Thác Bà vẫy gọi
- Cập nhật: Thứ hai, 25/10/2010 | 9:46:33 AM
YBĐT - Để phát tiềm năng của hồ, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng tuyến đường Đông hồ, nối hàng chục xã phía đông Yên Bình với đất ngọc Lục Yên và tỉnh bạn Tuyên Quang. Tỉnh có chủ trương khôi phục những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa để khai thác những điểm du lịch tâm linh, sinh thái
Nếu được khai thác triệt để, hồ Thác Bà sẽ đem lại nguồn thu lớn cho địa phương.
|
Được khởi công xây dựng vào năm 1964 và hoàn thành vào năm 1971, hồ Thác Bà được hình thành với diện tích tự nhiên 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.505 ha; hồ dài 80 km trải từ Yên Bình đến Lục Yên, chiều rộng từ 10 đến 15 km, độ sâu 50 - 60 m. Có thể nói, hiếm có hồ nước nhân tạo nào trong nước và khu vực có nhiều công dụng như hồ Thác Bà, từ sản xuất điện, ngăn lũ, điều hòa khí hậu, nuôi trồng thủy sản, vận tải, đến cấp nước sinh hoạt...
Từ khi xây dựng đến nay, trải qua thời gian, chiến tranh và bao lần thiên tai, công trình Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành thủy điện miền Bắc XHCN vẫn vững vàng, hàng năm cung cấp hàng triệu KWh điện phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cung cấp nước sản xuất và ngăn lũ cho các tỉnh đồng bằng.
Sản xuất ra nguồn điện năng quí giá phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH, với vùng nước ngập rộng lớn, trên hồ có 1.331 hòn đảo lớn nhỏ. Hàng năm, từ đây đã cho thu một sản lượng gỗ rừng trồng lớn để phục vụ sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, những núi đá tự nhiên do nước ngập đã tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp "sơn thủy hữu tình". Thác Bà được ví như một "Hạ Long trên núi". Sau vài giờ lênh đênh sóng nước, du khách có thể đến thăm động Thủy Tiên, Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể gắn với nhiều truyền thuyết hấp dẫn... Trong hệ thống hang động trên hồ Thác, phải kể đến động Thủy Tiên.
Nằm sâu trong lòng núi đá khoảng 100 m, nơi đây lưu truyền sử sách về Vũ Văn Mật - một vị đầu lĩnh thời Lê. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Yên Bái làm việc tại nơi đây. Động gắn với huyền thoại về chín nàng tiên xinh đẹp trốn Ngọc Hoàng xuống vui chơi ở chốn hồng trần. Thăm động, du khách sẽ được ngắm nhìn kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa mầu sắc, với hệ thống hang vòng vèo gắn với truyền thuyết ly kỳ, du khách sẽ như lọt vào thế giới thần tiên như mơ, như thực để rũ bỏ những mệt nhọc, ưu phiền đời thường.
Nằm trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, nơi quần tụ sinh sống của 13 dân tộc anh em, hồ Thác là nơi hội tụ màu sắc văn hóa đa dạng, với những lễ hội, phong tục sinh hoạt truyền thống độc đáo của người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá... sinh sống bên hồ. Bên cạnh đó, hồ Thác cũng được biết đến bởi địa điểm du lịch tâm linh. Đền Thác Bà hay đền Mẫu Thác Bà tọa lạc trên núi Hoàng Thi, dựa vào lưng núi, với thế bao quát đất trời, nhìn xa thấy rộng. Đền thờ Mẫu và các vị thần gắn với truyền thuyết "Thần nữ được thờ ở Thác Bà là con gái của vua Hùng thứ 18 với tên gọi Ngọc Hoa công chúa", lễ hội đền và tiệc Mẫu được nhân dân tổ chức vào ngày 8,9 tháng Giêng và ngày 10/10 Âm lịch.
Với diện tích gần 20 ngàn ha mặt nước trải dài theo con sông Chảy, hồ Thác Bà còn là tuyến đường thủy quan trọng để vận chuyển khách, vận chuyển nguyên liệu từ các mỏ khoáng sản về phục vụ sản xuất công nghiệp. Có sức chứa hàng tỷ mét khối nước, hồ là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân thành phố Yên Bái. Không những thế, do môi trường thuận lợi, hồ là nơi sinh sống của hàng trăm loại thủy sản có giá trị như: cá măng, chép, trắm, mè, tôm...
Để khai thác tiềm năng thủy sản, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh mà đến nay hàng ngàn hộ dân của hai huyện Yên Bình và Lục Yên sinh sống từ nghề đánh bắt cá đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản với sản lượng hàng năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn. Đặc biệt, Công ty Cá tầm Phương Bắc đã nuôi thành công cá tầm bố mẹ để mở rộng nuôi trồng đại trà, tương lai sẽ mở ra hướng nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao trên hồ.
Để phát tiềm năng của hồ, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng tuyến đường Đông hồ, nối hàng chục xã phía đông Yên Bình với đất ngọc Lục Yên và tỉnh bạn Tuyên Quang. Tỉnh có chủ trương khôi phục những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa để khai thác những điểm du lịch tâm linh, sinh thái. Bên cạnh đó, Khu du lịch Tân Hương với diện tích hàng trăm héc-ta đã được quy hoạch và xây dựng trong tương lai sẽ là điểm đến vui chơi hấp dẫn. Tỉnh cũng ban hành những chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà những tiềm năng này mới chỉ khai thác được một phần, đặc biệt là tiềm năng về thủy sản và du lịch.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước để phát huy nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà, có những chính sách để thu hút đầu tư du lịch... Tin rằng, trong thời gian tới với những chính sách và giải pháp cụ thể, những tiềm năng, lợi thế của hồ Thác sẽ được các tổ chức, cá nhân đầu tư để khai thác triệt để. Hồ Thác sẽ là điểm đến của du khách, sẽ là niềm tự hào của người dân Yên Bái, đem lại nguồn thu nhập và cuộc sống ấm no cho người dân.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Khoản hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 1 triệu USD sẽ giúp tăng cường hiệu quả trong quản lý giao thông đường bộ và thu hút đầu tư cho mạng lưới giao thông đường bộ tại Việt Nam.
YBĐT - Để chuẩn bị cho Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc năm 2010 tổ chức tại tỉnh Yên Bái vào tháng 12, ngày 14/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Ban tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc năm 2010.
YBĐT - Chương trình 135 (giai đoạn II) ở tỉnh Yên Bái triển khai đạt nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
YBĐT - Từ thực hiện đồng bộ các giải pháp và chính sách thu hút đầu tư mà tổng vốn đầu tư phát triển 5 năm (2005 - 2010) của Yên Bái đạt 17.361 tỷ đồng, bằng 133,5% mục tiêu kế hoạch Việc nhiều nhà đầu tư đến với Yên Bái để sản xuất, kinh doanh và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng...