Trấn Yên: Chắc chắn - thận trọng - khẩn trương trong giải phóng mặt bằng đường cao tốc
- Cập nhật: Thứ hai, 23/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Công trình xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua huyện Trấn Yên có tổng chiều dài 26,55 km đi qua 7 xã gồm: Quy Mông, Y Can, Minh Tiến, Âu lâu, Hợp Minh, Bảo Hưng và Minh Quân; tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng trên 150 ha, sẽ có 312 hộ phải di chuyển và trên 1.000 hộ khác bị ảnh hưởng trực tiếp.
Đến trung tuần 6/2008, các bước trong công tác đến bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư đang được huyện Trấn Yên tiến hành một cách khẩn trương, thận trọng và chắc chắn, đảm bảo mục tiêu nhanh gọn, đúng tiến độ, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân và không để phát sinh những vấn đề tiêu cực trong khu vực giải toả.
Theo ông Nguyễn Thành Công - Chủ tịch HĐND, Trưởng ban chỉ đạo công tác GPMB xây dựng đường cao tốc của huyện Trấn Yên cho biết: huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong năm 2008. Theo đúng tinh thần hướng dẫn, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và thành lập Hội đồng đền bù, hỗ trợ, bồi thường tái định cư do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện trực tiếp làm chủ tịch. Hội đồng gồm đầy đủ các thành viên và 5 cán bộ chuyên trách.
Tại các xã cũng có hội đồng gồm các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch UBND, trưởng các thôn có tuyến đường đi qua và 2 hộ gia đình trực tiếp phải di rời. Ban chỉ đạo cấp huyện đã yêu cầu 7 xã có tuyến đường đi qua tổ chức hội nghị quân - dân - chính, qua đó thông báo công khai, đầy đủ các chính sách, các quyết định của tỉnh về việc đền bù, GPMB nói chung và cơ chế chính sách đối với tuyến đường cao tốc nói riêng. Tất cả các văn bản liên quan đều được in, sao toàn bộ niêm yết công khai tại xã, thôn và phát cho cán bộ xã cũng như trực tiếp các hộ thuộc diện đền bù, giải toả.
Như vậy, có thể khẳng định việc công tác tuyên truyền, hướng dẫn, huyện đã làm rất kỹ. Qua nắm bắt thông tin có thể nhận thấy, người dân Trấn Yên hiểu cơ chế, chính sách, ủng hộ chủ trương của Nhà nước và sẵn sàng hợp tác với chính quyền. Huyện cũng đã phát đơn xin ý kiến người dân về nhu cầu tái định cư, qua tổng hợp cho thấy 100% hộ dân đều có nhu cầu chuyển đến sinh sống tại nơi tái định cư do huyện bố trí. Căn cứ vào nhu cầu của bà con, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan xác định được các điểm để quy hoạch tái định cư, đảm bảo nơi ở mới có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đầy đủ và tốt hơn nơi ở cũ.
Được biết, đến thời điểm này các cơ quan chức năng của tỉnh đã hoàn thành việc kiểm tra thực địa, đo, vẽ, cắm mốc công trình ở xã Hợp Minh và Bảo Hưng. Qua đó, đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất cán bộ chức năng của huyện và xã đang tiến hành kiểm kê đất và tài sản trên đất của hai xã này.
Có mặt tại Bảo Hưng và Hợp Minh những ngày này, chúng tôi nhận thấy câu chuyện về đền bù, giải toả đang rất "thời sự". Nhìn chung bà con đều đồng tình ủng hộ chủ trương của Nhà nước và chấp hành việc di dời nhà cửa, dời bỏ ruộng vườn để lấy đất làm công trình, ngay cả những hộ vẫn còn một số khúc mắc chưa được giải thích một cách cụ thể. Hiện tượng khu vực giải toả biến thành "đại công, nông trường" trồng cây dày đặc và xây nhà gấp để lấy tiền đền bù không thấy xuất hiện.
Ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện không phải là chủ dự án, chủ đầu tư nên về cơ chế, chính sách chúng tôi chỉ biết chấp hành. Những kiến nghị hợp lý của người dân chúng tôi sẽ tập hợp và chuyển lên các cấp có thẩm quyền. Với trách nhiệm của mình, huyện sẽ phấn đấu thực hiện việc giải phóng mặt bằng một cách nhanh gọn, chính xác. Quan điểm của huyện là làm chắc chắn – thận trọng – khẩn trương và không để xảy ra sai phạm".
Có thể nói việc triển khai công tác đến bù, GPMB xây dựng tuyến đường cao tốc Lào Cai – Nội Bài trên địa bàn huyện Trấn Yên đang được triển khai, thực hiện nghiêm túc và đồng bộ. Ý thức của người dân nói chung và nhất là hai xã Hợp Minh và Bảo Hưng là khá tốt, vì vậy, việc di dời 312 hộ trong khu vực giải toả đến nơi tái định cư có thể diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, khi trực tiếp làm việc với chính quyền các xã và nhất là gặp gỡ với người dân, chúng tôi nhận thấy không ít những thắc mắc của bà con như: "Có đám ruộng Nhà nước thu hồi gần hết, diện tích còn lại, rộng vài mét vuông thì cấy cày kiểu gì? không canh tác được nữa thì có được bồi thường không?"; "Công trình lấy hết cổng ngõ, nhà dân treo leo giữa lưng gò, không còn đường đi lối lại, ảnh hưởng đến cuộc sống thì Nhà nước cần phải bố trí cho gia đình nơi ở khác!"; "Sẽ có nhiều công trình thủy lợi, nhiều thửa ruộng bị ảnh hưởng thì Nhà nước có chính sách gì và giải quyết thế nào?"...
Những kiến nghị của người dân cần được tỉnh và Ban quản lý dự án quan tâm, xem xét và giải quyết thấu đáo. Còn trước mắt, Trấn Yên nói riêng và các địa phương làm công tác đền bù, GPMB nói chung ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tiến hành các bước nghiệp vụ một cách công khai, minh bạch, dứt điểm và cương quyết thì cần giải quyết thật tốt việc tái định cư cho dân. Khi nơi ở mới có cơ sở hạ tầng thuận lợi mà giá cả hợp lý thì người dân mới cảm thấy đỡ thiệt thòi và yên tâm chuyển nhà cửa, rời bỏ ruộng vườn dành đất cho công trình.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh Yên Bái có chiều dài 80,73km liên quan tới 15 xã của hai huyện Trấn Yên và Văn Yên; diện tích đất phải thu hồi phục vụ dự án liên quan tới 1.133 hộ dân, trong đó có 583 hộ dân phải di chuyển nhà tới nơi ở mới với tổng diện tích phải thu hồi là 5.924 ha.
Ngày 16-6, tại UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án “Công viên phần mềm Thủ Thiêm” cho Công ty Liên doanh TNHH TA Việt Nam.
Chính phủ đã phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ kỹ thuật "Phát triển kinh doanh nông sản vùng cao tại Việt Nam, giai đoạn mở rộng 2008-2009" do Chính phủ Thụy Sĩ viện trợ không hoàn lại.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức phê duyệt khoản tín dụng trị giá 200 triệu USD cho Dự án Tài chính nông thôn III (TCNT III) của Việt Nam trong năm tài khóa 2008.