Đầu tư nước ngoài tăng kỷ lục
- Cập nhật: Thứ ba, 5/8/2008 | 12:00:00 AM
Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút được 45,28 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2007.
|
Du lịch và bất động sản hút vốn FDI
Theo báo cáo của Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm các doanh nghiệp có vốn ĐTNN trực tiếp (FDI) đã góp vốn thực hiện ước đạt 6 tỉ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTNN trong 7 tháng đầu năm 2008 đạt 25,3 tỉ USD, tăng 33,9%. Trong tháng 7.2008, cả nước có 167 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13,551 tỉ USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 7 tháng đầu năm 2008 lên 654 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44,49 tỉ. Cục ĐTNN nhận định, vốn đăng ký cấp mới trong 7 tháng đầu năm 2008 tăng khá cao do có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép, riêng 27 dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên đã đạt trên 40 tỉ USD. Nổi bật lên là một số dự án lớn quy mô vốn trên 3 tỉ USD. Trong đó có Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư 7,879 tỉ USD tại Vũng Áng, Hà Tĩnh để xây dựng cảng và nhà máy luyện kim. Công ty lọc dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 6,2 tỉ USD (vốn điều lệ là 200 triệu USD) do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam liên doanh với các tập đoàn Nhật và Hà Lan để xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm (khoảng 200.000 thùng/ngày) tại Thanh Hóa. Tập đoàn New City (Brunei) đầu tư 4,3 tỉ USD để xây dựng khu đô thị mới tại Phú Yên. Tập đoàn Asian Coast Development (Canada) Ltd. đầu tư 4,23 tỉ USD vào dự án Hồ Tràm xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, các khách sạn 5 sao (9.000 phòng), khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, văn phòng- căn hộ, biệt thự cao cấp, sân golf, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài...) tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Long Sơn do liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vina SCG Chemical với Thai Plastic đầu tư 3,77 tỉ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Gần đây nhất là dự án xây dựng khu đô thị Đại học Berjaya Leisure (Malaysia) do Công ty Berjaya Leisure đầu tư 3,5 tỉ USD tại TP.HCM. Xu hướng các nhà ĐTNN đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt vào các khu vui chơi giải trí, công trình bất động sản đã tăng lên. Triển vọng lạc quan
Trong 7 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp ĐTNN thu hút thêm khoảng 16.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn ĐTNN đến nay đạt 1,38 triệu lao động, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục ĐTNN, kết quả thu hút vốn ĐTNN nói trên thể hiện sự tin tưởng của các nhà ĐTNN đối với môi trường đầu tư nước ta hiện nay, mặc dù môi trường đầu tư - kinh doanh nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát tăng cao, giá cả biến động. Một số doanh nghiệp ĐTNN đã triển khai dự án tích cực ngay trong tháng đầu tiên của năm 2008 dù biến động giá cả của thị trường thế giới đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.
Theo Điều tra hằng năm của JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật) tiến hành trên 1.745 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á, về trung hạn có 92,6% doanh nghiệp sản xuất và 88% doanh nghiệp dịch vụ dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Về dài hạn, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á. Tuy nhiên, tỷ lệ có lãi của các doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam lại rất thấp, chỉ là 29,2% trong khi mức bình quân chung tại châu Á là 69,5% và tại ASEAN là 66,2%.
Về những mặt hạn chế trong việc thu hút ĐTNN, ông Phan Hữu Thắng phân tích: "Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với các khó khăn trong thời gian gần đây như lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, thâm hụt ngân sách gia tăng và nguy cơ về mất ổn định tiền tệ... Theo báo cáo điều tra doanh nghiệp thường niên mới đây của JETRO thì chi phí thuê văn phòng ở Hà Nội hiện đang đứng thứ 5 trong khu vực châu Á, sau 2 thành phố Mumbai và New Dehli của Ấn Độ, Hồng Kông và Singapore; chi phí vận chuyển đường biển đến và đi từ Đà Nẵng cao nhất khu vực, gấp rưỡi chi phí bình quân từ các nước châu Á; chi phí thuê nhà ở của người nước ngoài tại TP.HCM hiện cũng đang ở mức rất cao so với khu vực, xấp xỉ tiền thuê nhà tại Singapore và gấp đôi tại Seoul (Hàn Quốc). Chi phí đầu tư cao là thách thức lớn cho thu hút và giải ngân vốn FDI thời gian tới".
Ông Thắng cho biết trong thời gian tới, Cục ĐTNN sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước, phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phối hợp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đăng ký của các dự án đã được cấp phép...
(Theo TNO)
Các tin khác
Sáng 3/8, tại Hà Nội, thường trực Chính phủ đã nghe 3 liên danh tư vấn nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc báo cáo ý tưởng nghiên cứu quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chính phủ đã ký kết dự án hợp tác, giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội trong thập kỷ tới.
Đại diện Bộ KH&CN, Đại sứ quán Thụy Sĩ và Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) vừa ký kết Dự án “ Hỗ trợ Việt Nam sau khi gia nhập WTO - xây dựng năng lực tuân thủ TBT/SPS trong các ngành xuất khẩu chủ chốt”.
Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cho Việt Nam vay 150 triệu USD theo hình thức tín dụng ưu đãi để triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.