Huyện Trấn Yên có địa hình chủ yếu là đồi núi, hệ thống sông, suối dày đặc nên vào mùa mưa bão có hàng trăm điểm nguy cơ xảy ra sự cố điện. Nhiều trạm biến áp, đường dây, cột điện nằm trong vùng chịu tác động mạnh nhất của các hình thái thời tiết cực đoan.
Thực tế những năm qua, hạ tầng lưới điện trên địa bàn huyện chịu những thiệt hại lớn trong mùa mưa bão. Các sự cố điện đã gây gián đoạn cung cấp điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của khách hàng.
Một số điểm có đường dây đi qua do địa hình ở sát bờ sông, suối, sườn núi, mái ta luy cao có thể xảy ra hiện tượng sạt lở móng cột, móng néo hoặc nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới đổ cột, đứt dây.
Năm 2021, trên địa bàn có 38 vị trí cột điện hạ áp bị sạt lở, đổ, rạn nứt, gây thiệt hại ước tính khoảng 450 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 8 cột điện cao áp, trung áp bị sạt lở, đổ nghiêng, 20 cột điện hạ áp bị sạt lở và ngập úng, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Trước những diễn biến bất thường trong mùa mưa bão, ĐLTY đã chỉ đạo các đội quản lý điện khu vực thường xuyên theo dõi diễn biến tình trạng ngập lụt để kịp thời cắt điện các tuyến đường dây 0,4 kV, các trạm biến áp phân phối, phân đoạn các nhánh rẽ đường dây trung thế để đảm bảo an toàn lưới điện (ATLĐ) cũng như cho khách hàng sử dụng điện.
Cùng đó, đề ra nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai (PCTT) phù hợp với tình hình của từng khu vực trọng yếu; thực hiện kiểm tra, thí nghiệm định kỳ thiết bị điện theo quy định; yêu cầu các đơn vị lập phương án xử lý các tồn tại về điện trở tiếp địa trạm, hành lang ATLĐ cao áp, cao trình lưới điện để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn; quan tâm đến lưới điện nông thôn, các đường dây mới tiếp nhận không đảm bảo vận hành an toàn lâu dài, đang trong giai đoạn chờ cải tạo, nâng cấp; bổ sung kịp thời tiếp địa cho các đoạn đường dây 0,4 kV không có tiếp địa lặp lại hoặc có nhưng chưa đảm bảo đầy đủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc ĐLTY cho biết: ngay trước mùa mưa bão năm 2022, ĐLTY đã ra quyết định kiện toàn tiểu ban PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong tiểu ban chỉ huy. Ngoài ra, đơn vị cũng kiện toàn Đội xung kích PCTT và TKCN gồm 22 thành viên. Với phương châm 4 tại chỗ, ĐLTY huy động tối đa lực lượng tại chỗ của đơn vị, các phòng nghiệp vụ, đội, tổ sản xuất trực thuộc ĐLTY đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có lũ bão xảy ra. Lập kế hoạch bồi huấn về công tác an toàn, kỹ năng viết phiếu công tác, lệnh công tác, phiếu thao tác, kỹ năng lập phương án tổ chức thi công, xử lý sự cố tại chỗ, kỹ năng bơi và cấp cứu về công tác PCTT&TKCN cho cán bộ, công nhân viên đơn vị”.
Cùng đó, ĐLTY tăng cường kiểm tra, xử lý trước mùa mưa bão; tập trung chỉ đạo các tổ, đội quản lý điện khu vực tiến hành tổng kiểm tra các vị trí xung yếu mất an toàn bao gồm: trạm biến áp, lưới điện trung hạ thế; bổ sung thiết bị thông tin liên lạc cần thiết để đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống khẩn cấp; bổ sung vật tư dự phòng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ... đảm bảo đầy đủ trước khi có bão lũ xảy ra.
Trang bị các trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN như: áo phao, thuyền phao cứu sinh...; thực hiện phát dọn hành lang lưới tuyến đảm bảo không để cây cối có khả năng đổ vào đường dây khi xảy ra bão, lốc, mưa to.
Ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm: để chủ động cung ứng điện trong mùa mưa bão, đơn vị cũng đã xây dựng phương án vận hành cấp điện trong mùa mưa bão sát thực tế, phù hợp địa bàn. Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng, thủy văn để xác định khu vực có khả năng xảy ra các hiện tượng bất thường của thiên tai để kịp thời phòng chống.
Khi xảy ra sự cố do thiên tai, đơn vị nhanh chóng huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện hiện có tại ĐLTY và nơi trực như: ô tô, xe máy và toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong đơn vị phải kịp thời có mặt để cùng nhau khắc phục, đưa ra phương án xử lý khắc phục sự cố nhanh, hiệu quả nhất, giảm thời gian ngừng cấp điện. Đồng thời, tiếp tục chủ động rà soát, kiểm tra đường dây, các trạm biến áp để kịp thời phát hiện hỏng hóc nhằm không xảy ra sự cố liên quan đến lưới điện.
Thực hiện tốt chế độ ứng trực 24/24 giờ. Đặc biệt, đơn vị cũng chủ động tận dụng các nguồn vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, thay thế, loại bỏ các thiết bị không an toàn ra khỏi hệ thống lưới điện. Cùng đó, tích cực tuyên truyền đến nhân dân về an toàn điện trong mùa mưa bão, giúp bà con có kiến thức cơ bản phòng tránh tai nạn điện và các hành vi bị nghiêm cấm đối với mọi tổ chức, cá nhân để đảm bảo ATLĐ.
Thanh Tiến