Ban hành chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2012 | 8:51:27 AM
YBĐT - Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND Quy định chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn Yên Bái.
Dự án trong các khu công nghiệp của tỉnh được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 50% kinh phí san tạo mặt bằng. Ảnh: Dây chuyền nghiền và vận chuyển sản phẩm bột đá của Công ty liên doanh Cacbonnat canxi YBB trong Khu công nghiệp phía Nam.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Theo đó, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái được ưu đãi về các chính sách sau:
Ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước: nhà đầu tư được thuê đất với đơn giá thấp nhất theo giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cho từng địa bàn hàng năm. Nhà đầu tư được thuê mặt nước với mức thấp nhất trong khung giá theo quy định hiện hành của Chính phủ.
Hỗ trợ về san tạo, giải phóng mặt bằng:
Đối với dự án trong các khu công nghiệp của tỉnh: tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 50% kinh phí san tạo mặt bằng, áp dụng cho diện tích mặt bằng xây dựng, sản xuất thực tế được phê duyệt; không áp dụng đối với diện tích dự phòng mở rộng sản xuất và diện tích sử dụng vào các mục đích khác; mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/ dự án.
Đối với dự án nằm ngoài các khu công nghiệp của tỉnh: nếu đầu tư vào lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông lâm sản như chế biến chè, quế, gỗ, sử dụng công nghệ tiên tiến, có quy mô vốn đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên thì được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa là 3 tỷ đồng/dự án; chỉ áp dụng cho diện tích mặt bằng xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không áp dụng đối với diện tích dự phòng mở rộng sản xuất và diện tích dự phòng sử dụng vào các mục đích khác.
Đối với dự án đầu tư về du lịch (nằm trong Quy hoạch du lịch của tỉnh): tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích mặt bằng xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức hỗ trợ tối đa là 3 tỷ đồng/dự án. Đối với các dự án xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên: tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức hỗ trợ tối đa là 2 tỷ đồng/1 dự án.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng: đối với dự án trong các khu công nghiệp của tỉnh: tỉnh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật điện, nước, giao thông đến hàng rào khu công nghiệp. Đối với dự án trong khu du lịch: tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật điện, giao thông đến điểm đầu khu du lịch. Đối với các dự án trong cụm công nghiệp do cấp huyện quản lý: giao cho ủy ban nhân dân cấp huyện tự cân đối, quyết định mức hỗ trợ đối với từng dự án đầu tư cụ thể.
Hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương: tỉnh hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện đào tạo nghề cho lao động là người địa phương để làm việc tại dự án của nhà đầu tư và cho số lao động thực tế sau khi đào tạo xong có thời gian làm việc tại dự án từ một năm trở lên theo phương thức cấp kinh phí hỗ trợ một lần. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/người/khoá đào tạo trình độ sơ cấp nghề, 2 triệu đồng/người/khoá đào tạo trình độ trung cấp nghề, 3 triệu đồng/người/khoá đào tạo trình độ cao đẳng nghề.
Tỉnh hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại: hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm (đặc biệt là các sản phẩm quế, chè, gạo, các sản phẩm đá mỹ nghệ, tranh đá quý, đá trắng sau chế biến).
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ theo từng trường hợp cụ thể, tối đa là 100 triệu đồng cho một thương hiệu; tổ chức, cá nhân có hoạt động xúc tiến đầu tư, môi giới và kêu gọi được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mức vốn từ 1 triệu USD trở lên được thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tỉnh hỗ trợ chi phí; mức hỗ trợ cho một dự án tối đa là 50 triệu đồng. Các cơ sở có sản phẩm xuất khẩu và đã thực hiện xuất khẩu sản phẩm trực tiếp được từ 0,5 triệu USD được hỗ trợ 50 triệu đồng, mức hỗ trợ tối đa không quá 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được ưu đãi về giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư khi đến làm việc tại Sở Kế hoạch - Đầu tư và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh như rút ngắn thời gian làm thủ tục thông qua cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông"...
Các lĩnh vực đầu tư sau đây không thuộc đối tượng áp dụng của chính sách này: các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư chế biến khoáng sản, các dự án đầu tư khai thác, chế biến đá vôi trắng, xây dựng công trình thuỷ điện và các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện đã được hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Mạnh Quyết
Các tin khác
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp và ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam vừa ký 8 hiệp định vay vốn JICA thuộc đợt 2 tài khóa 2011 cho các chương trình, dự án quan trọng với tổng giá trị vay 136,447 tỷ yên, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD.
Ngày 29-3, tại Hà Nội, Bộ GTVT và Đại sứ quán Nhật Bản đã ký Công hàm trao đổi và Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho Dự án phát triển hệ thống kiểm soát giao thông đường cao tốc tại Hà Nội.
Ông Marc Holzman - Phó Chủ tịch quỹ Barclays Capital - một trong quỹ đầu tư lớn vừa đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Số tiền do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng nguồn nước trên 50.000 ha tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Bắc Ninh.