Bờ sông Hồng sạt lở hàng trăm mét ở Yên Bái, người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2024 | 12:19:13 PM

YênBái - Một đoạn bờ sông Hồng, thuộc khu vực xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hàng trăm mét khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Nhiều hộ gia đình do chưa có điều kiện di dời vẫn đang liều mình sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở.
Nhiều hộ gia đình do chưa có điều kiện di dời vẫn đang liều mình sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở.

Theo phản ánh của người dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, thời gian qua, khu vực bờ sông Hồng đoạn qua địa phận thôn Đình Xây, xã Báo Đáp bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu bị cuốn trôi xuống dòng nước dữ. Nhiều ngôi nhà phải di dời để đảm bảo an toàn. Những gia đình ở lại trong khu vực nguy hiểm sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Ngày 19/3, có mặt tại khu vực cầu Móc Tôm, thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, PV ghi nhận khu vực bị sạt lở dài hàng trăm mét, nằm sát khu bãi bồi với diện tích lên đến hàng chục hecta trồng cây dâu của người dân. Ngay đầu khu vực sạt lở, nhiều vết nứt, gẫy vào đến sân nhà. Nhiều ngôi nhà bị nứt vỡ các điểm chằng chịt.

Theo người dân, tình trạng sạt lở tại đây một phần do hoạt động khai thác cát trên sông Hồng gây ra.
Theo người dân, tình trạng sạt lở tại đây một phần do hoạt động khai thác cát trên sông Hồng gây ra.

Dưới khu vực sát bờ sông, dòng nước vẫn đang tình trạng "nuốt” đất. Dưới mép nước, đất màu liên tục lở xuống; bờ sông nham nhở hàm ếch, sẵn sàng sạt lở lớn bất cứ lúc nào...

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thanh Bình (ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp) cho biết, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ năm 2017. Trước đây bờ sông ở cách vị trí hiện tại hàng trăm mét, rồi mỗi năm sạt dần, bây giờ đã áp sát con đường dân sinh. Dâu, hoa màu là nguồn thu nhập chính của bà con thì nay cũng thu hẹp dần, có nguy cơ bị cuốn bay bất cứ lúc nào.

2 trong số nhiều gia đình trong khu vực sạt lở đã di dời đến khu vực an toàn.
2 trong số nhiều gia đình trong khu vực sạt lở đã di dời đến khu vực an toàn.

Theo bà Bình, khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương lên phương án di dời 2 ngôi nhà có nguy cơ sạt lở nhất. Đối với những gia đình nằm trong khu vực sạt lở, địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng, nhưng do chưa có điều kiện, các hộ trên vẫn liều mình bám trụ lại đây.

Cùng trong diện các gia đình nằm trong khu vực sạt lở, ông Lê Công Tiền (ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp) chỉ cho phóng viên vết nứt dài hàng chục mét trên mặt sân. Bên cạnh đó là những chân tường cũng bị nứt do ảnh hưởng của sạt lở. Ông Tiền cho biết, ngoài nhà cửa, toàn bộ diện tích cây trồng tầm 6,7 sào đất của gia đình cũng đã trôi theo dòng nước.

Tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn tại đoạn sông Hồng chảy qua khu vực thôn Đình Xây, xã Báo Đáp.


Tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn tại đoạn sông Hồng chảy qua khu vực thôn Đình Xây, xã Báo Đáp.

Theo một số người dân địa phương, nguyên nhân sạt lở có thể là do hoạt động khai thác cát và khoáng sản diễn ra trước đây, cộng với các yếu tố tự nhiên khác.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, hiện huyện đã di chuyển 2 hộ dân ra khỏi khu vực này. Trước tình hình sạt lở, huyện đã báo cáo tỉnh đề nghị kè chống sạt lở.

Diện tích bị vùi lấp do sạt lở lên đến hàng chục hecta.
Diện tích bị vùi lấp do sạt lở lên đến hàng chục hecta.

Được biết, Dự án kè chống sạt lở và phát triển cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hồng hiện đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt với tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong khu vực cũng như bảo đảm an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, tạo sự ổn định cho người dân sinh sống, sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện, dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để khởi công sớm, trước mùa mưa lũ.

Nhiều hộ gia đình do chưa có điều kiện di dời vẫn đang liều mình sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở.

Theo đó, dự án sẽ xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông Hồng khu vực thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên với tổng chiều dài 4.227m. Riêng đoạn khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên có chiều dài tuyến kè 583m, thời gian thực hiện là 4 năm kể từ năm đầu bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án.

(Theo Tiền Phong)

Các tin khác
Tâm chấn trận động đất chiều nay ở Tuyên Quang. (Ảnh: TPO)

Chiều 27/4, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thông tin về trận động đất có độ lớn 4.0 đã xảy ra tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Ảnh minh họa

Những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đáng lưu ý nhất vẫn là tình trạng nắng nóng. Đặc biệt, từ nay cho đến tháng 6, Bắc Bộ xuất hiện các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá, có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm.

Một dòng chảy trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ cạn trơ đáy do lâu ngày không có mưa và việc duy trì dòng chảy tối thiểu của các nhà máy thủy điện không đảm bảo

Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Một số xã, phường của thị xã đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Ảnh minh họa.

Tối 25/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành Công văn số 154/VPTT đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn về người trong hoạt động giao thông thủy trong mùa mưa bão.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục