Yên Bình chuyển biến sau 5 năm xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/12/2015 | 9:37:22 AM

YBĐT - Đến nay, tất cả 24 xã của huyện Yên Bình đều đạt từ 6 tiêu chí nông thôn mới trở lên; trong đó, 5 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và 1 xã đạt 16 tiêu chí.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại xã Vũ Linh.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại xã Vũ Linh.

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011 - 2015 không chỉ tạo ra cho Yên Bình những chuyển biến tích cực về diện mạo nông thôn mà còn góp phần đáng kể nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trước cộng đồng của đông đảo người dân trên địa bàn. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình về nội dung này.

P.V: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những chuyển biến cơ bản trong nông nghiệp, nông thôn ở Yên Bình sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Tuy là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh nhưng Yên Bình vẫn còn là một huyện nghèo. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đã mang đến cho Yên Bình nhiều kết quả đáng mừng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, tất cả 24 xã XDNTM của huyện đều đạt từ 6 tiêu chí trở lên. Trong đó, có 5 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và 1 xã đạt 16 tiêu chí.

Trong sản xuất nông nghiệp, đã và đang hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa phát triển hiệu quả đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân như: vùng lúa cao sản 500 ha, vùng chè nguyên liệu 700 ha, vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao 700 ha trong đó có 200 ha bưởi đặc sản, vùng tre măng bát độ 300 ha và vùng quế 1.000 ha. Đã xây dựng được 178 cơ sở chăn nuôi tập trung có quy mô lớn.

Tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm của huyện tăng 5%, hiện tại đàn trâu, bò đạt trên 17 nghìn con, đàn lợn hơn 95 nghìn con và gần 5 triệu con gia cầm. Thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng và bảo vệ, năm 2015 toàn huyện ước đạt 3.500 tấn thủy sản (tăng 1.500 tấn so với năm 2010), giá trị thủy sản tăng bình quân 17%/ năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang và dần hoàn thiện ở tất cả các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập của người dân cũng ngày càng tăng cao, hiện đạt 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,7% (giảm 26,7% so với năm 2011).

P.V: XDNTM đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi Yên Bình vẫn là một huyện nghèo, nguồn lực còn hạn chế. Để tháo gỡ khó khăn này huyện Yên Bình đã có những nỗ lực như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Nguồn vốn đầu tư cho XDNTM là một thách thức đối với huyện Yên Bình. Để tháo gỡ khó khăn đó cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể ở huyện đã phải vào cuộc một cách quyết liệt. Huyện đã làm tốt công tác rà soát, lập và điều chỉnh quy hoạch phù hợp, sát với thực tế để làm cơ sở xây dựng tiến độ thực hiện các mục tiêu cũng như tham mưu với cấp trên những đề xuất hỗ trợ về vốn; chỉ đạo thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo lộ trình; nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm tới lợi ích thiết thực của nhân dân trong việc quyết định, lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện của từng địa phương.

Huyện Yên Bình cũng có nhiều giải pháp phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, huy động nguồn nội lực, thu hút đầu tư từ các tổ chức kinh tế, xã hội, doanh nghiệp và sự tự nguyện đóng góp của người dân.Thông qua các lớp tập huấn và tuyên truyền phần lớn người dân đã thấy việc XDNTM là việc của mình, đem lại lợi ích cho chính bản thân và gia đình nên đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

Trong 5 năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, nhiều héc-ta đất ở, đất sản xuất để làm đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và cây cối, hoa màu trị giá hàng trăm triệu đồng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện dồn lực đầu tư cho XDNTM đạt trên 868 tỷ đồng thì nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp đạt trên 3 tỷ đồng và nguồn vốn đóng góp của nhân dân đạt trên 497 tỷ đồng.

PV: Để thực hiện thành công Chương trình XDNTM, huyện cần những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Như tôi đã nói, Yên Bình vẫn là một huyện nghèo địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, kết cấu hạ tầng thấp. Việc phát triển công nghiệp, dịch vụ tuy đã có những bước chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế. Thu nhập của người dân, nhất là vùng nông thôn chưa cao. Đặc biệt, việc huy động nội lực của Yên Bình thời gian qua tuy đã có rất nhiều cố gắng, nhưng do xuất phát điểm của các xã nằm trong lộ trình XDNTM thấp nên khả năng huy động sức đóng góp của nhân dân còn hạn chế.

Để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Yên Bình cần tiếp tục đón nhận được sự quan tâm hơn nữa của trung ương và của tỉnh nhất là trong việc ưu tiên các nguồn vốn đầu tư.

Trên cơ sở phát huy những thành quả đạt được, rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Yên Bình tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về XDNTM. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương duy trì tốt các tiêu chí đã đạt và tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thật chuẩn với điều kiện thực tế theo hướng có tầm nhìn chiến lược hơn; đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, gắn XDNTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phù hợp với thị trường nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tập trung lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phát huy nội lực, huy động các nguồn đóng góp trong dân để tham gia XDNTM; quan tâm đầu tư, cải tạo vệ sinh môi trường; huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới", kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Kiều Mười (thực hiện)

Các tin khác
Cây sắn cao sản mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở Mậu Đông.

YBĐT - Mậu Đông là xã vùng II của huyện Văn Yên, có 13 thôn, 1.298 hộ và gần 5.000 nhân khẩu. Với những nỗ lực không ngừng, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Mậu Đông đã hoàn thành được 8/19 tiêu chí.

Nhân dân thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán (Trấn Yên) bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Đã hết cái thời xóm thôn úi sùi trong cảnh lầy lội mỗi khi mưa dầm gió bấc, đường vào các thôn của xã Nga Quán (Trấn Yên) hôm nay chẳng kém gì các khu dân cư sầm uất của thành phố Yên Bái.

YBĐT - Kể từ năm 2011 đến nay, nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp bằng tiền mặt trị giá gần 35 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn và các công trình công cộng khác.

Sáng nay (8/12), Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục