Bão số 3 và hoàn lưu bão đổ bộ vào Yên Bái vào đầu tháng 9/2024 đã để lại những vết thương sâu sắc, tàn phá nhiều khu vực của tỉnh. Với sức gió lên đến hơn 100 km/giờ và lượng mưa lớn kỷ lục, bão không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản mà còn đẩy cuộc sống của hàng ngàn hộ dân vào tình trạng vô cùng khó khăn. Trong loạt phóng sự này, chúng tôi sẽ lột tả sự khốc liệt mà bão số 3 mang lại qua những câu chuyện đau lòng từ chính người dân địa phương và các số liệu về thiệt hại mà tỉnh phải gánh chịu cũng như những tình cảm của người dân mọi miền Tổ quốc dành cho Yên Bái lúc gian khó.
"Đổ bộ bất ngờ”
Bão số 3 được dự báo từ trước nhưng không ai có thể lường trước được sức mạnh và mức độ tàn phá của nó. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tiếp khiến cho nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh nhanh chóng ngập lụt. Nước từ các con sông, suối dâng cao, gây ra hàng loạt trận lũ quét và sạt lở đất trên quy mô rộng khắp. Thành phố Yên Bái là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ sau vài giờ mưa lớn, nhiều tuyến phố đã bị cô lập hoàn toàn. Người dân địa phương không thể di tản kịp thời, phải đối mặt với sự tàn phá không khoan nhượng từ bão.
"Chúng tôi không thể tin nổi nước lại dâng nhanh đến vậy. Chỉ trong vòng vài giờ, nước đã tràn vào nhà, cuốn trôi toàn bộ tài sản và khiến gia đình tôi phải vội vã di dời lên chỗ cao hơn” - bà Hoàng Thị Tươi, một người dân tại phường Hồng Hà kể lại.
Những ngôi nhà bằng gỗ, xi măng, tưởng chừng vững chắc, cũng không thể chống đỡ trước sức mạnh của cơn bão. Hàng trăm ngôi nhà đã bị nước cuốn phăng, nhiều công trình hạ tầng như cầu đường, điện lưới bị phá hủy. Theo ước tính sơ bộ, có hơn 300 ngôi nhà tại Yên Bái đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn, trên 27.000 ngôi nhà khác bị ngập lụt hư hỏng tài sản, gần 3.000 nhà bị sạt ta luy. Điều đáng lo ngại hơn cả là tính mạng của người dân khi nhiều vụ sạt lở đất xảy ra ngay trong đêm, cuốn theo mọi thứ trên đường đi.
Những con số đau thương
Sự khốc liệt của bão số 3 đã không chỉ dừng lại ở việc phá hủy nhà cửa mà còn cướp đi nhiều sinh mạng. Đến ngày 30/9, có 54 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương do lũ quét và sạt lở đất. Những người thiệt mạng, phần lớn trong các hộ gia đình sống gần sườn núi hoặc ven sông, suối - những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất khi mưa lớn đổ xuống. Một trong những câu chuyện đau lòng nhất đến từ gia đình anh Sa Văn Ánh ở thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
Theo lời kể của người dân địa phương, anh Ánh - một người quê Sơn La, đã đến Yên Bái làm việc, lập gia đình và sinh hai đứa con nhỏ. Sau khi mua đất và xây dựng nhà tại thôn Bảo Tân khoảng 4 năm trước, cuộc sống của gia đình anh bình yên. Ngôi nhà của họ nằm cách chân đồi cả trăm mét, tưởng chừng như an toàn.
Nhưng vào khoảng 4 giờ sáng ngày 10/9, sau một đêm mưa lớn, sự bình yên ấy đã bị phá vỡ một cách tàn khốc. Ngọn đồi phía sau nhà anh Ánh bất ngờ sạt lở, đổ ập bùn đất xuống, vùi lấp phòng ngủ của gia đình. Sau 5 giờ tìm kiếm trong đêm tối và lớp bùn dày đặc, lực lượng chức năng cùng với người dân mới tìm thấy thi thể 4 nạn nhân.
Bà Phạm Thị Thời, 80 tuổi, hàng xóm của anh Ánh nghẹn ngào: "Khi nghe tin nhà hàng xóm bị vùi lấp, tôi chỉ biết cầu mong cho gia đình anh ấy thoát nạn. Vợ chồng anh chị Ánh rất hiền lành, chăm chỉ. Cô vợ lại là giáo viên mầm non vừa sinh cháu bé mới 3 tháng. Khi biết cả gia đình bị ngọn đồi trồng quế phía sau sạt xuống, vùi lấp, tôi chỉ biết chắp tay cầu nguyện nhưng không thể làm gì hơn”.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng thôn Bảo Tân đau xót: "Cả thôn đã tập trung bới lớp đất đá, soi đèn tìm người sống sót nhưng lớp bùn quá dày. Phải mất 5 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm thấy cả gia đình nằm dưới lớp bùn. Khi phát hiện, hai đứa bé vẫn còn nằm trong vòng tay bố mẹ. Cảnh tượng thật tàn khốc. Các nạn nhân sau đó được đưa về quê ở Sơn La để mai táng”.
Vụ sạt lở đã phá hủy hoàn toàn mảng tường và các vật dụng bên trong ngôi nhà. Trong làn nước mưa, lớp bùn dày chỉ còn lại những bộ quần áo bị nhuốm màu nâu đỏ, chiếc xe đồ chơi trẻ em. Bà Phạm Thị Sen - Chi hội Phụ nữ thôn Bảo Tân, cùng với người dân hàng ngày đến thắp hương cho các nạn nhân trong căn nhà lạnh lẽo, không kìm được nước mắt: "Cháu bé mới 3 tháng tuổi đã bị bùn đất vùi lấp cùng gia đình. Đau xót lắm! Hàng chục năm sinh sống ở đây, tôi chưa bao giờ thấy một vụ sạt lở kinh hoàng đến vậy. Nỗi đau này thật không thể nào quên”.
Hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Yên Phú, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) sáng 12/9 làm vợ chồng anh Vũ Đức Học và chị Hồ Thị Dinh thiệt mạng
Một hoàn cảnh thương tâm khác xảy ra tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại xã Hưng Thịnh, khiến 50 hộ dân phải di dời khẩn cấp, trong đó có gia đình anh Vũ Đức Học và chị Hồ Thị Dinh. Cơn bão tàn phá ba ngôi nhà, bao gồm nhà của họ, và làm hư hỏng 12 ngôi nhà khác. Tiếng mưa gào thét như chưa bao giờ ngừng trong ký ức của ba đứa trẻ nhỏ, giờ đây sống dưới mái nhà của bà nội.
Cơn bão số 3 đã cuốn trôi những gì quý giá nhất trong cuộc đời các em - cha mẹ. Vụ sạt lở đất lúc 4 giờ sáng ở thôn Phương Đạo 1, xã Hưng Thịnh đã làm sập ngôi nhà của anh Vũ Đức Học và chị Hồ Thị Dinh, khi họ quay về dọn dẹp sau khi được di dời phòng chống thiên tai. Đứa trẻ lớn nhất, học sinh lớp 7, đã cố nén nước mắt khi nghe tin dữ, nhưng những giọt lệ vẫn tuôn dài trên má.
Em nhỏ hơn, mới học lớp 5, không hiểu hết bi kịch đã ập đến, chỉ biết hỏi: "Bao giờ bố mẹ về?". Bé mẫu giáo 5 tuổi vẫn hồn nhiên, vô tư chơi đùa bên cạnh bà nội mà không biết rằng, bố mẹ em sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ngôi nhà giờ đây chỉ còn lại những mảnh ký ức đau thương nhưng bà Nguyễn Thị Phòng, người mẹ của anh Học, vẫn gắng gượng chăm sóc ba cháu nhỏ, mong sao chúng vượt qua nỗi đau không lời này.
