Trái phiếu Chính phủ góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng cao Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/9/2010 | 2:54:18 PM

YBĐT - Tổng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ được giao đối với tỉnh Yên Bái tính đến hết tháng 8/2010 là 1.453,688 tỷ đồng, ngay sau khi có thông báo vốn của Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ kịp thời, bảo đảm đúng thời gian quy định.

Tuyến đường Trạm Tấu - Bắc Yên (Sơn La) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuyến đường Trạm Tấu - Bắc Yên (Sơn La) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có Nghị quyết về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng một số công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng của đất nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định về việc phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 - 2010, tổng mức trái phiếu phát hành trong giai đoạn này là 110.000 tỷ đồng. Hàng năm, Chính phủ căn cứ vào nhu cầu đầu tư của các ngành, các địa phương để phân bổ nguồn vốn này.

Tình hình thực hiện và hiệu quả các công trình, dự án

Đối với tỉnh Yên Bái, tổng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ được giao tính đến hết tháng 8/2010 là 1.453,688 tỷ đồng để thực hiện đầu tư trên các lĩnh vực: giao thông, thuỷ lợi, xây dựng bệnh viện, kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Ngay sau khi có thông báo vốn của Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ kịp thời, bảo đảm đúng thời gian quy định. Đồng thời thực hiện bố trí vốn cho các dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục đảm bảo theo đúng cơ cấu vốn đã được Trung ương thông báo.

Các công trình, dự án được xem xét bố trí vốn trái phiếu Chính phủ đều bảo đảm các thủ tục đầu tư theo đúng quy định hiện hành và nằm trong danh mục các dự án được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 - 2010. Qua 5 năm (2005 – 2010), tổng giá trị khối lượng thực hiện của các công trình, dự án ước đạt 1.737,534 tỷ đồng, bằng 119,53% kế hoạch, giá trị giải ngân ước đạt 1.453,688 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch giao.

Đối với các dự án giao thông kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giao là 574,613 tỷ đồng, tổng giá trị khối lượng thực hiện của các công trình, dự án ước đạt 692,036 tỷ đồng, bằng 120,44% kế hoạch. Những tuyến đường nội tỉnh và liên tỉnh như: Hợp Minh - Mỵ, Khánh Hoà - Minh Xuân, Trạm Tấu - Bắc Yên, Mường La - Mù Cang Chải được đầu tư nâng cấp và mở mới. Rồi đường Đại Sơn - Nà Hẩu, Bản Mù - Làng Nhì, đường xã Chế Tạo, An Lương, Tà Xi Láng… tổng chiều dài được đầu tư xây dựng trên địa bàn là 333,297 km góp phần hoàn thiện đường giao thông đến trung tâm các xã theo cấp hạng kỹ thuật, đảm bảo cho các xã trong vùng dự án có đường giao thông ô tô đi lại thuận lợi. Mạng lưới giao thông thuận lợi chính là điều kiện để lưu chuyển hàng hoá, mở ra khả năng giao thương giữa các vùng miền trong và ngoài tỉnh.

Về lĩnh vực nông nghiệp, các dự án thuỷ lợi cũng được giao kế hoạch là 322,307 tỷ đồng, tổng giá trị khối lượng thực hiện của các công trình, dự án ước đạt 344,935 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch. Những dự án lớn như cụm công trình thuỷ lợi Đồng Khê - Thạch Lương; hệ thống thuỷ lợi Vân Hội - Mường Lò; Dự án nâng cấp cụm công trình thuỷ lợi Bắc Văn Yên bảo đảm tưới cho 2.972 ha và Dự án sửa chữa, nâng cấp hàng loạt các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh cũng nâng cao năng lực tưới cho thêm vài ngàn ha. Với tỉnh miền núi như Yên Bái thì việc chống sạt lở, lũ quét luôn luôn được đặt ra.

Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, địa phương đã đầu tư xây dựng 3 công trình kè ở những nơi xung yếu như: kè chống sạt lở bờ sông Hồng khu vực thành phố Yên Bái; kè Ngòi Thia thị xã Nghĩa Lộ; kè suối Nậm Kim huyện Mù Cang Chải, bước đầu các công trình này đã phát huy tác dụng.

Từ năm 2008, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện khu vực liên huyện sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh Yên Bái được giao chỉ tiêu để xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế cho 9 bệnh viện và 19 phòng khám khu vực với quy mô 1.045 giường bệnh. Tổng số vốn là 230 tỷ đồng, tổng giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 359,016 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch.

Sự đầu tư góp phần nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ cho khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh, đưa các dịch vụ y tế hiện đại về gần người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn.

 Trong thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 từ nguồn trái phiếu Chính phủ, tỉnh Yên Bái được đầu tư xây dựng 1.765 phòng học và 73.320m2 nhà công vụ (quy đổi bằng 1.997 phòng ở công vụ), tổng số vốn để thực hiện Đề án là 394,524 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2008 - 2010 đã triển khai thực hiện đầu tư được 843 phòng học và 648 nhà ở công vụ, vốn trái phiếu Chính phủ đã bố trí là 326,768 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện và giải ngân bằng 100% kế hoạch.

Nhìn chung, các công trình, dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã nâng cao cơ sở hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo và phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Yên Bái.

Vẫn cần điều chỉnh và tiếp tục đầu tư

Theo ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh: năm 2010, sẽ hoàn thành 1 dự án giao thông, 3 dự án thuỷ lợi, 7 dự án y tế cùng toàn bộ các dự án thuộc Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên đã được bố trí vốn triển khai thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2010. Nhưng do nguồn lực đầu tư hạn chế và ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách, sự biến động của giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng… một số dự án cần điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để bố trí vốn vào giai đoạn tiếp theo.

Như vậy tổng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn sau để triển khai thực hiện hoàn thành các dự án triển khai dở dang trong giai đoạn 2003 – 2010 thuộc lĩnh vực giao thông là 1.256,123 tỷ đồng; dự án thuỷ lợi 327,504 tỷ đồng; lĩnh vực y tế 484,823 tỷ đồng và 465 tỷ đồng cho dự án thuộc lĩnh vực giáo dục.

Trên cơ sở tình hình thực hiện và hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2003 - 2010 thì việc tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn này trong giai đoạn 2011 - 2015 là rất cần thiết, nhằm mục tiêu củng cố các công trình kết cấu hạ tầng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Tuy vậy, cách phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm nên dựa trên cơ sở nguồn lực đầu tư, căn cứ nhu cầu của các địa phương, của các ngành về từng lĩnh vực, danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để phân bổ vốn cho phù hợp.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách địa phương như Yên Bái cũng cần được hưởng mức hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ bằng 100% tổng mức đầu tư của dự án để triển khai thực hiện.

Việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ ở Yên Bái có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

 Thế Quynh

Các tin khác

Ngày 28-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo cập nhật về triển vọng phát triển châu Á năm 2010. Trong đó, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2010 từ 6,5% lên 6,7%, trong năm 2011 từ 6,8% lên 7%, đồng thời hạ mức dự báo lạm phát năm 2010 xuống 8,5% và năm 2011 xuống 7,5%.

Ngày 14/7, HĐND Hà Nội đã nhất trí đặt tên trục đường Láng - Hòa Lạc là Đại lộ Thăng Long.

Thủ tướng vừa cho phép tổ chức lễ thông xe và gắn biển Đại lộ Thăng Long vào ngày 29/9. Đại lộ dài 28 km, rộng 140 m, với 2 dải đường cao tốc sẽ nối trung tâm thủ đô với đô thị Hòa Lạc.

Ngày 21-9, tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, UBND tỉnh Quảng Nam, Cty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành đưa nhà máy vải sợi thuỷ tinh với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng (giai đoạn 1) đi vào hoạt động.

Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đại lộ Đông Tây, thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài gần 22 km.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục