Hiệu quả hợp phần ngân sách phát triển xã ở Hồng Ca
- Cập nhật: Thứ hai, 2/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hồng Ca là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên(Yên Bái), đời sống nhân dân còn khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Được sự đầu tư của Dự án Giảm nghèo, Ban phát triển xã đã triển khai thực hiện kế hoạch, quản lý các hợp phần được giao tại cơ sở, phát huy được tác dụng, hiệu quả, tạo đà cho kinh tế- xã hội phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới kiểm tra thực tế tại xã Hồng Ca(Trấn Yên, Yên Bái) năm 2007. Ảnh: TT.
|
Trong 5 năm từ năm 2002- 2007, Ban phát triển xã đã triển khai 4 hợp phần dự án trên địa bàn, tổng số vốn thực hiện trên 7,58 tỷ đồng. Trong đó, hợp phần giao thông và chợ 2 tỷ đồng; hợp phần nông nghiệp 3,33 tỷ đồng; hợp phần giáo dục, y tế 1 tỷ đồng và hợp phần ngân sách phát triển xã.
Đối với hợp phần nông nghiệp, đã đầu tư thực hiện 5 mô hình tại các thôn bản. Bao gồm: đầu tư thâm canh lúa cho 157 hộ với 7,85 ha; rau sạch 15 hộ với 0,8 ha; măng tre Bát độ 76 hộ với 12,6 ha; chăn nuôi bò, lợn cho 49 hộ, 49 con. Về hợp phần giáo dục y tế, đã đào tạo tập huấn được 9 cán bộ y tế xã, thôn bản; nâng chuẩn từ 9 +3 lên 12+ 2 cho 8 giáo viên tiểu học. Xã cử đi đào tạo, tập huấn 21 lượt cán bộ, giúp nâng cao năng lực cán bộ xã và các thôn bản trong việc quản lý điều hành và giám sát các công trình.
Trong thực hiện hợp phần ngân sách xã, Ban phát triển xã đã thực hiện theo 5 chu kỳ từ năm 2005 đến 2007, với tổng số 60 tiểu dự án, tổng vốn đầu tư trên 1,17 tỷ đồng, trong đó vốn WB trên 1 tỷ, dân đóng góp 104 triệu đồng. Các công trình như: đường giao thông, cầu, cống, mương, đ?p thủy lợi, nhà mẫu giáo đã được hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế và nhiệm vụ quản lý ở cơ sở, thông qua các chương trình dự án công tác tổ chức bộ máy quản lý được nâng cao và ngày càng hoạt động có hiệu quả. Việc đấu thầu mua sắm căn cứ theo hồ sơ dự toán thiết kế công trình đã được công khai, dân chủ, thông báo mời thầu, cộng đồng dân cư được họp xem xét bình chọn nhà thầu đủ năng lực thi công để đề nghị Ban phát triển xã ký hợp đồng thi công công trình. Hầu hết các thôn bản tổ chức tốt việc thi công các công trình như: thôn Cà Nộc, Bản Chiềng, Đồng Đình, Khuôn Bổ. Nhiều cá nhân, cán bộ công chức, trưởng đoàn thể kiêm nhiệm tham gia Ban phát triển xã đã tích cực phối hợp thực hiện dự án, góp phần đạt kết quả chung trong thực hiện dự án tại xã.
Từ thực tế ở một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, khi đón nhận dự án đầu tư, nhân dân rất phấn khởi và đồng tình, đóng góp ngày công xây dựng đường giao thông Khe Thẹt, cống thôn Đồng Đình, cầu qua suối Cà Nộc, nhà mẫu giáo Bản Cọ... Rồi một số mô hình nông nghiệp đã tạo cho nông dân nhận thức mới về áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, thâm canh lúa, rau, tre Bát độ.
Ông Hà Ngọc Toanh- Trưởng Ban phát triển xã cho biết: "Để thực hiện các chương trình dự án đạt kết quả, xã đã làm tốt công tác chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, bảo đảm việc phối kết hợp của các cấp, ngành liên quan. Do được tập huấn bài bản từ thủ tục hồ sơ đến chỉ đạo thi công, giám sát, một số khâu lập dự toán thiết kế đến làm thủ tục thanh quyết toán đã được cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn sát sao nên đảm bảo chính xác, kịp thời".
Thông qua dự án, dân chủ hóa được mở rộng, phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã phát huy được tác dụng. Các công trình được đầu tư phục vụ quyền lợi sát sườn của nhân dân nên công tác giải phóng mặt bằng khi thi công có nhiều thuận lợi, bảo đảm đưa vào khai thác sử dụng đúng thời gian đề ra.
Để các công trình đầu tư phát huy tốt hiệu quả, chính quyền xã chỉ đạo các thôn bản và cộng đồng dân cư chủ động trong việc duy tu, bảo dưỡng bảo đảm sự bền vững của công trình, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Văn Trung
Các tin khác
Đó là dự án sẽ được triển khai ngay tại trung tâm khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông), nơi có vị trí đắc địa, chỉ cách Ngã Tư Sở (Hà Nội) khoảng 4 km. UBND tỉnh Hà Tây vừa chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty TNHH Inpyung (Hàn Quốc) - chủ đầu tư.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm tới nay đã lên tới 14,7 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5-2008, cả nước có 130 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,498 tỷ USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 5 tháng đầu năm 2008 lên 324 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14,7246 tỷ USD.
Bộ Phát triển quốc tế của Anh (DFID) hôm qua đã công bố chương trình Hỗ trợ quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2007 – 2011, theo đó Chính phủ Anh sẽ cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 100 triệu USD cho Việt Nam hàng năm, cho tới năm 2011. (Theo SGTT)