Nông nghiệp thiệt hại, hạ tầng bị phá hủy, giao thông tê liệt
Nền nông nghiệp và kinh tế của tỉnh cũng chịu tổn thất lớn. Các cánh đồng lúa bị ngập úng và cuốn trôi, nhiều trang trại gia súc, gia cầm bị phá hủy, hàng ngàn héc-ta hoa màu hư hại hoàn toàn. Ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại Yên Bái trên 5.738 tỷ đồng.
"Chúng tôi đã mất trắng toàn bộ mùa vụ và bây giờ không biết làm sao” - chị Trần Thị Minh, một nông dân ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái chia sẻ trong tiếng nấc. Cơ sở hạ tầng tại Yên Bái cũng không thoát khỏi sức tàn phá của bão. Hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông bị ngập lụt hoặc sạt lở, khiến việc đi lại và cứu trợ trở nên vô cùng khó khăn. Các tuyến đường huyết mạch nối liền giữa các xã và huyện bị đứt đoạn, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn. Nhiều cây cầu nhỏ, cầu treo bắc qua suối đã bị cuốn trôi, làm tăng thêm khó khăn trong việc tiếp cận và giúp đỡ những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất.
"Chúng tôi đã cố gắng giữ liên lạc với chính quyền, nhưng đường truyền cũng bị gián đoạn và việc đi lại quá khó khăn. Chúng tôi như bị mắc kẹt giữa một biển nước" - anh Hoàng Văn Quý ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái chia sẻ. Thêm vào đó, hệ thống điện lưới bị phá hủy khiến cho cuộc sống của người dân trở nên vô cùng khó khăn. Mất điện đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày bị đình trệ, người dân rơi vào tình trạng thiếu thốn các nhu yếu phẩm cơ bản.
Nỗi lo lắng về tương lai
Đối với người dân Yên Bái, nỗi ám ảnh về bão số 3 không chỉ là sự mất mát về vật chất ở hiện tại mà còn là nỗi lo lắng về tương lai. Tuy từng đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên tai trong quá khứ nhưng cơn bão lần này đã để lại những vết thương sâu sắc hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình đang sống trong sự lo âu về việc liệu những trận mưa lớn có tiếp tục ập đến hay không. Khi mà hạ tầng còn chưa được phục hồi hoàn toàn, những ngôi nhà mới dựng lại chưa đủ kiên cố và cuộc sống còn chưa ổn định, bất kỳ một cơn bão nào tiếp theo cũng có thể biến mọi nỗ lực khắc phục thành vô ích.
Nỗi đau mất gia đình, người thân của những người dân ở thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên
Chị Triệu Thị Mon - một người mẹ trẻ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên chia sẻ trong nước mắt: "Chúng tôi không biết làm sao để đối phó với mùa mưa bão này. Mỗi khi có thông báo mưa lớn, cả gia đình lại phải rời nhà tìm nơi trú ẩn an toàn. Cuộc sống cứ thế mà đầy bất ổn, không biết ngày mai sẽ ra sao". Sau bão số 3, thôn Khéo Lẹng, xã Tân Phượng vẫn còn trên 50 hộ dân chưa thể về nhà bởi nỗi lo sạt lở đất.
Bão số 3 chỉ là một trong nhiều thách thức mà người dân Yên Bái phải đối mặt trong cuộc chiến với thiên tai. Khi mà tình hình khí hậu ngày càng trở nên phức tạp và khắc nghiệt, tỉnh Yên Bái cũng như nhiều địa phương miền núi khác của Việt Nam đang đứng trước bài toán khó khăn trong việc bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân trước những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Kỳ tiếp theo trong loạt phóng sự này sẽ đề cập đến sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng từ các lực lượng cứu hộ, các tổ chức xã hội và các tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước, cùng những câu chuyện ấm lòng trong bối cảnh khó khăn và hoang tàn mà bão số 3 để lại. Dù đau thương, nhưng người dân Yên Bái vẫn thể hiện tinh thần kiên cường, đoàn kết, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách để có thể từng bước phục hồi lại cuộc sống sau cơn bão.
Anh Dũng - Ngọc Sơn
(Bài 2: Tự lực, tự cường nối "vòng tay lớn”)