ADB cho Việt Nam vay hơn 50 triệu USD để giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 9/12/2008 | 12:00:00 AM
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa nhất trí cho Việt Nam vay 25 triệu USD nhằm thực hiện cải cách chính sách cho chương trình giảm nghèo của Việt Nam; đồng thời quyết định tài trợ một khoản tiền bổ sung trị giá 25,5 triệu USD vào khoản vay hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam, nhằm phục hồi cơ sở hạ tầng nông thôn bị thiệt hại nghiêm trọng do những cơn bão năm 2005 gây ra.
Cầu Ngòi Lung (Văn Chấn - Yên Bái) bị thiệt hại nghiêm trọng do những cơn bão năm 2005 gây ra.
|
Khoản vay 25 triệu USD sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình giảm nghèo được đưa ra trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội (SEDP) 2006-2010. Theo đó, khoản vay cung cấp một khoản tài chính song song với chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 7 (PRSC 7) của Ngân hàng Thế giới (WB) trong khuôn khổ của tiến trình PRSC.
Tiến trình PRSC gồm nhiều hoạt động liên quan được tiến hành hàng năm với sự tham gia của các tổ chức phát triển nhằm giúp Việt Nam thực hiện công cuộc cải cách chính sách cần thiết cho việc thực hiện thành công chiến lược giảm nghèo. WB điều phối các hoạt động của chương trình PRSC cho các tổ chức phát triển tham gia chương trình này. ADB tham gia tiến trình PRSC năm 2003. Từ năm 2004 đến 2007, ADB đã phê duyệt bốn khoản vay, thông qua chương trình PRSC, nhằm hỗ trợ việc thực hiện các chương trình giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam. Khoản vay này sẽ hỗ trợ một loạt các hoạt động cải cách chính sách trong các lĩnh vực phát triển kinh doanh, kết nối xã hội, quản lý tài nguyên và quản trị quốc gia.
Với khoản tiền bổ sung trị giá 25,5 triệu USD vào khoản vay hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm phục hồi cơ sở hạ tầng nông thôn bị thiệt hại nghiêm trọng do những cơn bão năm 2005 gây ra, dự án này ban đầu được ADB phê duyệt vào năm 2006 với một khoản vay là 50,97 triệu USD. Nguồn tài chính này giúp giải quyết các mục tiêu phát triển thế chế của dự án bằng một khoản tài trợ kèm theo. Việt Nam sẽ bổ sung thêm 4,5 triệu USD vào khoản 8,9 triệu USD đã đóng góp khi dự án này được phê duyệt lần đầu tiên.
Dennis Ellingson, Chuyên gia cao cấp về Quản lý Tài nguyên thiên nhiên thuộc Phòng Đông Nam Á của ADB cho biết, nếu không có nguồn tài chính bổ sung, các khoản đầu tư đã được thực hiện của dự án này sẽ gặp rủi ro vì những công trình đang hoàn thiện có thể sẽ bị hư hỏng hoặc không phát huy được mục đích của chúng. Đến tháng 10/2008, khoảng hơn 40% khối lượng công việc của dự án đã được hoàn thành.
Dự án tập trung vào 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất: Hà Giang, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa và Yên Bái.
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
Ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu", với 9 nhiệm vụ và giải pháp.
YBĐT - Ngày 4/12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai Đề án thời gian qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn đồng ý bổ sung 230 triệu USD vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) cho Dự án Nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ (Dự án WB 4).
Bộ Công thương vừa phê duyệt chương trình sản xuất vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu đến năm 2015. Theo đó sẽ dành hơn 2,5 tỉ USD cho các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung, dự án sợi dệt nhuộm, nhà máy sản xuất xơ...