Bão số 9 Man-yi vào Biển Đông đêm 17, rạng sáng 18/11, cường độ gió đạt cấp 12, giảm 2 cấp sau khi đi qua đảo Lu Dông (Philippines). Ở ngoài khơi Philippines, bão Man-yi đã đạt cấp siêu bão.
Khi vào Biển Đông, chỉ trong hơn 1 ngày, bão số 9 tiếp tục suy yếu nhanh. Đến sáng và trưa 19/11, bão số 9 chỉ còn cấp 9 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong tối cùng ngày; tan trong sáng nay (20/11), trên vùng biển Trung Trung Bộ.
Trong ngày 18/11, một đợt không khí lạnh tràn xuống nước ta, vừa lúc bão Man-yi vào Biển Đông. Các chuyên gia trước đó dự báo, bão Man-yi khi vào Biển Đông tương tác với không khí lạnh sẽ suy yếu và tan nhanh, khả năng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia cho biết, Biển Đông nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Mùa bão thường bắt đầu từ cuối tháng 5, trong đó các tháng 8-11 là thời kỳ hoạt động mạnh của bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Bên cạnh đó, khí hậu Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với 2 mùa gió chính: là gió mùa Đông Bắc (còn gọi là không khí lạnh) kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và gió mùa Tây Nam bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10.
Giai đoạn thường xuất hiện bão mạnh là khi gió mùa Tây Nam cũng hoạt động mạnh, mặt biển còn ấm khiến cho các cơn bão thường có cường độ rất mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến những nơi bão quét qua.
Tuy nhiên, khoảng tháng 11-12, là cuối mùa mưa bão, các cơn bão hoạt động trên Biển Đông thường chịu tác động của không khí lạnh tràn từ phía Bắc xuống. Lúc này, sự tương tác giữa không khí lạnh với bão/ ATNĐ gây ra hình thế thời tiết rất phức tạp, khó dự đoán.
Nguyên nhân bão gặp không khí lạnh sẽ suy yếu
Theo các chuyên gia, qua thực tế, có một số nguyên nhân khi bão gặp không khí lạnh thường suy yếu. Cụ thể, bão cần nhiệt độ mặt biển ấm để phát triển, cần đối lưu mạnh để vận chuyển hơi ẩm và năng lượng từ mặt biển lên khí quyển trên cao, duy trì năng lượng cho bão tồn tại.
Đồng thời, không khí lạnh thường khô hơn không khí ấm. Độ ẩm không khí giảm làm thiếu điều kiện cần thiết cho việc hình thành đối lưu khiến bão không giữ được cường độ.
Khu vực có không khí lạnh thường nhiệt độ mặt biển thấp, bão mất đi nguồn nhiệt và năng lượng cần thiết để duy trì cường độ.
Ngoài ra, thông thường các cơn bão vào Biển Đông thường có quỹ đạo di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Tuy nhiên, khi có sự tác động mạnh của không khí lạnh, quỹ đạo này sẽ bị đẩy xuống theo hướng Tây và Tây Nam.
Có thể thấy rõ, bão Man-yi, khi vào Biển Đông di chuyển theo hướng Tây, rồi Tây Tây Bắc. Khi di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa, quỹ đạo bão số 9 bị đẩy xuống Tây Nam, đi vào vùng biển khu vực Trung Trung Bộ và tan dần.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp, dù bão yếu đi nhưng sự tương tác với không khí lạnh lại có thể khiến bão gây mưa nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực Trung Bộ. Một phần lý do là địa hình dãy Trường Sơn, và vì bão yếu đi thường di chuyển chậm lại, nên có nhiều thời gian để trút mưa xuống. Điển hình cuối tháng 10 vừa qua, bão số 6 Trà Mi, dù cường độ suy yếu nhưng khi di chuyển vào đất liền đã gây mưa đặc biệt lớn, nhất là khi kết hợp với không khí lạnh di chuyển đến. Đây cũng là lý do, một cơn bão lúc suy yếu thành áp thấp nhiệt đới lại gây mưa rất lớn kéo dài, dẫn đến ngập lụt, sạt lở…
Ngoài ra, cũng có trường hợp, khi bão tác động với không khí lạnh lại mạnh lên. Theo các chuyên gia, trường hợp này là khi không khí lạnh (bản chất là hệ thống áp cao ngoại nhiệt đới, lạnh và khô) mới tiếp cận bão sẽ khiến cho tương phản nhiệt độ, khí áp tăng lên. Sự tương phản này khiến đối lưu tăng và làm bão mạnh lên.
Nhưng khi không khí lạnh bắt đầu xâm nhập vào trong bão, bão sẽ suy yếu nhanh chóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là lý thuyết, cần có những nghiên cứu sâu hơn từ thực tế để phân tích, kiểm nghiệm.
(Theo Vietnamnet)