Yên Bái - những lợi thế đầu tư

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/12/2010 | 2:52:37 PM

YBĐT - Tuy không phải là tỉnh nằm trong trục động lực phát triển kinh tế quốc gia, song Yên Bái lại có vị trí quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng, là tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc, có hệ thống giao thông thuận lợi từ đường thủy, đường sắt đến đường bộ.

Công nhân Công ty TNHH Đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam chế tác đá xẻ tại huyện Lục Yên để xuất khẩu.
(Ảnh: M.H)
Công nhân Công ty TNHH Đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam chế tác đá xẻ tại huyện Lục Yên để xuất khẩu. (Ảnh: M.H)

Cơ cấu kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 12%, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng và có trữ lượng lớn, sản phẩm nông - lâm nghiệp dồi dào, đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đầy tâm huyết, với những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng… Yên Bái luôn là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dẫu là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái đã biết khai thác tối đa những lợi thế về nông - lâm nghiệp, đến nay đã quy hoạch và hình thành những vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng tốt cho chế biến. Nói đến Yên Bái là nói đến chè, toàn tỉnh có trên 13 ngàn ha chè kinh doanh, sản lượng búp hàng năm đạt trên 85 ngàn tấn.

Không chỉ có vậy mà trong vòng 7 năm trở lại đây Yên Bái đã đầu tư mọi nguồn lực giúp bà con nông dân xóa chè già cỗi, chè giống cũ với diện tích hàng ngàn ha bằng giống chè lai LDP1, LDP2, chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên và một số giống chè nhập nội khác phù hợp cho chế biến chè xanh, chè Ôlong, chè CTC, chè đen chất lượng cao. Trên vùng núi cao có chè Shan tuyết Suối Giàng, Nậm Búng, Gia Hội, Púng Luông, Mù Cang Chải… và có nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là vùng nguyên liệu tốt đáp ứng thoả mãn cho chế biến chè CTC, chè xanh chất lượng cao, chè ướp hoa tươi và chè thảo mộc, chè nhúng, chè hòa tan…

Cùng với chè Yên Bái còn có trên 200 ngàn ha rừng trồng kinh tế, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên 200 ngàn m3 mỗi năm, 150 ngàn tấn tre, vầu, nứa và hàng ngàn tấn lâm sản phụ. Đó là lợi thế cho đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ chất lượng cao. Nếu miền Trung có quế Trà My, thì Yên Bái có quế Văn Yên, Trấn Yên rộng lớn với trên 30 ngàn ha, sản lượng khai thác quế vỏ đạt 2.500 tấn/năm, quế có hàm lượng tinh dầu cao. Bên cạnh đó, Yên Bái còn có vùng sắn, vùng cây ăn quả rất tập trung, các doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản nên tìm hiểu đầu tư.

Đối với tài nguyên, khoáng sản rất đa dạng, phong phú về chủng loại, hiện trên địa bàn có 257 điểm mỏ thuộc nhóm năng lượng, vật liệu xây dựng, kim loại và nước khoáng. Về trữ lượng: Kaolin 2 triệu tấn, Peldspar 7 triệu tấn, quặng sắt 200 triệu tấn, đồng 300 ngàn tấn, Grafit 142 ngàn tấn, than đá 600 ngàn tấn, than bùn 360 ngàn tấn…

Đặc biệt, các mỏ đá vôi trắng trên địa bàn có trữ lượng rất lớn 8,7 tỷ m3, tập trung tại huyện Lục Yên, Yên Bình có đường bộ, đường thủy thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa. Các mỏ đá vôi trắng chất lượng rất cao, hàm lượng Cao dao động từ 55,39% đến 55,78%, độ trắng từ 84,75% đến 95,85%, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất chất độn cao cấp trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, chế biến cao su, sơn, đồ nhựa, sản xuất giấy, giầy, dép…

Hiện đã có 36 nhà máy chế biến đá vôi trắng, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là đá bột, đá hạt, đá Block và bột Felspat, nhưng thực tế các nhà máy còn nhỏ, công nghệ chưa cao, năng lực hạn chế. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên vô giá này, cần có những nhà đầu tư đủ tiềm lực đến đầu tư, liên doanh, liên kết đầu tư các hệ thống dây chuyền tuyển chọn và chế biến tiên tiến, tinh chế các loại bột nhẹ, bột nặng, đá ốp lát… đáp ứng mọi lĩnh vực sử dụng của các ngành công nghiệp, xây dựng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Yên Bái còn có vùng mỏ đá mỹ nghệ với trữ lượng khá lớn và rất đẹp về mầu sắc, hình thù được đánh giá là vùng đá cảnh đẹp nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, Yên Bái còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ cùng với nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cộng đồng. Đặc biệt, vùng du lịch hồ Thác Bà - nơi có nhà máy thủy điện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam và là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất nước. Trên hồ có hơn 1.300 hòn đảo nổi được bao quanh bởi nhiều dãy núi hùng vĩ và hệ thống hang động kỳ thú, lung linh. Nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trường đua ngựa, công viên nước, sân Golf…

Hồ Thác Bà đã được quy hoạch vào khu du lịch quốc gia. Ngược thành phố Yên Bái vào với Mường Lò, nơi có suối nước nóng Bản Bon, Bản Hốc và những điệu xòe bất tận, nồng say, lên cao hơn là Mù Cang Chải núi non trùng điệp và những thửa ruộng bậc thang - một kỳ tích sáng tạo của người Mông đã được công nhận là danh thắng quốc gia. Đến Mường Lò du khách sẽ được thưởng thức những hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc và thư giãn dưới dòng suối trong xanh, mát rượi từ ngọn nguồn núi cao đổ về và sẽ được ngâm mình trong dòng suối nóng tự nhiên.

Lên Suối Giàng thấy thấp thoáng một Đà Lạt mộng mơ, nằm ở độ cao 1.370m, Suối Giàng có khí hậu quanh năm mát mẻ trong lành. Một ngày ta cảm nhận rõ được bốn mùa trong năm, đêm trời se lạnh, sáng ra mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng và sườn non, trưa trời trong xanh lộng gió, chiều nắng vàng trải mượt. Đến Suối Giàng bạn không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn của những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi…

Yên Bái còn có một hệ thống rừng già, rừng nguyên sinh phong phú về hệ thảm thực vật, động vật… hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch. Cùng với những tài nguyên phong phú, đa dạng Yên Bái luôn rộng mở và đón chào các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đến đầu tư. Không chỉ với những cơ chế, chính sách thông thoáng như: giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; ưu đãi thuế đất thấp nhất theo đơn giá do UBND tỉnh ban hành trên địa bàn, nhà đầu tư còn được miễn tiền thuê đất trong vòng 7 năm, đối với các dự án trong khu công nghiệp được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 50% kinh phí san tạo mặt bằng; hỗ trợ cho nhà đầu tư đào tạo nghề cho lao động người Yên Bái làm việc tại dự án; ưu đãi về hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư khi vay của tổ chức tín dụng, hỗ trợ xúc tiến đầu tư và ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp…

Yên Bái còn có hệ thống hạ tầng đáp ứng cho phát triển, hiện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng năm 2020. Toàn tỉnh đã có 5 khu công nghiệp với diện tích 1.182 ha. Trong đó có: Khu công nghiệp phía Nam rộng 400 ha, đến nay đã có 10 dự án đầu tư; Khu công nghiệp Minh Quân rộng 112 ha và đã có 3 dự án đầu tư; Khu công nghiệp Bắc Văn Yên diện tích 72 ha, có 4 dự án đầu tư đã đi vào sản xuất; Khu công nghiệp Âu Lâu có diện tích 120 ha; Khu công nghiệp Mông Sơn.

Hầu hết các khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: điện, đường, nước, bưu chính viễn thông... khá hoàn chỉnh, đáp ứng mọi yêu cầu của nhà đầu tư. Không chỉ có vậy, Yên Bái còn làm tốt công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư, mọi doanh nghiệp đến đầu tư đều được tạo điều kiện tối đa, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Theo đánh giá hàng năm của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI) môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện ngày một tốt hơn, đứng thứ 23/ 63 tỉnh, thành, thể hiện qua các chỉ số về môi trường cạnh tranh, tính tiên phong của đội ngũ lãnh đạo tỉnh. Nhờ vậy, trong 5 năm qua Yên Bái đã có 277 dự án được chấp thuận, chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 18.166 tỷ đồng.

Với lợi thế về tiềm năng, cùng với định hướng phát triển, Yên Bái mong muốn được các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, cá nhân tiếp tục đến tìm hiểu và đầu tư. Yên Bái cam kết thực hiện đầy đủ những chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, cũng như tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư để cùng “đánh thức, khai thác tiềm năng, tạo nguồn lực mới cho phát triển, hướng tới tương lai bền vững”.

Thanh Phúc

Các tin khác
Dự án chế biến khoáng sản của Công ty cổ phần Đá cẩm thạch R.K là dự án đầu tư nước ngoài có hiệu quả tại Yên Bái.
Ảnh: Lãnh đạo huyện Lục Yên và Công ty kiểm tra sản phẩm đá xẻ tại nhà máy.

YBĐT - Trong con mắt các nhà đầu tư, Tây Bắc là vùng đất mới với sự giàu có về tiềm năng khoáng sản, nông - lâm sản, về du lịch và là nơi có nguồn đất đai, lao động dồi dào.

Phó thủ tướng Chính Phủ Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng đoàn công tác thăm mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại vùng chè Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

YBĐT - Vấn đề đặc biệt quan tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thông thoáng, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiến hành công tác khảo sát, xây dựng và triển khai các dự án phát triển vùng.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (người đứng thứ 5 từ phải sang) gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp chế biến đá ở huyện Lục Yên.

YBĐT - Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã khẳng định như thế trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái điện tử trước sự kiện Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc diễn ra tại Yên Bái.

Sản phẩm giấy đế của Nhà máy Giấy đế Minh Quân thuộc Công ty cổ phần Chế biến Nông lâm sản Yên Bái.

YBĐT - Thực hiện chủ trương đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và vận động nhân dân các dân tộc trồng và phát triển rừng kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục