Lục Yên: Xanh lại những đồi cam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2016 | 9:33:05 AM

YBĐT - Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện Lục Yên có khoảng 550 ha cây ăn quả có múi đặc sản và trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Trang trại trồng cam của gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, thôn 8, xã Khánh Hòa (bên phải) mỗi năm cho thu nhập trên 700 triệu đồng.
Trang trại trồng cam của gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, thôn 8, xã Khánh Hòa (bên phải) mỗi năm cho thu nhập trên 700 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Lục Yên đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng triển khai Đề án hình thành vùng cây ăn quả có múi, khuyến khích phát triển cây cam sành truyền thống và một số giống cam tiến bộ kỹ thuật mới nhằm phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 550 ha cây ăn quả có múi đặc sản và trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Những "vua cam” đất Ngọc

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở xã Khánh Hòa đã trồng lại cây cam sành - một trong những giống cây ăn quả đặc sản vốn nổi tiếng một thời trên đất Ngọc. Giờ đây, cây cam đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân.

Đến thôn 8, xã Khánh Hòa, hỏi thăm trang trại trồng cam của gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, mọi người không ai không biết bởi anh là một trong những người tiên phong trong việc khai hoang, phục hóa trên vùng đất này, nhằm khôi phục lại giống cam sành đặc sản của địa phương. Từ năm 1997 trở về trước, mảnh đất này chỉ toàn là cây sậy, lau lách, chè vè…

Sau khi có chủ trương giao đất, giao rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Nhà nước, anh đã mạnh dạn nhận hơn 20 ha đất để trồng rừng và cây ăn quả. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, những ngày đầu khởi nghiệp, anh bố trí dưới tán rừng để trồng giống cam sành với diện tích ban đầu khoảng 3 ha, rồi đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Sau nhiều năm vật lộn, bám đất, bám rừng, năm 2001, ngay vụ cam đầu tiên, anh đã thắng lớn.

Theo đà tiến lên, tiền bán cam mỗi vụ sau đó, anh lại dồn vào mua thêm cây giống, phân bón rồi học cách chiết cành để mở rộng diện tích. Đến ngày hôm nay, sau gần 20 năm dày dặn kinh nghiệm từ nghề trồng cam, anh đã gây dựng một cơ ngơi và trang trại với diện tích hơn 15 ha cam sành, hiện nay, có hơn 10 ha cây cam cho thu hoạch, mỗi vụ cho trung bình từ 70 đến 80 tấn quả. Thế nên, người dân nơi đây đã phong anh là "vua cam” trên đất Khánh Hòa. Vụ cam năm nay, trang trại của "vua cam” Nguyễn Quốc Khánh thu khoảng trên 70 tấn, nhiều thương lái ở khắp mọi nơi như Lào Cai, Yên Bái và Hà Nội… tìm đến đặt mua cả cây với số lượng lớn.

Theo ước tính của anh, vụ cam năm vừa rồi, gia đình anh thu về khoảng trên 700 triệu đồng. Anh Khánh cho biết: "Năm 2016 này, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 2 ha giống cam sành, cam Vinh, trong đó có 1 ha sẽ phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai Dự án trồng giống cây cam sành không hạt và mô hình cam giống làm mắt ghép. Nếu thành công thì sẽ nhân rộng diện tích những năm tới".  

Ở thôn 8, xã Khánh Hòa không chỉ có trang trại cam của gia đình anh Khánh mà còn có trang trại cam của vợ chồng anh Trịnh Văn Hưng và chị Hoàng Thị Chuyển cũng được biết đến là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào trồng cam sành. Trước đây, đời sống của gia đình gặp nhiều khó khăn vì không có vốn, không có kinh nghiệm trong lao động sản xuất…

Không cam chịu cuộc sống vất vả, với 4,7 ha đất vườn rừng, sau khi tham khảo nhiều nơi, xem nhiều loại giống cây trồng với sự chia sẻ của những người có kỹ thuật về giống cây trồng, nhận thấy cây cam sành phù hợp với thổ nhưỡng đất Khánh Hòa, cuối năm 1995, gia đình anh Hưng bắt tay vào phát dọn và chuẩn bị đất để trồng cam.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó, đến nay, gia đình anh, chị có hơn 3 ha cam sành, trong đó khoảng hơn 1 nghìn cây đã cho thu hoạch. Vụ cam năm ngoái, gia đình anh đã thu hoạch từ tiền bán cam trên 300 triệu đồng.

