Cuộc thi sắc đẹp của gay đầu tiên tại Trung Quốc
- Cập nhật: Thứ ba, 12/1/2010 | 2:03:31 PM
Sẽ có vòng thi đồ bơi và hát hò như mọi cuộc thi sắc đẹp khác, nhưng các nhà tổ chức khẳng định sự kiện diễn ra vào ngày 15/1 sẽ là cuộc thi nghiêm túc đầu tiên dành cho đàn ông đồng tính tại Trung Quốc.
Các nhà tổ chức cuộc thi (từ trái sang phải): Giám đốc thiết kế Niu Niu, Giám đốc truyền thông Ryan Dutcher, Giám đốc điều hành Ben Zhang.
|
Họ cho rằng sự kiện đánh một dấu mốc quan trọng trong việc người dân Trung Quốc đã thay đổi thái độ đối với người đồng tính như thế nào và dân gay đã gia tăng sự tự tin ra sao trong những năm qua. Tình dục đồng giới bị coi là bất hợp pháp cho đến năm 1997 tại Trung Quốc. Tình trạng đồng tính bị coi là một căn bệnh trong 4 năm sau đó. Giờ cộng đồng gay đang từng ngày phá vỡ những quan niệm lâu đời đó, tờ The Guardian nhận xét.
"Chúng tôi thông minh, chuyên nghiệp, hấp dẫn - và chúng tôi là gay", tờ báo này trích lời thí sinh Emilio Liu, 26 tuổi, đến từ vùng Nội Mông nói. "Tôi muốn khán giả biết rằng có một lực lượng đông đảo những người như chúng tôi sống tại Trung Quốc. Đó là một cuộc sống tuyệt vời và không có gì phải giấu giếm nữa".
Hiện đã có nhiều tổ chức ủng hộ người đồng tính và các website giúp đỡ mọi người khám phá bản năng giới tính cũng như tìm bạn đời. Nhiều sự kiện dành cho dân gay cũng được tổ chức tại các thành phố lớn. Năm ngoái quán bar đầu tiên dành cho dân gay được chính phủ hậu thuẫn đã khai trương tại Côn Minh, Vân Nam.
Giờ cuộc thi Mr Gay China lần đầu tiên sắp diễn ra. 8 thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ xuất hiện tại một hộp đêm ở Bắc Kinh để khoe thân hình trong các bộ quần áo thời trang và đồ bơi, trình diễn tài năng như nhảy, múa, đọc thơ... và trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Người chiến thắng chung cuộc sẽ tới Na Uy vào tháng tới để tham dự cuộc thi Mr Gay toàn cầu.
Xem video các thi sinh phát biểu tại đây. |
"Trước đây mọi người chưa sẵn sàng cho việc này", Ben Zhang, một trong những nhà tổ chức nói. Anh nhớ lại quá trình đau khổ kéo dài khi phát hiện ra mình là người đồng tính gần 10 năm trước.
Khi đó sẽ chẳng mấy ai dám công khai tên tuổi của mình và những người đồng tính thường bị kỳ thị không khác gì người mang HIV. Điều ngạc nhiên là rất nhiều trong số họ là các công chức, từng đi học hoặc công tác ở nước ngoài.
Zhang thừa nhận rằng cuộc sống của dân gay vẫn gặp khó khăn ở bên ngoài các thành phố lớn, nhưng theo anh, đó là lý do vì sao cần có cuộc thi sắc đẹp này: "Nếu cuộc thi được theo dõi bởi một chàng trai nào đó ở vùng quê Ninh Hạ, anh ta sẽ nhận ra rằng: 'Là gay không có gì ghê tởm và mình không phải là người duy nhất'".
Với nhiều người, vấn đề lớn nhất chính là sự vô hình. "Mọi người muốn tránh phiền phức nên họ tránh xa những gì khác biệt... Không hẳn là họ e sợ hay cho rằng nó tồi tệ. Chỉ là họ không muốn biết đến", Liu nói sau khi kể rằng nhiều người bạn đã bỏ anh sau khi biết anh là gay.
Anh cho biết sức ép đối với dân gay ở Trung Quốc khác biệt so với các nơi khác, đó là bởi "Trung Quốc là một xã hội vô cùng truyền thống". Mặc dù hầu hết bạn bè và người thân đã chấp nhận tình trạng của anh, nhưng anh vẫn chưa dám cho cha mình và ông bà biết.
"Nếu tôi nói 'Này cha, con là gay đấy', ông sẽ hỏi lại thế này, 'Gay à? Nó là cái gì thế?'", China Daily trích lời Liu.
Steve Zhang, 30 tuổi, cũng chia sẻ hoàn cảnh tương tự. Gia đình liên tục bắt anh phải tìm một cô gái để cưới trong nhiều năm nay. "Khi rốt cục tôi nói với chú mình rằng tôi đã có bạn trai, ông không hề tỏ ra ngạc nhiên nhưng nói: 'Đó sẽ không phải là chuyện lâu dài'".
"Họ cho rằng vui vẻ với các chàng trai không có nghĩa là bạn yêu họ. Bạn vẫn sẽ cưới vợ một lúc nào đó", Guardian trích lời Zhang cho biết.
Sự chấp nhận của các quan chức cũng ở các mức độ khác nhau. Nhiều nhà tổ chức hoạt động than phiền bị chính quyền can thiệp. Nhiều website bị đóng cửa. Các nhà tổ chức cuộc thi Mr Gay China hy vọng sẽ tránh được rắc rối khi không tổ chức cuộc thi đình đám và không mời các báo lớn và chính thống đến dự.
"Các quan chức có thể xuất hiện và nói rằng bình nước cứu hỏa của các anh đặt không đúng chỗ", Zhang nói. "Đó vẫn là một vấn đề nhạy cảm".
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Với nền nhiệt khoảng -10 độ C đến -20 độ C, khi những người bình thường khác phải mặc áo lông và quấn chăn bông quanh mình rồi ngồi cạnh lò sưởi để chống rét thì những "chiến binh mình đồng da sắt” này sẵn sàng mặc bikini và thỏa sức vùng vẫy, bơi lội trong nước hồ đã đóng băng.
Sau bốn năm xây dựng, Trung Quốc vừa khánh thành tuyến đường sắt tốc độ cao nhất thế giới vào những ngày lạnh nhất trong năm. Tuyến đường sắt mới có tốc độ trung bình 345 km/h.
Hai người ưa mạo hiểm đã lập kỷ lục thế giới khi nhảy dù từ tòa tháp cao nhất hành tinh vừa mới khai trương.
Ainan Cawley, chú bé thần đồng 10 tuổi của Singapore, vừa chuyển sang Malaysia học ĐH. Bố Ainan cho biết em buồn chán vô cùng sau ba năm học trường tiểu học ở Singapore vì trí tuệ của Ainan phát triển cao hơn nhiều so với những gì em được học ở trường tiểu học.