Sau khi trả nợ món vay hộ nghèo, bà tiếp tục vay vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Hiện, bà Siểng đã có mô hình kinh tế ổn định với đàn bò duy trì từ 6 đến 7 con và nuôi khá nhiều lợn, gà để có thu nhập ổn định trên 80 triệu đồng mỗi năm, nhà cửa khang trang, thoát nghèo bền vững.
Theo bà Lò Thị Lon - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn Lừu 1, khi mới thành lập tổ chỉ có 12 hộ vay với dư nợ khoảng 250 triệu đồng. Đến nay, Tổ có khoảng 50 hộ còn dư nợ với tổng dư nợ các chương trình TDCS đạt trên 2,3 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp của NHCSXH, bà con có điều kiện đầu tư để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và lấy sức cày kéo. Đến nay, bà con trong thôn chăn nuôi rất hiệu quả, trâu, bò đang phát triển tốt, nhà ít nhất cũng đã có được 2 con, nhà nhiều có từ 4 đến 5 con; một số hộ không chỉ thoát nghèo mà trở thành hộ giàu trong thôn như: Chị Lò Thị In, anh Hoàng Văn Thu, chị Lò Thị Dân...
Không chỉ có gia đình anh Thu, chị Dân, chị In ở xã Hát Lừu, những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách ở huyện Trạm Tấu đã thoát nghèo bền vững nhờ vào đồng vốn TDCS.
Ông Hoàng Đình Huân - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu cho biết: thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến hoạt động TDCS; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội; UBND huyện đã quan tâm sớm chuyển vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Các thành viên Ban Đại diện thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát đối với hoạt động TDCS. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các tổ chức Hội, đoàn thể làm ủy thác đã phối hợp quản lý tốt nguồn vốn tín dụng trên địa bàn; chỉ đạo bình xét, xác nhận cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích; thường xuyên kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động của Tổ TK&VV, kiểm tra sử dụng vốn vay; từ đó nâng cao ý thức của người vay, trả nợ vốn vay đầy đủ, đúng hạn. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy được hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Qua đó, 5 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình TDCS, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt trên 257,7 tỷ đồng đạt 96,6% kế hoạch giao năm 2023, tăng trên 20,5 tỷ đồng so với 31/12/2022; giải ngân cho vay được 697 lượt khách hàng với số tiền 40,2 tỷ đồng.
Dư nợ đạt trên 257,5 tỷ đồng, tăng 20,8 tỷ đồng so với đầu năm đạt 97,1% kế hoạch tỉnh giao, tỷ lệ tăng trưởng 8,8%. Chất lượng tín dụng được duy trì, tỷ lệ nợ quá hạn 0,1%.
Nguồn vốn cho vay từ NHCSXH đã góp phần hỗ trợ cho 697 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh thoát nghèo bền vững, tạo việc làm mới cho 14 lao động có việc làm ổn định; xây dựng và sửa chữa làm được 135 công trình nước sạch và 135 công trình vệ sinh các hộ ở khu vực nông thôn cải thiện chất lượng cuộc sống. TDCS thật sự là bà đỡ” hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát khỏi nghèo đói, hòa nhập cộng đồng và từng bước vươn lên làm giàu.
Văn Thông