Vụ năm nay, gia đình anh dự kiến thu hoạch khoảng trên 40 tấn. Từ tiền thu hoạch cam, vợ chồng anh Hưng, chị Chuyển đã có của ăn, của để, mua đất, làm nhà và nuôi con cái ăn học. Trong căn nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi, trị giá ngót nghét 2 tỷ đồng ở ngay tại trung tâm xã Khánh Hòa vừa mới khánh thành vào đầu năm nay, anh Hưng phấn khởi khoe: "Tất cả nhà cửa, cơ ngơi mà vợ chồng tôi có được như ngày hôm nay đều là từ tiền bán cam đấy nhà báo ạ!".

Chiến lược dài hơi

Đồng chí Nguyễn Kim Ba - Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: "Những năm trước đây, cả xã chỉ có vài ba hộ trồng cam nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, phong trào trồng cam sành trên địa bàn xã đã mở rộng và phát triển mạnh với 131 hộ tham gia với diện tích khoảng 100 ha; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch 80 ha, năng suất ước đạt trên 95 tạ/ha, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 600 - 700 tấn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, số hộ có mức sống khá, giàu tăng. Cây cam sành đã và đang là cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn xã phấn đấu đạt khoảng 200 ha cây ăn quả”.

Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Năm 2015 vừa qua, huyện đã tập trung chỉ đạo việc cải tạo và trồng mới diện tích cây ăn quả được 70 ha, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tăng 20 ha so với năm 2014, chủ yếu trồng các loại cây có múi như cam sành, cam Vinh, quýt... Vụ xuân năm 2016, huyện đã trồng mới thêm 50 ha, đến nay, toàn huyện có khoảng trên 200 ha cây ăn quả tập trung, chủ yếu là giống cây cam sành địa phương”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong 5 năm tới, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung xây dựng triển khai Đề án hình thành vùng cây ăn quả có múi, khuyến khích phát triển cây cam sành truyền thống và một số giống cam tiến bộ kỹ thuật mới, mỗi năm phấn đấu trồng mới khoảng 50 ha và mục tiêu đến năm 2020 đạt 550 ha cây ăn quả tập trung ở một số xã như: Khánh Hòa 300 ha, Mường Lai 100 ha, Minh Xuân 50 ha, Yên Thắng 50 ha, Khai Trung 50 ha…; xây dựng các mô hình trồng cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cam Lục Yên; bước đầu hình thành hợp tác xã trồng cam, tiến tới thành lập Hội trồng cam Lục Yên. Đây là một trong những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Tin chắc rằng, khi các đề án, chính sách hỗ trợ trong phát triển nông, lâm nghiệp và hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi của huyện Lục Yên triển khai sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho những nông dân có thể yên tâm đầu tư và sống bằng nghề trồng cây ăn quả đặc sản để vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

 Đức Toàn

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một góc xã NTM Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, Long An.

Chương trình công tác 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Những con đường được bê tông hóa tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, phát triển kinh tế.

YBĐT - Chẳng còn cái cảm giác mông lung, mơ hồ như những ngày đầu bắt tay vào triển khai thực hiện, khó khăn đang lùi khi mà dáng dấp, diện mạo của một xã nông thôn mới (NTM) đã dần hiện hữu ở Nga Quán, huyện Trấn Yên.

Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trạm Tấu và lực lượng dân quân sửa chữa cầu cho người dân tại xã Hát Lừu.

YBĐT - Qua 5 năm thực hiện Phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”, huyện Trạm Tấu có nhiều bước phát triển mới, dần trở thành phong trào chung của các xã, thị trấn và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục