên Bình triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, trọng tâm là thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, góp phần ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Hồng Duyên